CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

TỐI CAO

 

Số: 195/BC-VKSTC

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2019

 

 

 

BÁO CÁO

Sơ kết 03 năm thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 2014

về quyền kiến nghị, kháng nghị trong công tác kiểm sát THADS, THAHC

(Từ ngày 01/12/2016 đến 31/5/2019)

 

 

Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 28/12/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao vềcông tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2019;

Thực hiện Kế hoạch số 72/KH-VKSTC ngày 22/4/2019của VKSND tối cao về việc sơ kết 03 năm thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 2014 (Luật Tổ chức VKSND) về quyền kiến nghị, kháng nghị trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính (THADS, THAHC). Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,VKSND tối cao (Vụ 11) báo cáo kết quả sơ kết như sau:

1. Việc triển khai thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 2014 về quyền kiến nghị, kháng nghị trong công tác kiểm sát THADS, THAHC

Luật tổ chức VKSND được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 24/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2015. Kháng nghị, kiến nghị là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng của VKSND khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung và kiểm sát hoạt động THADS, THAHC nói riêng. Quyền kháng nghị, kiến nghị của VKSND trong hoạt động THADS, THAHC được quy định tại các Điều 5, 28 và 30 Luật Tổ chức VKSND; các Điều 12, 64,160, 161 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật THADS); các Điều 25, 315 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (Luật TTHC). Trên cơ sở quy định của pháp luật, VKSND tối cao đã có hướng dẫn việc thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị trong hoạt động THADS, THAHC tại các Điều 34, 35 và 36 Quy chế công tác kiểm sát THADS, THAHC ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSNDTC-V11 ngày 20/12/2016 (Quy chế số 810) của Viện trưởng VKSND tối cao;Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 23/11/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao (Chỉ thị số 07) về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát THADS, THAHC”.

Công tác quán triệt, triển khai thi hành Luật tổ chức VKSND nói chung, việc triển khai thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị nói riêng đã được VKSND các cấp quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hình thức phong phú. Công chức, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát THADS, THAHC trong Ngành đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị, xác định việc nâng cao chất lượng, hiệu quả kháng nghị, kiến nghị của VKSND trong công tác kiểm sát THADS, THAHC là hết sức cần thiết. Trong quá trình kiểm sát đã tập trung phát hiện vi phạm trong hoạt động THADS, THAHC của cơ quan Tòa án, cơ quan THADS và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến THADS, THAHC để kịp thời ban hành kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, góp phần nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát.

2. Kết quả thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị của VKSND các cấp

Trong thời gian từ ngày 01/12/2016 đến ngày 31/5/2019, VKSND các cấp đã thụ lý kiểm sát tổng số 1.839.100 việc THADS; kiểm sát 1.673.883 quyết định về THADS, trong đó đã phát hiện 30.762/1.673.883 quyết định có vi phạm về thời hạn, nội dung, hình thức (chiếm 1,83%); kiểm sát 2.197 quyết định buộc THAHC của Tòa án, trong đó đã phát hiện 138/2.197 quyết định có vi phạm, chiếm 6,28% (Biểu mẫu số 24- Cục 2 VKSND tối cao).

VKSND các cấp đã vận dụng đầy đủ các phương thức kiểm sát để kiểm sát hoạt động THADS, THAHC; chủ động kiểm sát thường xuyên, đã hoàn thành 2.396 cuộc trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan THADS, cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác THADS, THAHC. Qua kiểm sát đã ban hành 5.469 yêu cầu đối với cơ quan THADS (201 yêu cầu ra quyết định cưỡng chế, hoãn cưỡng chế; 229 yêu cầu Cơ quan THADS ra quyết định thi hành án; 1.443 yêu cầu Cơ quan THADS tự kiểm tra, cung cấp tài liệu; 3.596 yêu cầu cơ quan THADS ra quyết định hoãn thi hành án, tạm đình chỉ THA, đình chỉ THA, lập hồ sơ xét miễn giảm tiền phạt án phí, xác minh điều kiện thi hành án và các yêu cầu khác). Lập hồ sơ kiểm sát và nghiên cứu 100% hồ sơ cưỡng chế, kê biên tài sản; kiểm sát việc tiêu huỷ tang vật, kiểm sát ra quyết định uỷ thác đi và thông báo tiếp nhận uỷ thác đến đầy đủ, đúng quy định. Chủ động phối hợp với Cơ quan THADS giải quyết việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài; xét miễn, giảm thi hành án đối với khoản tiền phạt, án phí; góp phần làm giảm đáng kể số lượng án tồn đọng chậm thi hành án...

