PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG, HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI DẠY CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ĐỐI VỚI CÁN BỘ KIỂM SÁT
LÊ VĂN NGÀ - Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Tháp
Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong ngành Kiểm sát nhân dân, tổ chức "Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã tổ chức giới thiệu nội dung cơ bản các chuyên đề của Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", gắn với việc nghiên cứu và làm theo 5 đức tính "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" mà Bác Hồ đã dạy đối với cán bộ Kiểm sát, có liên hệ với thực tiễn của Ngành và truyền thống của quê hương Đồng Tháp anh hùng.
Đồng Tháp là một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, là vùng đất mới của Tổ quốc. Huỳnh Văn Nghệ có câu thơ rất hay:
"Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long".
Những lớp lưu dân tiền phong chinh phục thiên nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long trong buổi đầu khai hoang, lập ấp "vũ khí" chủ yếu là cái phảng phát cỏ, cái búa, cái rựa trong tay... để biến vùng rừng rậm, đất hoang thành ruộng đồng trù phú, làng mạc sầm uất như ngày nay.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân tỉnh Sa Đéc (nay là Đồng Tháp) có nhiều phong trào yêu nước, làm nên nhiều cuộc khởi nghĩa, điển hình như các cuộc khởi nghĩa: Thống Linh, Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều... Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, nơi đây là căn cứ của Xứ uỷ Nam Kỳ, Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ của Khu 8, rồi khu Nam Trung Bộ đã từng được coi là "Việt Bắc của miền Nam" trong thời kỳ kháng chiến, Trung ương cục miền Nam đã trao tặng Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp 8 chữ vàng truyền thống "Kiên cường bám trụ, giữ đất, giành dân".
Trong quá trình "dựng bờ, mở cõi", kháng chiến chống giặc ngoại xâm ấy, rất tự nhiên, như quy luật vốn có của Đất - Trời, địa danh Đồng Tháp gắn liền với danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh.
"Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ"
(Bảo Định Giang)
Đặc biệt, như một sự "hẹn hò" của lịch sử, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình giao du với các nhà Nho yêu nước, cụ đã đến sinh sống tại làng Hoà An, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Năm 1906, khi không còn lý do thoái thác, cụ đành ra nhậm chức Hành tẩu Bộ Lễ thời nhà Nguyễn; song cụ thường nói: "Quan trưởng thị nô lệ, trung chi nô lệ hựu nô lệ" (quan trưởng là nô lệ, trong những người nô lệ càng nô lệ hơn). Cụ thường khuyên dạy các con rất nghiêm khắc: "Dĩ vật quan gia di ngô phong dạng" (chớ lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình, song cũng tôn trọng nguyện vọng của con cái. Cụ là một nhà Nho yêu nước và tiến bộ; với Cụ "trung quân" không phải là "ái quốc", mà "ái quốc" là "ái dân", tán thành chủ trương Canh Tân của cụ Phan Chu Trinh, Cụ đã cho hai con trai vào học trường Pháp - Việt từ năm 1905.
Năm 1909, cụ được điều đến Bình Khê (tỉnh Bình Định) nhậm chức Tri huyện. Lúc làm Tri huyện, nhân vụ tên cường hào Tạ Quang đã bị cụ bắt giam, sau 2 tháng thả ra thì chết, cụ bị Triều đình phạt 100 hào, giáng 4 cấp và thải hồi. Cụ vào Phan Thiết tháng 3 năm 1911, rồi đến Sài Gòn, cùng Nguyễn Tất Thành xuống Mỹ Tho gặp cụ Phan Chu Trinh, khi cụ Phan đang chuẩn bị sang Pháp. Cụ đi khắp các tỉnh Nam Bộ và đôi lần sang tận Campuchia. Đến đâu cụ cũng tìm cách quan hệ với các nhà sư, nhà Nho yêu nước, các chính trị phạm của Phong trào Cần Vương, Đông Du, Duy Tân... bị an trí, hoặc đang lẩn tránh mật thám Pháp... Cụ giúp nhiều chùa ở Nam Bộ dịch, chú giải kinh; góp nhiều ý kiến cho phong trào Chấn hưng Phật giáo do Hoà thượng Khánh Hoà khởi xướng. Hiện nay, một số chùa còn bút tích và một vài câu đối nổi tiếng của cụ.
Từ năm 1917 - 1919, cụ về Cao Lãnh, kết thân với nhiều nhà nho yêu nước. Từ năm 1926 - 1929, cụ có quan hệ với một số tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở đồng bằng sông Cửu Long. Cụ về ở Cao Lãnh, được Tổ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Cao Lãnh, đứng đầu là đồng chí Phạm Hữu Lầu, sắp xếp cụ ở nhà ông Năm Giáo. Hàng ngày xem mạch giúp và hốt thuốc cho bà con chứ không lấy tiền. Thời gian này, thông qua các đồng chí hội viên Tổ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Cao Lãnh, hoặc qua cụ Phan Chu Trinh lúc đó đã về nước, cụ Nguyễn Sinh Sắc biết tin về Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc.
