CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TÍCH CỰC HƯỞNG ỨNG CUỘC VẬN ĐỘNG "HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH"

05/08/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TÍCH CỰC HƯỞNG ỨNG CUỘC VẬN ĐỘNG "HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH"

HỒ THỊ PHẤN - Phó Viện trưởng, Bí thư Đảng uỷ VKSND thành phố Hồ Chí Minh

 

Học tập và làm theo lời dạy “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa sâu sắc đối với ngành Kiểm sát nhân dân trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, trong tiến trình cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Chúng tôi tâm đắc với những yêu cầu mà Ban tổ chức Hội thảo với chủ đề Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ Kiểm sát“Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” đã nêu ra để làm rõ nội dung của 5 đức tính nói trên và tổng kết, đánh giá về nhận thức, kết quả thực hiện lời dạy của Bác trong gần 50 năm qua, từ đó thấy được ý nghĩa của việc rèn luyện theo 5 đức tính “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát; từ đó có những biện pháp cụ thể để cán bộ, công chức trong toàn Ngành phấn đấu sống, làm việc theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ kính mến.

Trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ Kiểm sát, Ban cán sự, Đảng uỷ Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã nhận thức rằng: Trong những năm qua, hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung, của Viện kiểm sát nói riêng đã được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Bởi hoạt động thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát là nhằm mục đích giải quyết đúng đắn các tranh chấp, các vụ vi phạm pháp luật và tội phạm, bảo vệ pháp chế, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, các tổ chức và công dân, góp phần ổn định xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá, giáo dục, đối nội, đối ngoại... của thành phố Hồ chí Minh. Do vậy mà chất lượng, hiệu quả của hoạt động kiểm sát đang là mối quan tâm lớn trong xã hội và vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động kiểm sát đang là đòi hỏi cấp bách hiện nay.

Để thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Ban cán sự, Đảng uỷ Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quan tâm nhất đến việc đề ra được các tiêu chí, nội dung cụ thể, các chương trình hành động sát hợp, gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát, làm sao để mọi người tự giác làm theo.

Để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố trong lĩnh vực hình sự, tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức của người Kiểm sát viên theo đúng lời dạy của Bác Hồ; Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương và phát động Kiểm sát viên trong toàn Ngành đăng ký tham gia “tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi”. Tiêu chuẩn tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi dựa trên các yếu tố: Phải giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời phải có đạo đức, phẩm chất và tư cách của người cán bộ Kiểm sát như phải nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, tôn trọng pháp luật của Nhà nước, có lối sống giản dị, lành mạnh, có lòng yêu thương con người, tôn trọng nhân dân, tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh sự lãnh đạo của cấp trên, thực hiện đúng nội quy, quy chế nghiệp vụ của Ngành, quan hệ tốt với đồng nghiệp, với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

Kết quả là sau gần 10 tháng phát động, toàn ngành Kiểm sát Thành phố đã có hơn 50 Kiểm sát viên đăng ký tham gia tuyển chọn, Hội đồng tuyển chọn (với những đồng chí lãnh đạo có trình độ, có kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự) đã tiến hành chấm gần 20 hồ sơ dự tuyển, tham dự các phiên toà do các Kiểm sát viên đăng ký. Qua đánh giá ban đầu, Hội đồng tuyển chọn nhận thấy các Kiểm sát viên đã thận trọng hơn khi lập hồ sơ kiểm sát, đã có những chuyển biến tích cực hơn khi tham gia thực hành quyền công tố tại các phiên toà hình sự, như là đã có thái độ ứng xử dân chủ, văn minh với những người tham gia tố tụng, tự tin, có bản lĩnh khi đối đáp, tranh luận…

Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dặn dò cán bộ ta: “Bất kỳ địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều phải nhớ cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra…”. Phát huy và học tập theo tinh thần đó, Ban cán sự Đảng, Đảng uỷ và tập thể Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công. Sau khi lấy ý kiến góp ý của toàn bộ cán bộ, công chức đã đưa vào triển khai thực hiện; cho đến nay, cán bộ, Đảng viên trong đơn vị đã có ý thức sử dụng điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm… tiết kiệm. Việc quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu tài chính đều được tính toán, cân nhắc, thậm chí đưa ra bàn bạc tập thể rồi mới quyết định sử dụng kinh phí… từ đó đã giành được niềm tin và sự tín nhiệm của quần chúng. Trong toàn ngành đã không còn hiện tượng lãng phí, vốn được Bác coi “có khi tai hại hơn nạn tham ô, mặc dù lãng phí không phải là lấy của công đút túi”.

Cũng như các loại hoạt động khác, hoạt động kiểm sát là hoạt động của những con người cụ thể, do cán bộ Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và cán bộ Kiểm sát thực hiện. Hoạt động này cho dù được dựa trên nền tảng pháp lý là các văn bản pháp luật và các Quy chế phù hợp cho từng khâu nghiệp vụ, được thực hiện bởi những cán bộ Kiểm sát có năng lực, trình độ nhưng nếu những người thực hiện kém về phẩm chất đạo đức thì hiệu quả của nó cũng không thể cao. Cho nên, Ban cán sự, Đảng uỷ Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ rằng: Khi bản thân mỗi cán bộ, công chức - chủ thể của hoạt động kiểm sát không tự rèn luyện mình, không tu dưỡng đạo đức, không có tinh thần, thái độ làm việc theo đúng các quy định của pháp luật, không phù hợp với nguyên tắc được xã hội thừa nhận thì hoạt động kiểm sát không thể đạt được hiệu quả cao. Chính vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã phát động phong trào thi đua tới từng cán bộ, công chức, nhất là đối với Đảng viên và các cán bộ trẻ, đề cao tiêu chí là “mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phẩm chất của người cán bộ Kiểm sát và cố gắng tự bản thân mình nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát. Coi đạo đức kiểm sát như tiền đề, điều kiện bảo đảm cho hiệu quả của hoạt động kiểm sát”.

Trước hết, là phải thận trọng nghiên cứu kỹ hồ sơ, xem xét hành vi, hậu quả xảy ra và mối quan hệ nhân quả để xem xét, cân nhắc trước khi phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can, lệnh, quyết định bắt tạm giam… tránh tình trạng oan, sai. Phải thể hiện lập trường, bản lĩnh của mình, thấm nhuần lời dạy của Bác về đức tính công minh, chính trực, để không vì bất cứ áp lực của ai, không vì lợi ích cá nhân mà không kiên quyết đề nghị khởi tố, bắt tạm giam hoặc ra các quyết định huỷ bỏ các quyết định trái pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhằm tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm. Điều đó đã được thể hiện trong những vụ án hình sự nổi cộm trong thời gian vừa qua như vụ Nguyễn Văn Vạn và đồng bọn phạm tội giết người, vụ án ở Công ty địa ốc Gò Môn…

Sinh thời Bác Hồ thường dạy: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”. Thấm nhuần lời dạy của Người, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ đạo, nhắc nhở các Kiểm sát viên không chấp nhận việc làm không đúng của các Điều tra viên, hoặc tự mình không được lợi dụng việc hoàn trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung để kéo dài thời gian thụ lý, giải quyết án. Bởi vì hồ sơ có được hoàn tất trong thời gian luật định nhưng rõ ràng thời gian tiến hành tố tụng hình sự đã kéo dài thêm hai tháng và nếu người bị tạm giam không có căn cứ thì họ đã bị thêm hai tháng hạn chế quyền tự do trong trại tạm giam. Người đang bị truy tố với tư cách là bị can, bị cáo, người dù đã bị kết án nhưng họ vẫn là con người. Nếu thực sự họ phạm tội thì họ phải chịu các hình thức cưỡng chế của Nhà nước, chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước xã hội. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã thường xuyên nhắc nhở, chỉ đạo các Kiểm sát viên phải đối xử với họ với hai tư cách: Người tiến hành tố tụng với bị can, bị cáo, người bị kết án và giữa người với người. Mọi hành vi hạ thấp nhân phẩm, danh dự, xâm phạm tới sức khoẻ, tính mạng của người phạm tội cũng đều bị coi là vi phạm pháp luật và trái với đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát.

