CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

 

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

TỐI CAO

 

Số: 16/HD-VKSTC

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

  Hà Nội, ngày 29 tháng 01 năm 2019

HƯỚNG DẪN

Công tác quản lý, tổng hợp và xây dựng báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

 

 

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, tổng hợp và báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế bảo đảm xây dựng báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao trình Quốc hội, xây dựng báo cáo tại các kỳ sơ kết và tổng kết công tác ngành Kiểm sát nhân dân, VKSND tối cao hướng dẫn VKSND cấp tỉnh; các VKSND cấp cao; Viện kiểm sát quân sự Trung ương; các đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra (sau đây viết tắt là các Vụ nghiệp vụ); Vụ kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11); Cơ quan điều tra VKSND tối cao (Cục 1); Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin VKSND tối cao (Cục 2) như sau:

I. YÊU CẦU CỦA CÔNG TÁC QUẢN LÝ, TỔNG HỢP VÀ BÁO CÁO

1. Quản lý đầy đủ và chính xác số liệu tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; số tài sản đã thu hồi trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; chấp hành nghiêm chế độ thống kê, báo cáo; bảo đảm số liệu, nội dung báo cáo đầy đủ, chính xác, đúng yêu cầu theo Quy chế, Quy định của Ngành và Hướng dẫn này.

2. Bảo đảm việc đánh giá đúng thực trạng, kết quả thu hồi tài sản qua các giai đoạn tố tụng, các biện pháp thu hồi và hình thức xử lý tài sản; đưa ra khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế hiện nay.

3. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) và Cơ quan thi hành án dân sự để thống nhất số liệu giữa các ngành, nâng cao hơn nữa chất lượng; hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Đồng thời, chú trọng bổ sung chỉ tiêu số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt và số tài sản đã thu hồi vào các chỉ tiêu thống kê toàn Ngành.

II. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ, TỔNG HỢP VÀ BÁO CÁO

1. Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân) và Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp trong việc theo dõi, thống kê, tổng hợp và xây dựng báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế theo đúng đề cương và các phụ lục kèm theo.

- Quản lý, chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo của Viện kiểm sát cấp huyện, xây dựng báo cáo gửi VKSND cấp tỉnh đúng thời hạn.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân) và Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp trong việc theo dõi, thống kê, tổng hợp và xây dựng báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế theo đúng đề cương và các phụ lục kèm theo. Riêng đối với những vụ án do VKSND tối cao truy tố và phân công VKSND cấp tỉnh THQCT & KSXX sơ thẩm, đơn vị thụ lý chỉ tổng hợp, báo cáo số liệu tài sản được thu hồi trong giai đoạn xét xử sơ thẩm.

- Quản lý, chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo của các VKSND cấp huyện; nội dung và số liệu báo cáo của Viện kiểm sát cấp tỉnh, xây dựng báo cáo gửi VKSND tối cao (Vụ 5) đúng thời hạn.

3. Vụ nghiệp vụ và các đơn vị khác thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao

- Vụ 1, Vụ 3, Vụ 5 có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan điều tra cùng cấp trong việc theo dõi, thống kê, tổng hợp và xây dựng báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố theo đúng đề cương và các phụ lục kèm theo, đồng thời đôn đốc đơn vị THQCT & KSXX sơ thẩm báo cáo đầy đủ kết quả thu hồi tài sản trong giai đoạn xét xử sơ thẩm các vụ án do đơn vị mình truy tố.

- Vụ 11 có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Tổng Cục thi hành án, Bộ Tư pháp để theo dõi, thống kê, tổng hợp và xây dựng báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế trong giai đoạn thi hành án.

- Cục 1 phối hợp chặt chẽ với Vụ 6 trong việc theo dõi, thống kê, tổng hợp và xây dựng báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản đối với các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp.

4. Các VKSND cấp cao:

 Có trách nhiệm theo dõi, thống kê, tổng hợp và xây dựng báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản trong giai đoạn xét xử phúc thẩm các vụ án tham nhũng, kinh tế.

5. Viện kiểm sát quân sự Trung ương

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Tòa án) và Cơ quan thi hành án dân sự các cấp trong việc theo dõi, thống kê, tổng hợp và xây dựng báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế theo đúng đề cương và phụ lục kèm theo.

