CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI DẠY CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ''CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN'' TRONG THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT ĐIỀU TRA ÁN THAM NHŨNG.

06/08/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI DẠY CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ''CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN'' TRONG THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT ĐIỀU TRA ÁN THAM NHŨNG

VĂN DANH HỒNG - Vụ trưởng Vụ 1B Viện kiểm sát nhân dân tối cao

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, giáo dục, rèn luyện Đảng ta, người Anh hùng giải phóng dân tộc, là danh nhân văn hoá thế giới; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta và nhân dân ta những di sản tư tưởng to lớn đặc biệt là tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Khi nghiên cứu tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta thấy tuỳ từng đối tượng, tuỳ thời gian và yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng mà Người đã nhấn mạnh mặt này hay mặt khác về phẩm chất đạo đức. Song chung nhất về tư tưởng Hồ Chí Minh là trung với nước, hiếu với dân. Đây là phẩm chất đạo đức bao trùm, quan trọng nhất và chi phối các phẩm chất khác.

Khi sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng và rèn luyện giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của Người về đạo đức cách mạng là tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” được viết tháng 6 năm 1949 với bút danh Lê Quyết Thắng và sau đó Người cũng thường xuyên đề cập đến vấn đề này. Theo Người, cần, kiệm, liêm, chính là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng, cũng là phẩm chất gắn liền với hoạt động hàng ngày của mọi người và là tứ đức của con người.

Đối với Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, được Đảng và Nhà nước giao cho chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp góp phần bảo vệ pháp chế xã hội. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, người cán bộ Kiểm sát không chỉ có đức tính cần, kiệm, liêm, chính mà còn phải có 5 đức tính ''Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn'' như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Năm đức tính ''Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn'' có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nếu thiếu một trong 5 đức tính thì người cán bộ Kiểm sát không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, việc quán triệt và học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Người về 5 đức tính của người cán bộ Kiểm sát luôn luôn được coi là yêu cầu của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong giai đoạn hiện nay.

Công cuộc đổi mới của đất nước ta đến nay đã trải qua hơn 20 năm mang lại những thành tựu đáng khâm phục. Để đạt được những thành tựu to lớn đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và coi đó là nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu được nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự tồn tại và phát triển của Nhà nước, của chính quyền địa phương và cơ sở.

Trong điều kiện đổi mới cơ cấu kinh tế, cùng với việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và khu vực; tình hình tham nhũng ở nước ta trong những năm vừa qua đã diễn ra hết sức phức tạp, tính nguy hiểm cho xã hội và thiệt hại về tài sản do tham nhũng gây ra ngày càng lớn, có vụ lên tới hàng chục tỷ đồng. Tác hại của hành vi tham nhũng không chỉ phá hoại trật tự trong quản lý và nguyên tắc công bằng trong thực hiện quyền lực mà còn làm sai lệch đường lối, chính sách kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước. Nghiêm trọng hơn, chính tham nhũng đã làm tổn hại đến lợi ích, uy tín của Đảng trong quần chúng. Nếu không đấu tranh triệt để với các hành vi tham nhũng thì nhân dân sẽ mất lòng tin đối với Đảng và Nhà nước.

Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là công cuộc đấu tranh lâu dài và đầy khó khăn phức tạp; là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân nhưng trước hết là trách nhiệm của những người trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ pháp luật. Với yêu cầu đó, đối với đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát được giao nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh chống lại loại tội phạm này thì việc học tập và thực hiện lời dạy của Bác Hồ về 5 đức tính của người cán bộ Kiểm sát lại càng có ý nghĩa quan trọng.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên được giao thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng phải thường xuyên rèn luyện và tu dưỡng đạo đức cách mạng, đấu tranh chống lại tư tưởng chủ nghĩa cá nhân, giàu sang không quyến rũ, uy vũ không khuất phục, không vì lợi ích cá nhân bản thân và gia đình, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của quần chúng nhân dân nhưng không vì áp lực trước dư luận mà làm sai sự thật. Về chuyên môn nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải có kiến thức sâu rộng về khoa học pháp lý, nắm vững các các kiến thức về kinh tế, xã hội; có kinh nghiệm công tác; có bản lĩnh chính trị vững vàng.

Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải luôn luôn tôn trọng sự thật khách quan của từng vụ án, xuất phát từ tính đặc thù của án tham nhũng là loại án được phát hiện chủ yếu từ đơn thư khiếu nại, tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; do đó phải thực hiện tốt việc tiếp nhận, kiểm sát chặt chẽ việc nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Cơ quan điều tra; bảo đảm việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can có căn cứ, đúng người, đúng tội không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội và cũng không được làm oan người vô tội; việc điều tra phải bảo đảm tính khách quan, toàn diện, chính xác và đúng pháp luật; khi quyết định một vấn đề cụ thể phải hết sức khách quan, thận trọng và phải căn cứ vào tài liệu chứng cứ, không được dựa trên ý chí chủ quan của mình. Đối với những người phạm tội trong các vụ án tham nhũng, người cán bộ, Kiểm sát viên phải dùng pháp luật và chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước để đấu tranh với họ; dùng lẽ phải để giáo dục, thuyết phục; dùng trách nhiệm để cảm hoá, không được làm nhục hoặc làm mất danh dự của họ. Mặt khác, để đảm bảo cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả đòi hỏi đội ngũ cán bộ, Kiểm sát phải luôn luôn coi trọng và giải quyết tốt mối quan hệ không chỉ với Cơ quan điều tra mà còn phải giải quyết tốt mối quan hệ với Cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, với các cơ quan thông tin báo chí cũng như đối với nhân dân nơi xảy ra hành vi phạm tội. Đây là vấn đề hết sức cần thiết trong cả quá trình giải quyết vụ án.

Tóm lại, trước yêu cầu cải cách tư pháp và yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân trong giai đoạn hiện nay, việc tổ chức học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện 5 đức tính mà Người đã dạy là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, cũng như góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân.

Tìm kiếm