TỪ LỜI DẠY CỦA BÁC ĐỐI VỚI CÁN BỘ KIỂM SÁT SUY NGHĨ VỀ VIỆC XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ VIỆN KIỂM SÁT QUÂN SỰ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Đại tá LÊ MINH TIẾN - Đại tá NGUYỄN TRANH - Viện kiểm sát quân sự Trung ương
1. Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc nói chung cũng như trong sự nghiệp xây dựng quân đội nhân dân nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Theo Bác Hồ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc... công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” (Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Sự thật, H, 1984, tập 4, trang 487). Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ “là công việc của Đảng”, phải làm thường xuyên, liên tục như một dòng chảy của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, theo quan điểm: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Trong xây dựng đội ngũ cán bộ, Bác Hồ luôn đặt vấn đề này trong mối quan hệ với đường lối cách mạng của Đảng; lấy yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ làm phương hướng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Thông qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ mà đánh giá năng lực, phẩm chất, đạo đức của người cán bộ và chính sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ các cấp lại là một bảo đảm cần thiết cho việc xây dựng, bổ sung và phát triển đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Trong công tác cán bộ, mối quan tâm hàng đầu của Bác Hồ là vấn đề nền tảng tư tưởng chính trị, bản chất giai cấp công nhân của đội ngũ cán bộ các cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi vấn đề xây dựng bản lĩnh chính trị, bản chất giai cấp là vấn đề mấu chốt trong công tác cán bộ và chính Người cũng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đạo đức, lối sống của người cán bộ. Cùng với việc chăm lo đến năng lực, phẩm chất, đạo đức và lối sống tạo nên bản lĩnh cốt cách của người cán bộ cách mạng, Bác Hồ yêu cầu người cán bộ phải luôn luôn tu dưỡng đạo đức, tác phong của người cộng sản, sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người đặc biệt phê phán những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, xem đó là kẻ địch hết sức nguy hiểm. Người coi tệ quan liêu, mệnh lệnh xa rời quần chúng, tệ lạm dụng chức quyền, tham ô, lãng phí cũng là kẻ thù, “nó không mang gươm, mang súng, nó nằm ngay trong tổ chức để làm hỏng việc của chúng ta”, và Người yêu cầu phải chống giặc này như chống giặc ngoại xâm.
2. Quán triệt quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về xem xét một sự vật cụ thể trong một tình hình cụ thể, khi xem xét và giải quyết những vấn đề liên quan đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng, yêu cầu tiêu chuẩn của người cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không dừng lại ở những vấn đề có tính nguyên tắc chung mà khi đi vào từng đối tượng cụ thể; bao giờ Người cũng chỉ ra những yêu cầu cụ thể đối với mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi địa phương.
Khi nói về Đảng, trong diễn văn kỷ niệm ba mươi năm thành lập Đảng, Bác đã khái quát: “Đảng là đạo đức, là văn minh”, trong Di chúc Người căn dặn: “Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, do vậy mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
Với thanh niên người dạy: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”.
Với các cháu thiếu nhi Bác Hồ có 5 điều dạy: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; Học tập tốt; Lao động tốt; Giữ gìn vệ sinh thật tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.
Với các chiến sĩ Công an nhân dân Bác Hồ có 6 điều dạy mà toàn ngành Công an đang phấn đấu thực hiện: “Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính; Đối với đồng chí phải thân ái giúp đỡ; Đối với Chính phủ phải tuyệt đối trung thành; Đối với công việc phải tận tuỵ; Đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép; Đối với kẻ địch phải cương quyết khôn khéo”.
Quân đội nhân dân Việt Nam luôn được sự quan tâm chăm sóc đặc biệt của Bác, trong lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Người đã huấn thị: “Quân đội ta, trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua; kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Nền tư pháp cách mạng tuy non trẻ nhưng cũng được sự quan tâm đặc biệt của Bác. Ngay từ khi chính quyền nhân dân mới ra đời, cuộc kháng chiến trường kỳ lúc này còn nhiều khó khăn, gian khổ và ngổn ngang công việc nhưng Bác đã đến dự và chỉ đạo hội nghị tư pháp toàn quốc diễn ra ở Sơn Dương, Tuyên Quang.