Cuối tháng 11/1929, cụ Nguyễn Sinh Sắc lâm trọng bệnh và qua đời, được đồng bào Hoà An, Cao Lãnh chôn cất tử tế bên cạnh chùa Hoà Long. Trong thời gian tập kết chuyển quân năm 1954, mộ cụ được bộ đội và đồng bào địa phương tôn tạo, chỉnh trang. Chủ tịch Hồ Chí Minh biết tin về người cha của mình ở miền Nam qua các đồng chí bộ đội tập kết ra bắc năm 1954. Trong suốt thời kỳ chống Mỹ, cán bộ và nhân dân Đồng Tháp đã không quản nguy hiểm, cùng nhau bảo vệ và tôn tạo mộ cụ. Sau 30/4/1975, mộ cụ được kiến tạo to đẹp, khang trang, được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp rất tự hào về truyền thống cách mạng quê hương, tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã kết thúc bước một cuộc vận động, đang tiếp tục triển khai bước hai cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đảng uỷ, Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã tổ chức để cán bộ, đảng viên cơ quan viết bản tự thu hoạch sau đợt học tập; lấy ý kiến quần chúng góp ý cho đảng viên, cán bộ chủ chốt của Ngành về đạo đức, lối sống. Căn cứ vào bản tự thu hoạch của cán bộ, đảng viên và ý kiến quần chúng, từ thực trạng tình hình về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên cơ quan, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cùng Đảng bộ và Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong Ngành, gắn 5 đức tính của cán bộ Kiểm sát với chuẩn mực đạo đức theo quy định của Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh là: "trung với nước", "hiếu với dân", "yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình"; "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư".
Chúng tôi ý thức được rằng, 5 đức tính Bác Hồ căn dặn đối với cán bộ ngành Kiểm sát và chuẩn mực đạo đức do Ban tổ chức cuộc vận động nêu ra có mối quan hệ hữu cơ, khăng khít với nhau. Ở đây, tôi chỉ xin đề cập 3 vấn đề.
Một là, 5 đức tính của cán bộ Kiểm sát "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" là cụ thể hoá phẩm chất, đạo đức cách mạng của người cán bộ Kiểm sát. Năm đức tính đó có mối quan hệ biện chứng trong một thể thống nhất, đức tính này làm tiền đề cho đức tính kia phát triển, hoàn thiện và ngược lại; thể hiện bản chất của giai cấp công nhân, triệt để cách mạng, tôn trọng sự thật, có tinh thần trách nhiệm cao, rất kiên quyết nhưng cũng rất nhân đạo, nên những đức tính đó mang tính chiến đấu, tính khoa học và tính quần chúng rộng rãi; cần được quán triệt cả trong nhận thức và hành động, trong từng trình tự, trong tất cả các khâu của công tác kiểm sát nhằm thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 4 nguyên tắc xây dựng bộ máy Nhà nước, trong đó nguyên tắc thứ tư là xây dựng một bộ máy tư pháp có tính độc lập tương đối, dân chủ, hiện đại, xét xử công bằng theo luật. Trong những năm qua, Đảng ta rất coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, trong đó có cán bộ Kiểm sát. Nghị quyết Đại hội X của Đảng chỉ rõ: "Xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người. Đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Cải cách tư pháp khẩn trương, đồng bộ, lấy cải cách hoạt động xét xử làm trọng tâm; thực hiện cơ chế công tố gắn với hoạt động điều tra. Xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp".
Với ý thức trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, chúng tôi ý thức rằng, cần phấn đấu rèn luyện phẩm chất và năng lực để đội ngũ cán bộ Kiểm sát của tỉnh có đủ đức, tài ngang tầm với nhiệm vụ chính trị, xứng đáng với sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, của Bác Hồ kính yêu và sự tin cậy của nhân dân.
