Ngành Kiểm sát Hậu Giang làm theo lời Bác thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí
Quán triệt, thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21/8/2006 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; các Nghị quyết, Chương trình hành động của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí với mục tiêu là “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí phải tích cực, chủ động phòng ngừa cùng với việc đấu tranh chống tham nhũng, trong đó phòng ngừa là chính. Gắn phòng chống tham nhũng, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy dân chủ, thực hành tiết kiệm, chống chủ nghĩa cá nhân; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức kỷ cương, liêm chính”. Trong thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp của tỉnh Hậu Giang đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp với các cơ quan hữu quan để tập trung điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, đảm bảo nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng các quy định của pháp luật và được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Quán triệt được quan điểm công tác kiểm sát nói chung và công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án tham nhũng nói riêng là phục vụ ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; vì vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất chính trị vững vàng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng luôn được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp ở tỉnh Hậu Giang quan tâm. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, cả nước đang đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì càng phải chăm lo đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát theo năm đức tính mà Bác Hồ đã dạy “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Do vậy, đã là cán bộ Kiểm sát thì phải nói không với tham nhũng và phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thực hiện sự chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ngành Kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát hai cấp ở tỉnh Hậu Giang đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ. Việc công khai kế hoạch, chương trình công tác, việc tuyển dụng, đào tạo, khen thưởng; việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức; việc phân bổ ngân sách Nhà nước, mua sắm, quản lý sử dụng tài sản... theo các quy định của Đảng, Nhà nước, của Ngành đã được Viện kiểm sát hai cấp chấp hành nghiêm túc. Định kỳ hàng quý đều công khai kinh phí theo quy định để cán bộ, công chức trong đơn vị nắm, theo dõi và giám sát. Trước những yêu cầu mới về cải cách tư pháp hiện nay, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quy tắc ứng xử đối với cán bộ công chức. Trước hết, đòi hỏi người cán bộ giữ vai trò lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu về mọi mặt; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là dùng công quỹ làm quà tặng, tiếp khách không đúng quy định...
Nói không với tham nhũng là đạo lý của những người thực thi pháp luật. Viện kiểm sát được giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp thì càng phải gương mẫu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đã là cán bộ Kiểm sát, muốn làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát người khác chấp hành pháp luật thì bản thân mình phải trong sạch, phải nói không với tham nhũng, lãng phí.
Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua. Năm 2011, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang được Tỉnh uỷ, Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng tỉnh tặng 02 Bằng khen; Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng Cờ thi đua hạng Nhất khối các cơ quan nội chính. Đặc biệt, được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tặng Cờ thi đua cho đơn vị đạt danh hiệu xuất sắc. Để làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong thời gian tới với mục tiêu của Nghị quyết là “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí...”; Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm. Xác định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên để tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và đánh giá việc thực hiện.
Hai là, đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Viện kiểm sát hai cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức; kiên quyết đưa ra khỏi Ngành những cán bộ có hành vi tham nhũng. Để ngành Kiểm sát Hậu Giang thực sự trong sạch, vững mạnh; cùng với việc xây dựng Ngành vững mạnh về mọi mặt, người cán bộ Kiểm sát phải rèn đức, luyện tài, nêu cao lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp, phấn đấu trưởng thành bằng sự rèn luyện và giữ gìn phẩm chất đạo đức của bản thân, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về mọi mặt để đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.
Lê Văn Meo