3. Sự ra đời của ngành Kiểm sát nhân dân đánh dấu sự phát triển sang một giai đoạn mới trong công tác tổ chức các cơ quan tư pháp ở nước ta. Ngay khi mới ra đời, ngành Kiểm sát nhân dân đã nhận được sự chỉ đạo trực tiếp, cụ thể của Đảng và Bác Hồ. Với ngành Kiểm sát nhân dân, Bác căn dặn trong hoạt động của mình, người cán bộ Kiểm sát phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Trong không khí thi đua sôi nổi của toàn ngành đang phấn đấu thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chúng ta cùng nhau suy ngẫm về lời dạy của Người để thực hiện cuộc vận động một cách thiết thực và hiệu quả.
Có thể nói: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” là một hệ thống yêu cầu, tiêu chuẩn đặt ra đối với hoạt động của ngành Kiểm sát và mỗi cán bộ Kiểm sát nhân dân. Hệ thống yêu cầu, tiêu chuẩn này đã xác định một cách toàn diện, từ mục đích, lý tưởng hành động (hành động theo chính nghĩa, vì công lý một cách công bằng và sáng suốt); phương pháp xem xét, giải quyết vấn đề (phương pháp khách quan, khoa học); phong cách, tác phong công tác thận trọng, tỉ mỉ, cụ thể, đến thái độ trách nhiệm đối với bản thân trong quan hệ với mọi người và với chính bản thân mình (khiêm tốn).
Năm đức tính "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn", trong nội dung mỗi đức tính có những yêu cầu và biểu hiện cụ thể riêng biệt nhưng lại thống nhất tạo thành một chỉnh thể hoàn chỉnh và hướng tới mục tiêu đặt ra đối với toàn ngành Kiểm sát là phải hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của Ngành là thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp góp phần bảo đảm cho pháp luật được thi hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất; đối với mỗi cán bộ, Kiểm sát viên khi được giao nhiệm vụ giải quyết các vụ án phải kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả bảo đảm đúng người, đúng việc, đúng pháp luật; không để xảy ra tình trạng oan, sai, sót, lọt tội phạm. Muốn thực hiện được yêu cầu này đòi hỏi đối với mỗi cán bộ, Kiểm sát viên là phải có đầy đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ.
Như vậy, lời dạy của Bác Hồ đối với ngành Kiểm sát đã hàm chứa những yêu cầu, tiêu chuẩn cơ bản, quan trọng nhất đối với mỗi cán bộ, Kiểm sát viên. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, người cán bộ Kiểm sát, Kiểm sát viên phải có mục tiêu, lý tưởng phấn đấu, đó là hướng tới mục đích phục vụ chân lý, lẽ phải, tìm kiếm sự thật, công bằng trong hoạt động của mình. Trong thời đại của chúng ta thì chân lý, sự công bằng được thể chế hoá trong hệ thống pháp luật của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Không những phải có mục tiêu lý tưởng phấn đấu cao đẹp, người cán bộ Kiểm sát, Kiểm sát viên còn phải có phương pháp công tác khách quan, khoa học. Đối với chúng ta đó là thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, qui chế công tác của Ngành; mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải nắm vững những vấn đề cơ bản để vận dụng một cách sáng tạo trên cương vị, chức trách cụ thể của mình. Ngoài mục đích, lý tưởng và phương pháp công tác, người cán bộ Kiểm sát còn phải có phong cách, tác phong công tác sâu sát, tỉ mỉ và cụ thể. Đây cũng là một yêu cầu bắt buộc cần phải có, một yếu tố hợp thành tạo thành tổng thể phẩm chất và năng lực của người cán bộ ngành Kiểm sát. Không dừng lại ở những phẩm chất nêu trên, người cán bộ Kiểm sát còn phải thường xuyên tự tu dưỡng rèn luyện, thường xuyên phê bình và tự phê bình để có nhận thức đúng đắn về bản thân mình để không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công.