Thông qua hoạt động kiểm sát, VKSND các cấp đã phát hiện nhiều vi phạm trong công tác THADS, THAHC của Tòa án, Chấp hành viên và cơ quan THADS, Chủ tịch UBND, UBND các cấp và các cơ quan có liên quan để ban hành kiến nghị, kháng nghị. Cụ thể:

- Đối với cơ quan THADS có các vi phạm chủ yếu như: Lập hồ sơ THA không đúng quy định; ra quyết định THA chưa đầy đủ, không đúng với nội dung bản án, quyết định của Tòa án; tiếp nhận đơn yêu cầu THA không đúng quy định; chậm xác minh, xác minh không đầy đủ điều kiện THA; việc có điều kiện thi hành nhưng cơ quan THADS xếp vào diện chưa có điều kiện thi hành; chậm ra quyết định giao tài sản và quyết định giải tỏa kê biên; chậm ra quyết định về việc chưa có điều kiện THA; chậm ký hợp đồng thẩm định giá và hợp đồng bán đấu giá tài sản; giao bảo quản tài sản kê biên không đúng quy định; người phải THA có điều kiện không tự nguyện thi hành nhưng Chấp hành viên không áp dụng biện pháp cưỡng chế THA theo quy định của pháp luật; không kịp thời tổ chức THA; không thông báo nhận ủy thác THA, hoãn THA, tạm đình chỉ, đình chỉ THA; vi phạm trong việc cưỡng chế, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản; xử lý tài sản, vật chứng; lập hồ sơ xét miễn, giảm tiền THA; không gửi các quyết định về THA cho VKSND cùng cấp; không gửi hoặc chậm gửi các quyết định về THA cho đương sự; ra quyết định chưa có điều kiện THA không đúng nội dung vụ việc THA; chậm nộp tiền vào ngân sách Nhà nước; không thông báo thông tin, lý lịch tư pháp của người phải THA cho Sở Tư pháp…

- Đối với Tòa án có các vi phạm chủ yếu sau: Chưa chuyển và chậm chuyển giao bản án, quyết định đến cơ quan THADS; chuyển giao bản án, quyết định chưa có hiệu lực đến cơ quan THADS; không gửi thông báo đính chính đến cơ quan THADS; không giải thích; chậm giải thích, đính chính, bổ sung bản án, quyết định theo kiến nghị của cơ quan THADS; sai sót trong các quyết định miễn, giảm khoản nghĩa vụ THA nộp ngân sách Nhà nước; chậm mở phiên họp xét kháng nghị của VKSND đối với quyết định xét miễn, giảm khoản nộp ngân sách Nhà nước …

- Đối với các cơ quan liên quan có các vi phạm như:

+ Cơ quan Tài nguyên & Môi trường, Văn Phòng đăng ký quyền sử dụng đất không kịp thời cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai đúng thời hạn cho cơ quan THADS;

+ Cơ quan bán đấu giá tài sản THA không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc thông báo, niêm yết công khai việc bán đấu giá tài sản; gây cản trở cho người muốn tham gia đấu giá không được nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá;

+ Cơ quan điều tra chậm thực hiện việc chuyển giao vật chứng vụ án cho cơ quan THADS;

+ UBND cấp xã vi phạm trong việc niêm yết Quyết định chưa có điều kiện thi hành án; UBND cấp huyện vi phạm trong ra quyết định thành lập hội đồng định giá khi tiếp nhận xử lý tài sản sung công quỹ Nhà nước.