- Quản lý, chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo của Viện kiểm sát quân sự TW; VKS quân khu và tương đương; VKS quân sự khu vực; xây dựng báo cáo và gửi VKSND tối cao (Vụ 5) đúng thời hạn.

III. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

1. Báo cáo định kỳ

Định kỳ 06 tháng, 12 tháng (báo cáo sơ kết, tổng kết công tác năm) và thời điểm xây dựng báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao tại các kỳ họp của Quốc hội, VKSND cấp huyện xây dựng báo cáo gửi VKSND cấp tỉnh, Viện kiểm sát cấp tỉnh báo cáo tổng hợp chuyên đề thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế gửi VKSND tối cao (Vụ 5). Các Vụ nghiệp vụ, Vụ 11, VKS quân sự Trung ương, VKSND cấp cao 1, 2, 3; Cục 1, Cục 2 có trách nhiệm tổng hợp báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản của đơn vị, cung cấp số liệu kèm theo phụ lục và gửi về VKSND tối cao (Vụ 5) để tổng hợp chung. Cụ thể như sau:

1.1. Thời điểm lấy số liệu báo cáo, phụ lục

- Báo cáo sơ kết công tác 06 tháng (từ ngày 01 tháng 12 của năm trước đến hết ngày 31 tháng 5 của năm báo cáo); Báo cáo tổng kết công tác năm (từ ngày 01 tháng 12 của năm trước đến hết ngày 30 tháng 11 của năm báo cáo).

- Báo cáo phục vụ xây dựng báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao tại các kỳ họp Quốc hội: Báo cáo 06 tháng (từ ngày 01 tháng 10 của năm trước đến hết ngày 31 tháng 3 của năm báo cáo); Báo cáo 10 tháng (từ ngày 01 tháng 10 của năm trước đến hết ngày 31 tháng 7 của năm báo cáo); Báo cáo 12 tháng (từ ngày 01 tháng 10 của năm trước đến hết ngày 30 tháng 9 của năm báo cáo).

1.2. Thời điểm gửi báo cáo, phụ lục

- Báo cáo của VKSND cấp huyện gửi về VKSND cấp tỉnh trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo; báo cáo của VKSND cấp tỉnh gửi về Vụ 5 trong thời hạn 04 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo; báo cáo của Vụ nghiệp vụ (Vụ 1,3,6), Vụ 11, Cục 1 gửi về Vụ 5 trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo. Cục 2 gửi số liệu thống kê trong thời hạn 04 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo.

- Vụ 5 thống kê, tổng hợp số liệu, xây dựng báo cáo gửi Văn phòng VKSND tối cao và Lãnh đạo VKSND tối cao trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo.

1.3. Nội dung báo cáo định kỳ

1.3.1. Báo cáo của VKSND cấp huyện, tỉnh; Viện kiểm sát quân sự TW; các Vụ nghiệp vụ (Vụ 1, 3, 5, 6) phải nêu rõ 2 mục sau:

Mục I: Thực trạng công tác thu hồi tài sản bị thiệt hại, bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế:

- Yêu cầu báo cáo đầy đủ tình hình tội phạm và kết quả giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế trong kỳ;

- Tổng số tài sản (gồm tiền và các tài sản có giá trị chưa hoặc không quy đổi thành tiền) bị chiếm đoạt, thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, kinh tế (cả số cũ và số mới), trong đó cần phân tích cụ thể số liệu về tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại trong các vụ án tham nhũng là bao nhiêu? về tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại trong các vụ án kinh tế là bao nhiêu? mỗi loại án nêu 1 vụ điển hình có số tài sản bị thiệt hại hoặc chiếm đoạt lớn tại địa phương mới bị phát hiện, khởi tố trong kỳ;

- Kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế: Báo cáo tổng số tài sản đã thu hồi trong kỳ/tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại? (đạt tỷ lệ ?%), trong đó: Phân tích cụ thể số tài sản đã thu hồi trong các vụ án tham nhũng/tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại trong các vụ án tham nhũng (đạt tỷ lệ?%) và Số tài sản đã thu hồi trong các vụ án kinh tế/tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại trong các vụ án kinh tế (chiếm tỷ lệ?%):

- Kết quả thu hồi tài sản trong các giai đoạn tố tụng: Báo cáo đầy đủ kết quả thu hồi tài sản trong các giai đoạn: giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; điều tra; truy tố; xét xử sơ thẩm; xét xử phúc thẩm; thi hành án. Đánh giá cụ thể kết quả thu hồi của mỗi giai đoạn chiếm bao nhiêu % so với tổng số tài sản đã thu hồi; dẫn chứng 1 số vụ án điển hình có kết quả thu hồi cao trong từng giai đoạn tố tụng.

