Công văn số 3341/BNV-TCCB ngày 28/7/2015 của Bộ Nội vụ về việc nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ ốm đau đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định như sau:
Điều 6 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động quy định về thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm.
Như vậy, khoản 4, khoản 6 Điều 6 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ (“Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng”; “Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng”) quy định giới hạn thời gian để tính số ngày nghỉ hằng năm cho người lao động, không phải quy định giới hạn thời gian nghỉ ốm, thời gian nghỉ việc không hưởng lương của người lao động.
Nếu người sử dụng lao động đồng ý cho người lao động nghỉ không hưởng lương quá 01 tháng hoặc người lao động nghỉ ốm quá 02 tháng, thì thời gian vượt quá đó không được tính là thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm.
Pháp luật về lao động hiện hành không quy định thời gian nghỉ không hưởng lương tối đa, chỉ quy định “người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được nghỉ không hưởng lương”(Khoản 3 Điều 116 Bộ luật lao động).
Theo Bộ luật lao động và Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ thì công chức, viên chức được áp dụng quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi tại 02 văn bản này trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công chức, viên chức có quy định khác. Vì vậy, nếu không có quy định riêng về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi thì công chức, viên chức cũng áp dụng 02 nội dung trên như người lao động.
Ban biên tập