Qua đó, VKSND các cấp đã phát hiện 47.883 việc có vi phạm, trong đó: Có 5.765 bản án, quyết định Toà án vi phạm thời hạn chuyển giao cho cơ quan THADS; 57 việc vi phạm trong việc tiếp nhận, thụ lý đơn yêu cầu THA; 3.317 việc có vi phạm trong việc thông báo, niêm yết công khai các quyết định về THA; 10.753 quyết định về THADS có vi phạm; 94 quyết định buộc THAHC của Tòa án có vi phạm (Biểu mẫu số 27-Cục 2 VKSND tối cao); 13.301 quyết định THA gửi cho VKSND vi phạm về thời hạn; 5.254 việc vi phạm về việc phân loại, xác minh điều kiện THA; 220 việc vi phạm trong việc uỷ thác và nhận uỷ thác THA; 102 việc vi phạm trong việc hoãn THA; 05 việc vi phạm trong việc tạm đình chỉ THA; 87 việc vi phạm trong việc đình chỉ THA; 498 việc vi phạm trong việc cưỡng chế THA; 447 số việc vi phạm trong việc kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản; 1.053 việc vi phạm trong việc xử lý tài sản, vật chứng: 334 việc vi phạm trong việc lập hồ sơ xét miễn, giảm tiền THA; 97 việc Toà án có vi phạm trong việc xét miễn, giảm tiền THA; 981 việc vi phạm trong việc thu, quản lý, xử lý tiền, tài sản THA; 5.518 số việc có vi phạm khác trong THADS, THAHC.

Từ việc phát hiện các vi phạm nêu trên, VKSND các cấp đã ban hành 4.567 kiến nghị, 442 kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm[1].

Số kiến nghị được chấp nhận: 4.530/4.567 kiến nghị, đạt 99,18%; số kiến nghị được chấp nhận một phần: 18/4.567 kiến nghị, chiếm 0,39%; số kiến nghị không được chấp nhận: 06/4.567 kiến nghị, chiếm 0,13%[2]; Chưa trả lời kiến nghị: 13 kiến nghị (Phụ lục số 01).

Số kháng nghị được chấp nhận: 432/442 kháng nghị, đạt 97,8%; số kháng nghị được chấp nhận một phần: 04/442 kháng nghị, chiếm 0,9% (Gia Lai, TP HCM, Kiên Giang, Sóc Trăng); kháng nghị không được chấp nhận: 06/442 kháng nghị,[3]chiếm 1,3% (Phụ lục số 02).

Về cơ bản, kiến nghị, kháng nghị của VKSND các cấp bảo đảm về hình thức, nội dung, lập luận rõ ràng, chặt chẽ, viện dẫn căn cứ pháp luật để xác định chính xác vi phạm; nhiều kiến nghị, kháng nghị có tính thuyết phục cao, được các cơ quan, người có thẩm quyền bị kiến nghị, kháng nghị chấp nhận tiếp thu, khắc phục vi phạm(Phụ lục số 03). Kiến nghị, kháng nghị được gửi kịp thời đến đối tượng bị kiến nghị, kháng nghị và cơ quan chủ quản cấp trên của đối tượng bị kiến nghị, kháng nghị; gửi đến VKSND cấp trên trực tiếp theo đúng quy định. VKSND ban hành kiến nghị, kháng nghị đã chú trọng theo dõi, phúc tra việc thực hiện, khắc phục vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị kiến nghị, kháng nghị. Một số VKSND cấp tỉnh[4] thường xuyên quan tâm kiểm tra, hướng dẫn, tổng hợp, thông báo rút kinh nghiệm, xây dựng chuyên đề về kiến nghị, kháng nghị cho VKSND cấp dưới.

3. Hạn chế,tồn tạivà nguyên nhân

3.1. Hạn chế, tồn tại

- Số kiến nghị, kháng nghị được ban hành trong toàn Ngành so với số vi phạm đã phát hiện chiếm tỷ lệ chưa cao (5.009 kiến nghị, kháng nghị/47.883 vi phạm, chiếm tỷ lệ 10,4%), còn 18 VKSND cấp tỉnh không ban hành kháng nghị.