- Các biện pháp đã áp dụng để bảo đảm thu hồi tài sản (nêu rõ số tài sản đã thu hồi theo từng biện pháp đã áp dụng, tỷ lệ đạt được của từng biện pháp)

- Các hình thức xử lý tài sản đã thu hồi sản (nêu rõ số tài sản đã được xử lý theo từng hình thức đã thực hiện);

- Nhận xét, đánh giá kết quả đạt được; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân (cần có dẫn chứng vụ án cụ thể có khó khăn, vướng mắc trong thu hồi tài sản).

Mục II: Đề xuất giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham

 - Giải pháp nâng cao hiệu quả phát hiện, xác định và thu hồi tài sản tham nhũng (nêu giải pháp thực tiễn, có tính khả thi cao).

- Kiến nghị (kiến nghị với các bộ, ngành, Quốc hội)…

1.3.2. Báo cáo của các VKSND cấp cao thực hiện nội dung như trên trong giai đoạn xét xử phúc thẩm; Cục 1 thực hiện nội dung như trên trong giai đoạn khởi tố (tin báo) và điều tra.

1.3.3. Báo cáo của Vụ 11 phải nêu rõ kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại; các hình thức xử lý tài sản đã thu hồi trong các vụ án tham nhũng, kinh tế trong giai đoạn thi hành án theo từng điều luật cụ thể.

- Ban hành kèm theo Hướng dẫn này là Đề cương báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế và 04 phụ lục thống kê, để Viện kiểm sát các cấp thống nhất thực hiện. Khi thực hiện thống kê số liệu theo phụ lục, các đơn vị cần lưu ý kiểm tra theo công thức hướng dẫn của VKSND tối cao (Vụ 5)[1].

- Để việc tổng hợp số liệu được chính xác, yêu cầu các đơn vị mở sổ theo dõi, quản lý số liệu theo phụ lục (do Vụ 5 VKSND tối cao cung cấp) trên hệ thống excel.

- Lưu ý:

+ Khi tổng hợp số liệu thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại trong các vụ án kinh tế chỉ tổng hợp, báo cáo các vụ án mà tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại là tài sản công; tài sản của Cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội (các tội danh từ Điều 200 đến Điều 234 thuộc Mục 2,3 Chương XVIII “Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế” và Điều 174, 175 thuộc Chương XVI “Các tội xâm phạm sở hữu” BLHS 2015). Nếu trong 01 vụ án nhiều tội danh (gồm cả tội tham nhũng và kinh tế) thì thống kê theo tội danh chính của vụ án đó.

+ Các đơn vị không có số liệu cũng phải gửi báo cáo đúng thời hạn theo quy định để Vụ 5 theo dõi, tổng hợp.

2. Báo cáo đột xuất

Theo yêu cầu của Lãnh đạo VKSND tối cao, thời điểm lấy số liệu thống kê, nội dung báo cáo và thời hạn gửi báo cáo có thể sớm hơn hoặc khác hướng dẫn nêu trên.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Lãnh đạo các Vụ nghiệp vụ, VKSND các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Chỉ thị số 50/CT-VKSTC ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Các Vụ nghiệp vụ, các VKSND cấp tỉnh phân công 01 phòng; VKSND cấp huyện phân công 01 công chức làm đầu mối thực hiện công tác quản lý, theo dõi, tổng hợp và báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Các Vụ nghiệp vụ và đơn vị khác có nhiệm vụ quản lý, chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo của đơn vị.

2. Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin, Phòng Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin, có trách nhiệm cung cấp số liệu khởi tố, điều tra và xét xử án tham nhũng, kinh tế theo các kỳ báo cáo; Cục 2 khẩn trương tham mưu bổ sung chỉ tiêu thống kê về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

3. Viện kiểm sát quân sự Trung ương căn cứ Hướng dẫn này có hướng dẫn về quản lý, theo dõi, tổng hợp và báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế trong hệ thống Viện kiểm sát quân sự. Đồng thời giao cho một đơn vị cấp phòng làm đầu mối thực hiện chế độ báo cáo theo Mục III của Hướng dẫn này.

4. Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng (Vụ 5) có trách nhiệm làm đầu mối, giúp Viện trưởng VKSND tối cao thực hiện công tác quản lý, theo dõi, tổng hợp và xây dựng báo cáo chuyên đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế trên phạm vi toàn quốc trước mỗi kỳ báo cáo sơ kết, tổng kết công tác của Ngành, định kỳ tham mưu cho Viện trưởng VKSND tối cao báo cáo Quốc hội; chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi, tổng hợp và ban hành thông báo rút kinh nghiệm chung cho VKSND các cấp.

Yêu cầu các Vụ nghiệp vụ; Vụ kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11); Viện kiểm sát quân sự các cấp; VKSND các cấp; Cơ quan điều tra VKSND tối cao (Cục 1); Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin VKSND tối cao (Cục 2) thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn này; Viện kiểm sát quân sự Trung ương, VKSND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quán triệt việc thực hiện Hướng dẫn này đến Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị liên hệ trực tiếp Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5) để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao xem xét quyết định./.

 

   Nơi nhận:

- Đ/c Lê Minh Trí, VT VKSTC (để b/c);

- Các đồng chí PVT VKSTC (để chỉ đạo);

- Văn phòng VKSND tối cao (để theo dõi);

- Các đơn vị (Vụ 1,3,6,11; Cục 1,2)VKSND tối cao (để t/h);

- VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để t/h);

- Viện kiểm sát quân sự Trung ương (để t/h);

- Các VKSND cấp cao (để t/h);

- Lưu: VT, V5.

KT. VIỆN TRƯỞNG

PHÓ VIỆN TRƯỞNG

 

 

(đã ký)

 

 

 

Nguyễn Huy Tiến

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ

Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

(Kèm theo Hướng dẫn số 16/HD-VKSTC ngày 29/01/2019 của VKSND tối  cao)

 

I. Thực trạng công tác thu hồi tài sản bị thiệt hại, bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

1. Tình hình tội phạm và kết quả giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế

- Tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế trong kỳ (số vụ án tham nhũng đã được phát hiện, khởi tố; số vụ án kinh tế đã được phát hiện, khởi tố; tập trung vào loại tội phạm nào? nêu 1 số vụ điển hình mới khởi tố…)

- Kết quả công tác THQCT&KSĐT, KSXX sơ thẩm các vụ án tham nhũng, kinh tế (báo cáo đầy đủ số liệu theo các giai đoạn tố tụng).

2. Tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

Trong kỳ, tổng số tài sản (gồm tiền và các tài sản có giá trị chưa hoặc không quy đổi thành tiền) bị chiếm đoạt, thiệt hại được phát hiện trong các vụ án tham nhũng, kinh tế phải thu hồi là bao nhiêu?. Trong đó:

- Đối với án tham nhũng: Số tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại được phát hiện là bao nhiêu? (chiếm tỷ lệ?% so với tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại được phát hiện trong các vụ án tham nhũng, kinh tế).Trong đó:

+ Số tài sản bị chiếm đoạt được phát hiện bao gồm tiền (đơn vị tính: Triệu đồng) và tài sản khác có giá trị chưa quy đổi thành tiền (nhà, đất,…) là bao nhiêu?. Trong đó: Số cũ?(số tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án cũ chưa được thu hồi); Số mới?(số tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án mới khởi tố trong kỳ).

(Lưu ý: Đối với những tài sản không thể quy đổi thành tiền, yêu cầu nêu rõ số lượng, khối lượng và loại tài sản).

+ Số tài sản bị thiệt hại được phát hiện bao gồm tiền (đơn vị tính: Triệu đồng) và tài sản khác có giá trị chưa quy đổi thành tiền (nhà, đất,…) là bao nhiêu?. Trong đó: Số cũ?(số tài sản bị thiệt hại trong các vụ án cũ chưa được khắc phục); Số mới?(số tài sản bị thiệt hại trong các vụ án mới khởi tố trong kỳ).

+ Nêu 1 số vụ án tham nhũng điển hình có số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt có giá trị lớn mới phát hiện, khởi tố trong kỳ.