Cho đến nay, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được phát động rộng rãi trong ngành Kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh gần 1 năm, ngoài việc xây dựng các chương trình hành động, tại Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công Hội thi Báo cáo viên giỏi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ”, bước đầu đã thu được kết quả tốt và tạo ra sự chuyển biến tích cực. Chúng ta không thể đòi hỏi một người hôm qua còn có nhiều khuyết điểm, còn có nhiều thói hư, tật xấu, hôm nay đã là một người có phẩm chất tốt; do vậy, phải kiên trì và quyết tâm thực hiện thì mới có kết quả tốt. Chỉ thị số 03/VKSTC-CT-V9 ngày 16/4/2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong ngành Kiểm sát nhân dân, bước đầu đã giúp cho nhiều cán bộ, công chức của ngành Kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh không những tích cực tham gia học tập và làm theo đạo đức của Bác Hồ, mà còn thể hiện được tư cách và có thái độ ứng xử có đạo đức hơn trong cuộc sống thường nhật.

Nhân cuộc Hội thảo hôm nay, thay mặt tập thể Lãnh đạo, cán bộ công chức ngành Kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi xin có một số ý kiến sau đây để tổ chức thực hiện có hiệu quả, thiết thực cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và đem lại hiệu quả sâu rộng hơn trong đội ngũ cán bộ, công chức Kiểm sát:

Một là, khi đánh giá hiệu quả của hoạt động kiểm sát cần xuất phát từ nguyên tắc khách quan, toàn diện. Đánh giá và tìm ra các biện pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm sát là những công việc không thể tách rời nhau. Hoạt động kiểm sát, nhất là việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố trong lĩnh vực hình sự là loại hoạt động phức tạp, nó đồng thời do nhiều cơ quan, nhiều người tiến hành. Chính vì tính phức tạp nên hiệu quả hoạt động kiểm sát phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố (pháp luật, cơ sở vật chất - kỹ thuật, công tác tổ chức cán bộ) và vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát... Cho đến nay, đã có không ít công trình nghiên cứu về hiệu quả của việc nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp và đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả của việc thực hiện hai chức năng này. Tuy nhiên, việc đề cập đạo đức kiểm sát như là một trong những yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả của hoạt động kiểm sát hầu như chưa được quan tâm đúng mức, cho nên, đề nghị các đồng chí Lãnh đạo Ngành nhân cuộc vận động này, nên quan tâm hơn đến vấn đề đạo đức kiểm sát, có thể là xây dựng thành Lời tuyên thệ của Kiểm sát viên khi được bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên. Với những nội dung như Kiểm sát viên: Luôn luôn giữ gìn thanh danh và phẩm chất nghề nghiệp; tự cư xử đúng với nghề nghiệp, xứng đáng là Kiểm sát viên của luật pháp và lương tâm nghề nghiệp; hành động liêm chính và thận trọng trước sau như một, vững vàng, độc lập và khách quan; phục vụ và bảo vệ quyền lợi của nhân dân, tôn trọng, bảo vệ phẩm giá và quyền con người...