- Trong hoạt động kiểm sát thường xuyên: Không phát hiện kịp thời vi phạm; có trường hợp phát hiện vi phạm nhưng không kiên quyết, còn nể nang trong việc xử lý vi phạm của cơ quan THADS; chưa chú trọng tích luỹ các vi phạm đã phát hiện để kiến nghị, …

- Trong hoạt động trực tiếp kiểm sát: Một số trường hợp đã phát hiện vi phạm nhưng việc trích cứu nội dung vi phạm không đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, chỉ ghi chung chung hoặc không photocopy lại những văn bản, tài liệu cần thiết trong hồ sơ thụ lý của Chấp hành viên nên khó khăn trong việc tổng hợp vi phạm,dẫn đến việc bỏ sót vi phạm do không đủ dẫn chứng cụ thể. 

- Việc kiểm sát hoạt động THADS, THAHC mới chỉ dừng lại ở việc kiểm sát quá trình tác nghiệp của CHV, cơ quan THADS mà chưa quan tâm đúng mức việc chấp hành pháp luật của các đương sự cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động THADS, THAHC. Do vậy, các kiến nghị chủ yếu tập trung đối với vi phạm của Chấp hành viên, cơ quan THADS mà chưa chú trọng đến việc phát hiện vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác THADS, THAHC như chính quyền địa phương trong việc phối hợp xác minh, cưỡng chế tài sản; hoặc đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng không cung cấp thông tin về tài sản thế chấp cho cơ quan THADS; hoặc Tòa án trong việc chuyển giao bản án, quyết định, án tuyên không rõ, khó thi hành; Cơ quan điều tra không chuyển giao vật chứng, tiền tạm thu sang cơ quan THADS để thi hành; Ban chỉ đạo thi hành án dân sự trong việc chỉ đạo giải quyết một số vụ phức tạp, khó thi hành, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương; và các cơ quan khác có vi phạm liên quan đến lĩnh vực THADS, THAHC…để kiến nghị khắc phục vi phạm và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật.

- Công chức, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát THADS có nơi, có lúc chưa chủ động thường xuyên phối hợp với các khâu nghiệp vụ khác (kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, KSXX án hình sự) để nắm bắt tình hình giải quyết các loại án của Toà án, nên còn những trường hợp Toà án gửi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật cho cơ quan THADS không đúng thời hạn, nhưng không phát hiện kịp thời để kiến nghị Tòa án chuyển theo quy định tại Điều 28 Luật THADS.

- Chất lượng một số kiến nghị, kháng nghị chưa cao dẫn đến việc không được chấp nhận hoặc chấp nhận một phần do kiến nghị không đúng thẩm quyền; không đủ căn cứ [5]; kháng nghị không đủ căn cứ, quá thời hạn kháng nghị[6]. Nội dung kiến nghị, kháng nghị chỉ nêu các dạng vi phạm, nội dung vi phạm một cách chung chung, chưa phân tích rõ từng vấn đề, không có định lượng là bao nhiêu việc có vi phạm trong một dạng (không lập danh sách các việc có vi phạm kèm theo kiến nghị); xác định vi phạm không chính xác; không viện dẫn điều luật cụ thể; chưa nêu nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, gây khó khăn cho Cơ quan THADS khi thực hiện khắc phục, sửa chữa vi phạm.Việc ban hành kiến nghị chung trong văn bản kết luận trực tiếp kiểm sát còn sơ sài, dẫn chứng vi phạm còn chưa cụ thể, tổng hợp vi phạm trong phần kiến nghị còn chung chung.

Qua báo cáo thể hiện: có 05 VKSND cấp tỉnh báo cáo có kiến nghị không được chấp nhận (Phụ lục 4.1), 12 VKSND cấp tỉnh báo cáo có kiến nghị được chấp nhận một phần (Phụ lục 4.2); có 06 VKSND cấp tỉnh báo cáo có kháng nghị không được chấp nhận (Phụ lục 4.3), 04 VKSND cấp tỉnh báo cáo có kháng nghị được chấp nhận một phần (Phụ lục 4.4).