- Đối với án kinh tế: Số tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại được phát hiện là bao nhiêu? chiếm tỷ lệ?% so với tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại được phát hiện trong các vụ án tham nhũng, kinh tế). Trong đó:

+ Số tài sản bị chiếm đoạt được phát hiện bao gồm tiền (đơn vị tính: Triệu đồng) và tài sản khác có giá trị chưa quy đổi thành tiền (nhà, đất,…) là bao nhiêu?. Trong đó: Số cũ?(số tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án cũ chưa được thu hồi); Số mới?(số tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án mới khởi tố trong kỳ).

+ Số tài sản bị thiệt hại được phát hiện bao gồm tiền (đơn vị tính: Triệu đồng) và tài sản khác có giá trị chưa quy đổi thành tiền (nhà, đất,…) là bao nhiêu?. Trong đó: Số cũ?(số tài sản bị thiệt hại trong các vụ án cũ chưa được khắc phục); Số mới?(số tài sản bị thiệt hại trong các vụ án mới khởi tố trong kỳ).

+ Nêu 1 số vụ án kinh tế điển hình có số tài sản bị chiếm đoạt cao hoặc gây thất thoát, thiệt hại tài sản có giá trị lớn mới phát hiện, khởi tố trong kỳ.

3. Kết quả thu hồi tài sản trong quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế

- Nêu tổng số tài sản đã thu hồi, khắc phục trong các vụ án tham nhũng, kinh tế trong kỳ là bao nhiêu? đạt bao nhiêu %/ tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Trong đó:

+ Án tham nhũng: Số tài sản đã thu hồi, khắc phục là bao nhiêu? (đạt tỷ lệ ?% so với tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại trong các vụ án tham nhũng);

+ Án kinh tế: Số tài sản đã thu hồi, khắc phục là bao nhiêu? (đạt tỷ lệ?% so với tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại trong các vụ án kinh tế);

- Tổng số tài sản đã được thu hồi, khắc phục trong các giai đoạn tố tụng, cụ thể:

+ Giai đoạn khởi tố (tin báo): Số tài sản đã thu hồi, khắc phục trong kỳ: gồm tiền, tài sản có giá trị khác không hoặc chưa quy đổi thành tiền (ghi rõ loại tài sản, số lượng, khối lượng…), chiếm tỷ lệ ?% so với tổng tài sản đã thu hồi. Nêu  dẫn chứng một số vụ án điển hình có tỷ lệ thu hồi cao hoặc biện pháp thu hồi đạt hiệu quả trong giai đoạn này.

+ Giai đoạn điều tra: Số tài sản đã thu hồi, khắc phục trong kỳ? gồm: tiền, tài sản khác có giá trị không không hoặc chưa quy đổi thành tiền (ghi rõ loại tài sản, số lượng, khối lượng…); chiếm tỷ lệ ?% so với tổng tài sản đã thu hồi. Nêu dẫn chứng vụ án điển hình có tỷ lệ thu hồi cao hoặc biện pháp thu hồi đạt hiệu quả trong giai đoạn này.

+ Giai đoạn truy tố: Số tài sản đã thu hồi, khắc phục trong kỳ: gồm tiền, tài sản có giá trị không hoặc chưa thể quy đổi thành tiền (ghi rõ loại tài sản, số lượng, khối lượng…), chiếm tỷ lệ ?% so với tổng tài sản đã thu hồi. Nêu 1 số vụ điển hình có tỷ lệ thu hồi cao hoặc biện pháp thu hồi đạt hiệu quả trong giai đoạn này.

+ Giai đoạn xét xử sơ thẩm: Số tài sản đã thu hồi, khắc phục trong kỳ: gồm tiền, tài sản có giá trị không hoặc chưa quy đổi thành tiền (ghi rõ loại tài sản, số lượng, khối lượng…), chiếm tỷ lệ ?% so với tổng tài sản đã thu hồi. Nêu 1 số vụ điển hình có tỷ lệ thu hồi cao trong giai đoạn này.

+ Giai đoạn xét xử phúc thẩm: Số tài sản đã thu hồi, khắc phục trong kỳ: gồm tiền, tài sản có giá trị chưa quy đổi thành tiền (ghi rõ loại tài sản, số lượng, khối lượng…), chiếm tỷ lệ ?% so với tổng tài sản đã thu hồi. Nêu 1 số vụ điển hình có  tỷ lệ thu hồi cao trong giai đoạn này.

