Gắn xây dựng với chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
TCCSĐT - Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, quan tâm gắn xây dựng với chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để giữ vững vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo đến việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, làm tốt vai trò là Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền, giữ trọn niềm tin yêu của nhân dân. Lúc sinh thời, Người viết sách, viết báo, cho mở nhiều lớp, nhiều trường để giáo dục, đào tạo, huấn luyện cán bộ, đảng viên và tự mình nêu gương là một lãnh tụ, một đảng viên trong sáng, mẫu mực nhất. Đến khi chuẩn bị “từ biệt thế giới này”, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Người cũng “Trước hết nói về Đảng” với những lời ngắn gọn, súc tích, cần thiết nhất về Đảng, về mục tiêu, phương hướng xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.”(1)
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa ra quan điểm gắn kết xây dựng Đảng với chỉnh đốn Đảng và luôn kiên định, giữ vững quan điểm này. Với Người, gắn kết xây dựng Đảng với chỉnh đốn Đảng không chỉ là quy luật tất yếu, mà còn là sự vận động và phát triển của Đảng trong suốt tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo. Với Người, xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng là hai mặt của một quá trình thống nhất, có quan hệ chặt chẽ với nhau, gắn kết với nhau vì mục tiêu đem lại cho Đảng một chất lượng mới, một tầm cao mới để Đảng luôn tồn tại với tư cách người lãnh đạo cách mạng, luôn phát triển với tư cách Đảng cầm quyền. Do vậy, xây dựng và chỉnh đốn Đảng không chỉ là nhiệm vụ then chốt mang tầm chiến lược, mà còn là công việc thường xuyên của Đảng trong vai trò lãnh đạo cách mạng, bởi “Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy.”(2)
Thấm nhuần tư ưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với tư cách người khởi xướng và trực tiếp lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã xác định một cách rõ ràng và dứt khoát rằng, trong suốt tiến trình công cuộc đổi mới này, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Vị trí then chốt này không chỉ có nghĩa đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, mà còn có nghĩa là nhiệm vụ đóng vai trò chi phối, quyết định thắng lợi công cuộc đổi mới. Để xây dựng Đảng ta thành một Đảng mang tầm trí tuệ, tầm tư tưởng, tầm phẩm chất, tầm năng lực lãnh đạo và hoạt động thực tiễn cần có, đủ sức đảm đương vai trò lãnh đạo và đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc đổi mới đất nước, thành một Đảng thực sự “vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức”, trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, Đảng ta khẳng định, Đảng “phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn”. Đó là quan điểm nhất quán, gắn kết xây dựng Đảng với chỉnh đốn Đảng.
Có một thực tế rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một di sản vô cùng quý giá, khá đầy đủ, toàn diện, sâu sắc, và Đảng ta cũng không hề coi nhẹ, luôn kế thừa, tiếp thu, phát triển không ngừng. Qua tất cả các kỳ Đại hội Đảng, công tác xây dựng Đảng (Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền) đều được coi là nhiệm vụ hàng đầu, “then chốt”, rất nhiều văn kiện, chỉ thị, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được ban hành, mà gần đây nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI. Việc thực hiện Nghị quyết cũng đã đạt những kết quả nhất định. Chính vì vậy mới có những “thành tựu to lớn, mang ý nghĩa lịch sử” trong công cuộc đổi mới 30 năm qua.
Sự thực là chưa bao giờ thế và lực của cách mạng Việt Nam, của đất nước Việt Nam lại lớn mạnh như ngày nay. Chưa bao giờ đại đa số nhân dân Việt Nam lại có được cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc như ngày nay. Chưa bao giờ vị thế quốc tế của Việt Nam có được như ngày nay. Nhưng cũng phải thừa nhận một sự thật rằng, chưa bao giờ mà niềm tin của nhân dân Việt Nam đối với Đảng Cộng sản Việt Nam lại bị sứt mẻ, bị tổn thương như vậy. Bởi vì, chưa bao giờ Đảng ta lại có “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng lại sa vào chủ nghĩa cá nhân, suy thoái cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nghiêm trọng như ngày nay. Chính “một bộ phận không nhỏ” này đã và đang làm suy yếu Đảng, đe doạ sự tồn vong của Đảng, làm lung lay vai trò lãnh đạo của Đảng, vô hình chung trở thành những kẻ tiếp tay đắc lực nhất cho các thế lực thù địch luôn tìm mội cách xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam qua chiến lược “Diễn biến hoà bình” và ra sức thúc đẩy “tự diễn biến, tự chuyển hoá”. Các vụ việc của những cán bộ, nguyên cán bộ của Đảng mà dư luận phanh phui gần đây đã làm cho nhân dân hết sức bức xúc, lo lắng cho vận mệnh của Đảng, của đất nước, nếu như Đảng không nhanh chóng ngăn chặn được tình trạng này.