- Về hình thức kiến nghị, một số đơn vị ban hành kiến nghị dưới dạng công văn hành chính; chưa sử dụng đúng mẫu kiến nghị theo quy định tại Quy chế số 810 và Quyết định số 204, phần nơi nhận chưa gửi cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị bị kiến nghị.

3.2. Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại

3.2.1. Nguyên nhân khách quan

- Quá trình thực hiện Luật Tổ chức VKSND, Luật THADS , Luật TTHC và một số văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa có sự thống nhất với các Luật khác. Cụ thể: Tại Điều 160,161 Luật THADS quy định rất cụ thể về quyền kháng nghị và trách nhiệm, thời hạn trả lời kháng nghị của VKSND. Nhưng Luật Tổ chức VKSND và Luật THADS không có điều khoản nào quy định về thời hạn phải trả lời kiến nghị và khôngcó quy định chế tài xử lý đối với trường hợp chậm, không thực hiện kiến nghị của VKSND, dẫn đến việc cơ quan, tổ chức, cá nhân bị kiến nghị không trả lời hoặc chậm trả lời việc thực hiện kiến nghị hoặc chấp nhận kiến nghị nhưng việc thực hiện khắc phục vi phạm chỉ mang tính đối phó.

- Số lượng việc THADS, THAHC phát sinh ngày càng nhiều và có tính chất phực tạp, đòi hỏi công tác kiểm sát THADS, THAHC phải được tăng cường, nhưng thực tế số lượng công chức, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát THADS, THAHC còn thiếu, đa số VKSND cấp huyện công chức, Kiểm sát viên kiêm nhiệm làm công tác kiểm sát THADS, THAHC với công tác kiểm sát khác.

3.2.2. Nguyên nhân chủ quan

- Năng lực, trình độ nghiệp vụ của một số công chức, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát THADS, THAHC còn hạn chế nên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ chưa kịp thời phát hiện vi phạm, hoặc khi phát hiện vi phạm nhưng việc phân tích, đánh giá vi phạm chưa chính xác, dẫn đến việc ban hành kiến nghị, kháng nghị chưa đảm bảo căn cứ pháp luật, chưa đúng với hành vi, tính chất, mức độ vi phạm nên vẫn còn một số ít kiến nghị, kháng nghị chưa được chấp nhận, hoặc chỉ được chấp nhận một phần. Một số Kiểm sát viên chưa chú trọng tích lũy, tổng hợp vi phạm để báo cáo đề xuất kiến nghị.

- Lãnh đạo một số VKSND địa phương chưa thực sự quan tâm đến khâu công tác kiểm sát THADS, THAHC; việc bố trí công chức, Kiểm sát viên làm công tác này chưa đảm bảo đủ về số lượng, chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và thiếu tính ổn định. Công tác kiểm tra, hướng dẫnnghiệp vụ của VKSND cấp trên đối với cấp dưới chưa được thường xuyên; chưa thực hiện nghiêm túc việc tổng hợp thiếu sót, vi phạm về công tác kiểm sát THADS, THAHC nói chung, việc ban hành kiến nghị, kháng nghị của VKSND cấp dưới nói riêng để thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ.

4. Một số yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả kiến nghị, kháng nghị của VKSND trong công tác kiểm sát THADS, THAHC

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiến nghị, kháng nghị trong hoạt động THADS, THAHC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác kiểm sáttrong thời gian tới, VKSND các cấp cần tập trung thực hiện tốt các yêu cầu cụ thể như sau:

4.1. Về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành

Lãnh đạo VKSND các cấp cần nhận thức đúng về vị trí, tầm quan trọng của công tác kiểm sát THADS, THAHC là một trong những khâu công tác trọng tâm của ngành Kiểm sát. Từ đó, có sự quan tâm đúng mức về công tác chỉ đạo điều hành, bố trí, sắp xếp công chức, Kiểm sát viên có năng lực, trách nhiệm làm chuyên tráchcông tác kiểm sát THADS, THAHC, đảm bảo tính ổn định để công chức, Kiểm sát viên có điều kiện tích lũy được kinh nghiệm, nâng cao năng lực nghiệp vụ,kịp thời phát hiện vi phạm, đề xuất kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm. Chủ động tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác để báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời hướng dẫn, giải thích để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm sát THADS, THAHC nói chung, việc thực hiện thẩm quyền kiến nghị, kháng nghị trong hoạt động THADS, THAHC nói riêng.

Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, các hướng dẫn của VKSND tối cao về nâng cao chất lượng công tác kiểm sát THADS, THAHC. Tập trung thực hiện tốt Chỉ thị số 07/2017/VKSTC ngày 23/11/2017 của VKSND tối cao về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát THADS, THAHC và Công văn số 3882/VKSTC-V14 ngày 27/8/2019 về việc nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, THAHC trong ngành Kiểm sát nhân dân, trong đó chú trọng việc ban hành kiến nghị để đẩy nhanh tiến độ THAHC.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ. Công chức, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát THADS, THAHC phải chủ động, thường xuyên tích lũy, tổng hợp các vi phạm, thiếu sót qua công tác kiểm sát thường xuyên, định kỳ, đột xuất để làm tư liệu xây dựng kiến nghị, kháng nghị đạt chất lượng, hiệu quả, có tính thuyết phục cao.

VKSND địa phương cần phối hợp với cơ quan Mặt trận tổ quốc, Ban pháp chế Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để thực hiện công tác kiểm tra, xác minh; ban hành các yêu cầu cơ quan THADS và cơ quan, tổ chức liên quan tự kiểm tra; cung cấp hồ sơ, tài liệu báo cáo kết quả cho Viện kiểm sát; nắm bắt tình hình, thực trạng và kết quả thực hiện trong công tác tổ chức THADS, THAHC và công tác quản lý nhà nước tại địa phương để kiến nghị khắc phục vi phạm và phòng ngừa vi phạm. 

4.2. Tăng cường công tác kiểm sát, kịp thời phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị

- Kiểm sát việc cấp, chuyển giao bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án cho cơ quan THADS và đương sự để cơ quan THADS ra quyết định THA. Kịp thời phát hiện các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng tuyên không rõ, có sai sót, gây khó khăn cho việc tổ chức THA để kiến nghị Tòa án giải thích, đính chính, sửa chữa, bổ sung. Kiểm sát việc giải thích, đính chính, sửa chữa theo đúng quy định pháp luật. Phát hiện các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng có sai sót, vi phạm không khắc phục được mà cần phải xem xét kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

- Kiểm sát việc chuyển giao các quyết định về THA của Cơ quan THADS cho VKSND để thực hiện công tác kiểm sát; tập trung kiểm sát các quyết định về THADS và hồ sơ THADS của cơ quan THADS, nhất là các quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế, biện pháp bảo đảm THA; ủy thác THA; việc THA liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng, tín dụng ngân hàng, việc thi hành án mà dư luận xã hội quan tâm; việc THA có sự chỉ đạocủa Đảng, chính quyền; việc THA được phản ánh qua phương tiện thông tin báo, đài…

- Chủ động kiểm sát việc xác minh, phân loại điều kiện THA. Quan tâm kiểm sát các việc THA tồn đọng, kéo dài và những việc liên quan đến tín dụng ngân hàng; vụ việc xử lý về quyền sử dụng đất và tài sản trên đất; việc thu hồi tài sản cho Nhà Nước, nhất là vụ án liên quan đến kinh tế, chức vụ, tham nhũng, những vụ án có giá trị tài sản phải thi hành lớn, dư luận xã hội quan tâm. Chủ động rà soát, họp với cơ quan THADS, bàn biện pháp giải quyết kịp thời những vụ việc thi hành có khó khăn, vướng mắc kéo dài.

- Phát hiện, tổng hợp làm rõ các dạng vi phạm, xác định những kẽ hở trong trong thực thi pháp luật,công tác quản lý về tín dụng, ngân hàng, quản lý hành chính nhà nước về đất đai, tài sản, hoặc sai sót, vi phạm trong quá trình tổ chức THA và công tác phối hợp THA để kịp thời kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và phòng ngừa vi phạm.