+ Giai đoạn thi hành án: Số tài sản đã thu hồi, khắc phục trong kỳ: gồm tiền, tài sản có giá trị chưa quy đổi thành tiền (ghi rõ loại tài sản, số lượng, khối lượng…), chiếm tỷ lệ ?% so với tổng tài sản đã thu hồi. Nêu 1 số vụ điển hình có kết quả thi hành án tốt, tỷ lệ thu hồi tài sản cao trong giai đoạn này.

4. Các biện pháp đã áp dụng để bảo đảm thu hồi tài sản (nêu rõ số tài sản đã thu hồi theo từng biện pháp):

- Tạm giữ tài sản;

- Thu giữ,

- Kê biên tài sản;

- Phong tỏa tài khoản ngân hàng;

- Người phạm tội hoặc thân nhân của người phạm tội tự nguyện khắc phục;

- Các hình thức khác (nếu có, cần nêu rõ hình thức đã áp dụng).

5. Các hình thức xử lý tài sản tham nhũng đã thu hồi

- Tịch thu, sung công quỹ Nhà nước:?

- Trả lại cho người sở hữu, người quản lý hợp pháp:?

- Các hình thức khác (nếu có, cần nêu rõ hình thức đã thực hiện):?

6. Nhận xét, đánh giá

6.1. Kết quả đạt được và nguyên nhân

- Kết quả đạt được;

- Nguyên nhân (nguyên nhân khách quan, chủ quan).

6.2. Khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân

- Khó khăn, vướng mắc trong phát hiện, xác định và thu hồi tài sản tham nhũng

- Nguyên nhân (nguyên nhân khách quan, chủ quan): Về cơ chế pháp luật; biện pháp, điều kiện thu hồi tài sản tham nhũng; năng lực .…).

II. Đề xuất giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng và kiến nghị

1. Giải pháp nâng cao hiệu quả phát hiện, xác định và thu hồi tài sản tham nhũng (nêu giải pháp thực tiễn, có tính khả thi cao).

2. Kiến nghị (kiến nghị với các bộ, ngành, Quốc hội):

- Về cơ chế pháp luật…

- Về biện pháp và điều kiện thu hồi….

…….

 

 

 

 


[1] 1. Phụ lục I: Tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại (cột 5) = Tài sản bị chiếm đoạt (cột 6,7)+ Tài sản bị thiệt hại (cột 8,9); Tổng số tài sản đã thu hồi (cột 10) = Tài sản bị chiếm đoạt (cột 11) + Tài sản bị thiệt hại (cột 12).

2. Phụ lục II: Tổng số tài sản đã thu hồi (cột 5) = Tổng số tài sản đã thu hồi (cột 10, phụ lục I)= Giai đoạn tin báo (cột 6) + Giai đoạn điều tra (cột 7) + Giai đoạn truy tố (cột 8) + Giai đoạn xét xử sơ thẩm (cột 9) + Giai đoạn xét xử phúc thẩm (cột 10) + Giai đoạn thi hành án (cột 11);

3. Phụ lục III:

 + Hình thức thu hồi tài sản (cột 5) = Hình thức xử lý tài sản (cột 12) = Tổng số tài sản đã thu hồi (cột 5, phụ lục 2) = Tổng số tài sản đã thu hồi (cột 10, phụ lục 1).

+ Hình thức thu hồi tài sản (cột 5) = Tạm giữ (cột 6) + Thu giữ (cột 7) + Kê biên (cột 8) + Phong tỏa (cột 9) + Tự nguyện khắc phục (cột 10) + Các hình thức khác (cột 11);

+ Hình thức xử lý tài sản (cột 12) = Tịch thu, sung công quỹ Nhà nước (cột 13) + Trả lại cho người sở hữu, người quản lý hợp pháp (cột 14) + Các hình thức khác (cột 15).

4. Phụ lục IV: Tổng số tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt được phát hiện phải thu hồi (cột 4) = Cột 5 (Phụ lục 1); Tổng số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt đã được thu hồi (cột 11) =  Cột 10 (Phụ lục 1).

 

 

Phụ lục kèm theo tải về tại đây

 

 

 

 

 

TÌM KIẾM