Hai là, đạo đức của người cán bộ Kiểm sát là bộ phận hợp thành của đạo đức xã hội. Nó không thể tách rời và biệt lập với xu thế chung của thời đại; chịu sự ảnh hưởng của đạo đức xã hội, chi phối và tác động ngược trở lại đối với đạo đức xã hội. Đạo đức kiểm sát chính là quan niệm, nhận thức, cách ứng xử, đối xử của những người lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên với nhau, với những người tham gia tố tụng trong hoạt động tư pháp và với toàn xã hội. Việc giải quyết các vụ án cho dù là hình sự hay kinh tế, dân sự, lao động, hành chính luôn là công việc khó khăn, phức tạp mà không cơ quan hay cá nhân nào có thể tự mình thực hiện được. Trên thực tế những quy định của pháp luật, quy chế nghiệp vụ… không bao giờ có thể điều chỉnh hết các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động tư pháp nói chung, hoạt động kiểm sát nói riêng. Vì thế, trong rất nhiều trường hợp, đạo đức kiểm sát sẽ có tác dụng bảo đảm cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát được tiến hành một cách bình thường.

Nghề nghiệp của chúng ta là một nghề đặc thù, có vinh quang nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách. Cán bộ, công chức Kiểm sát là những chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ pháp chế, giữ gìn công lý; cho nên, Lãnh đạo Ngành cần quan tâm làm sao để mỗi cá nhân khi gia nhập đội ngũ của chúng ta, mỗi người đều phải xác định vị trí quan trọng của mình trong quần chúng, trong xã hội. Nhiệm vụ của cán bộ Kiểm sát chỉ có thể thực hiện tốt, có hiệu quả khi họ là người "vừa hồng vừa chuyên".

Kiến thức chuyên môn nghiệp vụ chỉ có thể được phát huy khi mỗi cán bộ, công chức kiểm sát có đạo đức nghề nghiệp; tinh thần trách nhiệm cao; tính kiên quyết trong đấu tranh với vi phạm và tội phạm; phải công minh, khách quan thể hiện đức hy sinh cao cả và luôn đặt lợi ích của Nhà nước, của xã hội lên trên lợi ích cá nhân; lòng nhân ái, độ lượng, bao dung; tình đoàn kết và tính cách công minh, trung thực... là những nội dung của đạo đức tư pháp cách mạng. Nó cần có trong mỗi cán bộ lãnh đạo, Kiểm sát viên, mỗi công chức. Nó vừa là yếu tố để mỗi cán bộ Kiểm sát chúng ta đứng vững trên trận tuyến của mình, khẳng định chính mình để không bị gục ngã trước những viên đạn bọc đường của kẻ thù, vừa là yếu tố bảo đảm cho chất lượng, hiệu quả của hoạt động kiểm sát. Chính vì lẽ đó, chúng tôi cho rằng cần phải có môn học mới - môn đạo đức tư pháp để giảng dạy trong các trường đào tạo cán bộ tư pháp, trường nghiệp vụ kiểm sát, nhằm trang bị những vấn đề nêu trên cho cán bộ, công chức Kiểm sát.

Do đó, khi Đảng ta, Ngành ta mở cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Ban cán sự, Đảng uỷ, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xác định rõ chủ trương: Toàn Đảng bộ phải hành động, mỗi đảng viên, mỗi Chi bộ phải có chương trình hành động, xác định được những việc cần làm và cố gắng rèn luyện, phấn đấu làm theo lời dạy của Bác Hồ. Đó mới là mục tiêu cần phải đạt được. Bởi vì đạo đức của Người không phải là cái gì cao siêu khiến chúng ta không thể học được mà chính là những việc làm giản đơn ta vẫn làm hằng ngày, nhưng mà làm bằng cái tâm trong sáng.

Trong hơn 30 năm qua, từ khi thành lập đơn vị đến nay, cán bộ, công chức của ngành Kiểm sát thành phố đã luôn cố gắng phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành giao phó, chúng tôi luôn tâm niệm rằng, mình là những người con của thành phố mang tên Bác, cho nên càng cần phải học tập, thấm nhuần tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và từ những lời dạy ấy, cố gắng thực hiện nhiệm vụ sao cho có lợi cho dân, có lợi cho nước, nâng cao vị thế và uy tín cho Ngành.

Tìm kiếm