- Nâng cao chất lượng cuộc trực tiếp kiểm sát, phát hiện, tổng hợp đầy đủ vi phạm pháp luật, kịp thời ban hành kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm. Tăng cường công tác phát hiện vi phạm pháp luật trong hoạt động của cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan đến hoạt động THADS như hoạt động thẩm định giá, bán đấu giá tài sản THA; tập hợp những vướng mắc, khó khăn, hành vi tiêu cực và các dạng vi phạm phát sinh trong thẩm định giá, bán đấu giá tài sản liên quan đến THADS để kiến nghị biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm và tội phạm phát sinh trong lĩnh vực này.

4.3. Chú trọng việcxây dựng, ban hành kiến nghị, kháng nghị

Xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm để quyết định kiến nghị hay kháng nghị. Kiến nghị, kháng nghị phải đúng đối tượng, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật, đúng thể thức văn bản theo quy định của Ngành. Nội dung kiến nghị, kháng nghị phải lập luận chặt chẽ, viện dẫn ngắn gọn hành vi hoặc quyết định về THADS, THAHC của đối tượng bị kiến nghị, kháng nghị có vi phạm pháp luật, căn cứ pháp lý (điều luật) để xác định vi phạm; nguyên nhân, trách nhiệm để kết luận hành vi hoặc quyết định có vi phạm. Phần kiến nghị, kháng nghị cần nêu rõ kiến nghị, kháng nghị về vấn đề gì đối với đối tượng bị kiến nghị, kháng nghị.

VKSND đã kiến nghị, kháng nghị có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị; tiến hành phúc tra việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị; sử dụng quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức bị kiến nghị, kháng nghị kiểm tra việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị và báo cáo kết quả cho VKSND; thông qua trực tiếp kiểm sát định kỳ kết hợp phúc tra hoặc ủy quyền phúc tra việc thực hiện các kiến nghị, kháng nghị.

Trên đây là báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 2014 về quyền kiến nghị, kháng nghị trong công tác kiểm sát THADS, THAHC.

(Kèm theo Báo cáo là các Phụ lục và biểu mẫu thống kê)./.

 

 

Nơi nhận:

- Đ/c Viện trưởng VKSTC (để b/cáo);

- Đ/c Trần Công Phàn, PVT VKSTC (để b/cáo);

- VKSQSTW;

- V14, T1, VP VKSTC;

- Lãnh đạo Vụ 11;

- Lưu: VT,V11.

TL. VIỆN TRƯỞNG

VỤ TRƯỞNG

VỤ KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

 

 

(Đã ký)

 

 

 

Nguyễn Kim Sáu

 

 

 

 

Phụ lục kèm theo

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1]VKSND địa phương có nhiều kiến nghị: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Phước, Bến Tre, Tiền Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau...

VKSND địa phương có nhiều kháng nghị: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên- Huế, Khánh Hòa, Gia Lai, Lâm Đồng, Đồng Nai, Sóc Trăng, Tây Ninh...

[2]Trong đó: VKS cấp trên và Cơ quan THADS chấp nhận 01 (Quảng Ngãi), VKS rút kiến nghị: 03 (Đà Nẵng, Lào Cai, TP Hồ Chí Minh), VKS cấp trên nhất trí kiến nghị, Cơ quan THADS cấp trên không chấp nhận kiến nghị: 02 (Đồng Nai).

[3]Trong đó: có 01 kháng nghị (Đăk Nông) được VKSND cấp trên và cơ quan THADS cấp trên chấp nhận; VKS rút 04 kháng nghị (Bình Phước, Đồng Nai, Ninh Thuận, Tiền Giang); 01 kháng nghị (Tiền Giang) được VKS cấp trên nhất trí kháng nghị, nhưng cơ quan THADS cấp trên không chấp nhận.

[4]TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng…

[5]VKSND TP. Cần Thơ, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Định, Đắc Lăk, Ninh Thuận, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Sóc Trăng

[6]Ninh Bình, Gia Lai, Bình Phước, Sóc Trăng

 

TÌM KIẾM