Hai là, về chuẩn mực đạo đức "trung với nước"; cần xây dựng tinh thần yêu nước, nhận thức đúng đắn và kiên định thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, ra sức phấn đấu vì mục tiêu: "dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh", chống suy thoái, dao động về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng; không nói trái, làm trái với quan điểm đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh "trung với nước" cần quán triệt những nội dung của chủ nghĩa yêu nước trong giai đoạn cách mạng mới; phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Cùng với sự ra đời của hệ thống chính trị của tỉnh Đồng Tháp, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh được thành lập vào ngày 23/4/1976. Lúc đầu, Ngành chỉ có 10 cán bộ do Viện kiểm sát nhân dân tối cao chi viện có thời hạn, cùng với một số cán bộ do Cấp uỷ địa phương đưa sang. Tổ chức bộ máy hình thành 5 tổ nghiệp vụ ở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và 6 Viện kiểm sát nhân dân huyện, thị xã. Đội ngũ Kiểm sát viên ít, các đồng chí do Cấp uỷ đưa sang vừa học, vừa làm, công việc mới rất lúng túng. Đến nay, bộ máy tổ chức của ngành Kiểm sát Đồng Tháp gồm có 9 phòng và 11 Viện kiểm sát nhân dân huyện, thị xã, thành phố, với 182 cán bộ công chức. Thành quả lớn nhất của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp trong thời gian hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành là đã đào tạo, bồi dưỡng để từng bước chuẩn hoá đội ngũ cán bộ Kiểm sát, nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Hiện nay, có gần 90% cán bộ, công chức Ngành có trình độ Đại học, gần 20% có trình độ Cử nhân hoặc cao cấp chính trị. Tuyệt đại đa số cán bộ Kiểm sát có lập trường chính trị vững vàng, luôn tin tưởng tuyệt đối và trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, am tường về chuyên môn nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm cao và lương tâm nghề nghiệp. Một số đơn vị trực thuộc ngành Kiểm sát Đồng Tháp vinh dự được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; nhiều cán bộ, công chức của Ngành được Thủ tướng Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tặng Bằng khen.
Chúng tôi luôn tự hào, tôn vinh và trân trọng những hy sinh to lớn của ông cha để chúng ta có non sông, Tổ quốc Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất trọn vẹn hôm nay. Chúng tôi đã chú trọng việc giáo dục cán bộ, công chức hiểu sâu sắc về cuộc đời, đức độ và lòng nhiệt huyết yêu nước của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; hiểu sâu sắc về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, từ đó nâng cao tinh thần yêu nước, tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc của quê hương Đồng Tháp anh hùng. Qua nghiên cứu, quán triệt nội dung tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, chúng tôi thấu hiểu chuẩn mực "trung với nước" ngày nay là trung thành vô hạn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá, bảo vệ Đảng, nhân dân và sự nghiệp đổi mới, bảo vệ lợi ích của quê hương, đất nước.
Ba là, về chuẩn mực đạo đức "cần, kiệm": Đòi hỏi phải có tinh thần lao động sáng tạo, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; biết quý trọng công sức lao động và tài sản của tập thể của nhân dân; biết sử dụng lao động, vật tư, tiền vốn của Nhà nước, của tập thể, của chính mình một cách có hiệu quả; chống lười biếng, xa hoa, lãng phí, phô trương hình thức.
Qua hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, hầu hết đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát Đồng Tháp cơ bản rất tốt, được rèn luyện qua chiến đấu và thử thách trong thực tiễn công tác, luôn tích cực, tận tuỵ trong công tác; vận dụng và thực hiện nghiêm túc 5 đức tính của cán bộ Kiểm sát khi thực hiện nhiệm vụ; có nhiều tấm gương sáng về tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức; Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh liên tục nhiều năm đạt trong sạch, vững mạnh; hơn 90% đảng viên đạt danh hiệu đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít cán bộ, Kiểm sát viên chưa phát huy hết về ý thức trách nhiệm, một số khác thoái hoá, vi phạm phẩm chất đạo đức phải bị xử lý kỷ luật...
Để thực hiện chuẩn mực đạo đức "cần, kiệm", Đảng uỷ, Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức trong Ngành luôn thực hiện nghiêm túc 5 đức tính của người cán bộ Kiểm sát, công tác với chất lượng, hiệu quả cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Ngành.
Tỉnh Đồng Tháp đã có Đề án tôn tạo và mở rộng Khu di tích theo hướng kết hợp Di tích lịch sử với khu du lịch, trưng bày tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Đồng Tháp cũng đang chuẩn bị xây dựng Tháp Sen tại Khu di tích lịch sử Gò Tháp, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười. Công trình sẽ hoàn thành vào năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bác Hồ. Tháp Sen là biểu tượng truyền thống cách mạng của nhân dân tỉnh Đồng Tháp, cũng là biểu hiện sự tôn kính của người dân Đồng Tháp đối với Bác Hồ, vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Hai công trình này có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc trong nội bộ và trong nhân dân, nhất là trong học sinh, sinh viên.
Sự nghiệp đổi mới đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam, đồng thời tạo ra những thuận lợi và những thử thách mới đối với mỗi chúng ta trong lĩnh vực đạo đức. Hơn lúc nào hết, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân kế thừa truyền thống cách mạng vẻ vang và những tinh hoa đạo đức tốt đẹp của ông cha ta, nguyện ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng và làm lành mạnh nền đạo đức xã hội, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Vấn đề cơ bản nhất khi thực hiện cuộc vận động là mỗi chúng ta phải nhận thức đầy đủ vị trí của vấn đề đạo đức cách mạng, tự giác, nỗ lực học tập, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng theo gương Bác Hồ vĩ đại.