Thực tế đó cho thấy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng ta còn rất nhiều hạn chế, yếu kém, hiệu quả, chất lượng thấp. Căn bệnh hình thức, nặng về văn bản, nghị quyết, giấy tờ, hô hào mà nhẹ về cơ chế, biện pháp thực hiện. Khoảng cách giữa lời nói và việc làm, giữa nghị quyết và thực hiện nghị quyết còn xa. Kỷ luật Đảng không nghiêm, đoàn kết một chiều, “dĩ hoà vi quý”, “bằng mặt mà không bằng lòng”, “người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người”, đấu tranh tự phê bình và phê bình rất yếu. Công tác kiểm tra, thành tra của các cơ quan Đảng và Nhà nước cũng còn mang nặng tính hình thức, giấy tờ. Hầu hết những cán bộ, đảng viên thoái hoá biến chất, phạm tội đều do dư luận quần chúng, báo chí phát hiện, hiếm có chi bộ nào lại tự phát hiện, vạch ra đảng viên sai lầm, mắc tội tham nhũng… Những sự thật ấy cho thấy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa làm được đúng như tư tưởng Hồ Chí Minh, mà mới chỉ theo tư tưởng của Người trên lời nói, trên văn bản, nghị quyết. Đó là điều đáng báo động!
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng nói chung, về Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền nói riêng, cùng với thực tiễn hành động trong xây dựng Đảng và tấm gương đạo đức của Người là tài sản vô giá mà Đảng ta, nhân dân ta mãi mãi giữ gìn, phát huy. Xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là “người lãnh đạo và đày tớ thật trung thành của nhân dân” phải là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, vì đây là vấn đề then chốt, là bảo đảm chắc chắn nhất cho mọi thắng lợi của cách mạng, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiến tới “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, việc “Học tập và làm tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng phát động là rất đúng, rất trúng, cần tiếp tục thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp, giải pháp mạnh mẽ, cụ thể, thiết thực, hiệu quả hơn, tuyệt đối chống bệnh hình thức, phong trào. Dựa hẳn vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát động, huy động, tạo cơ chế, điều kiện để toàn dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chỉ khi nào làm được điều này thì xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới thành công. Sở dĩ như vậy vì:
Thứ nhất, Đảng là đội tiên phong, đại biểu cho ý chí, quyền lợi không chỉ của giai cấp công nhân mà còn là của toàn thể nhân dân, dân tộc Việt Nam. Cần kiên quyết khắc phục quan niệm coi việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ là công việc nội bộ của Đảng khi nhân dân đã tin yêu giao phó vị trí lãnh đạo độc tôn cho Đảng, khi mà sự mạnh - yếu, mất - còn của Đảng có quan hệ đến vận mệnh của đất nước, của nhân dân.
Đảng cần khẳng định phải dựa hẳn vào dân, để nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp cũng đã nêu vấn đề nhân dân, thông qua Mặt trận Tổ quốc tham gia phản biện, giám sát, xây dựng Đảng. Cần cụ thể hoá bằng cơ chế, chính sách để sao cho các thế lực thù địch không thể lợi dụng, mà mọi người dân có quyền, có điều kiện tham gia góp ý, phản biện, giám sát việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách thuận lợi, có hiệu quả.
Thứ hai, vì xây dựng, chỉnh đốn Đảng là việc lớn, việc khó, đặc biệt việc chống tham nhũng, phát hiện tham nhũng, đưa những con “sâu mọt” trong nội bộ Đảng ra ánh sáng là công việc rất khó khăn, phức tạp. Những con sâu mọt trong Đảng thường kéo bè kéo cánh theo “lợi ích nhóm”, nhất thời và cục bộ đâu đó có khi chúng còn mạnh hơn cả những cán bộ, đảng viên chân chính. Vậy thì Đảng, nhất là những cán bộ, đảng viên chân chính phải dựa hẳn vào dân thì mới có sức mạnh chiến thắng tiêu cực này. Sức mạnh của nhân dân là phương tiện quan trọng, quá trình cách mạng của Đảng cho thấy “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đó là chân lý!
Thứ ba, tăng cường công khai, minh bạch trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sự nghiệp của Đảng là của nhân dân, vận mệnh của Đảng gắn liền với vận mệnh của nhân dân, của đất nước. Bác Hồ nói: “Một Đảng mà che giấu khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyêt điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.”(3)
Cần có chuyên đề nghiên cứu sâu và có nghị quyết cụ thể về vấn đề này: những vấn đề gì, cái gì trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần công khai minh bạch, cái gì không? Trừ những bí mật quốc gia, liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia không được công khai. Thiết nghĩ, những thành tích, ưu điểm của Đảng, của lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và cả sai lầm, khuyết điểm, tiền lương, thu nhập, tài sản của bản thân, gia đình, những nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cần công khai, minh bạch để nhân dân kiểm tra, giám sát, xây dựng Đảng.
Cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển tư tưởng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiên, hoàn cảnh mới: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; trong thời đại thông tin bùng nổ, hội nhập quốc tế, toàn cầu hoá - có rất nhiều điều mới phát sinh; tác động, ảnh hưởng của những yếu tố trong điều kiện, hoàn cảnh mới đó đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền như thế nào; những biện pháp, giải pháp nào mới để đáp ứng được những yêu cầu mới trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay./.
---------------------------------------------------
(1) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2010.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, Tr. 267.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, Tr. 301
PGS, TS. Nguyễn Quốc Sửu
Học viện Hành chính quốc gia