Như phần trên đã phân tích, trong vấn đề cán bộ, trước hết Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra những tiêu chuẩn với tính chất là những yêu cầu, những đòi hỏi của Đảng, của cách mạng đối với cán bộ. Những tiêu chuẩn cán bộ bao gồm cả hai mặt đức và tài, phẩm chất và năng lực, không thể thiếu mặt nào, cũng không được coi nhẹ mặt nào. Những tiêu chuẩn ấy phản ánh những yêu cầu đối với người cán bộ trong các mối quan hệ đối với Tổ quốc, với Đảng, với cách mạng; đối với nhân dân, đồng bào, đồng chí; đối với tổ chức, với tập thể; với trên, với dưới; với người, với việc và với chính bản thân mình. Trong từng giai đoạn phát triển của cách mạng, trong từng lĩnh vực công tác cụ thể, những tiêu chuẩn ấy lại được Người bổ sung và cụ thể hoá cho phù hợp với những yêu cầu của nhiệm vụ chính trị đang đặt ra. Ngành Kiểm sát nhân dân được Nhà nước giao thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố Nhà nước bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất (giai đoạn 1960 - 1969), đây là chức năng, nhiệm vụ quan trọng, thiêng liêng và cao cả. Để thực hiện và có thể hoàn thành được chức năng, nhiệm vụ thiêng liêng cao cả ấy đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát phải đáp ứng được những yêu cầu rất cao. Trên cơ sở theo dõi, chỉ đạo, Bác hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát và từ đó đặt ra những yêu cầu, tiêu chuẩn rất cao đối với người cán bộ Kiểm sát. Yêu cầu, tiêu chuẩn đó là: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đây vừa là mục tiêu phấn đấu xây dựng, vừa là điều kiện để người cán bộ Kiểm sát có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.
4. Hệ thống Viện kiểm sát quân sự các cấp là một bộ phận cấu thành của ngành Kiểm sát nhân dân; cán bộ Viện kiểm sát quân sự các cấp là những cán bộ, Kiểm sát viên được phân công làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp trong Quân đội. Cũng như toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân nói chung, cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự các cấp đã và đang học tập và làm theo lời dạy của Bác, đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự các cấp luôn phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện trong thực tiễn công tác và lối sống hàng ngày. Lời dạy và cũng là yêu cầu của Bác với ngành Kiểm sát, với mỗi cán bộ Kiểm sát viên nói chung, với mỗi cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát quân sự nói riêng đã và đang là mục tiêu mà mỗi cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự hướng tới. Học tập lời dạy của Bác Hồ đối với ngành Kiểm sát trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; theo chúng tôi vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhất là phải tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự các cấp theo những yêu cầu, tiêu chuẩn mà Bác đã chỉ ra để có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ được phân công trong điều kiện cải cách tư pháp hiện nay. Đối với đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự các cấp để đáp ứng các yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay cần được xây dựng theo một số yêu cầu sau đây:
- Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm đường lối của Đảng, nắm vững chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp của Ngành, thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và rèn luyện đạo đức cách mạng, phát triển năng lực của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát Viện kiểm sát quân sự các cấp.
- Góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại đang làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và thực tiễn tiến hành cải cách tư pháp, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong Quân đội, phát huy cao độ tính năng động chủ quan, thúc đẩy các xu hướng tích cực, hạn chế các xu hướng tiêu cực, bảo đảm cho quá trình nâng cao đạo đức, phát triển năng lực của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự các cấp đạt kết quả ngày càng cao.
- Chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự các cấp; tiến hành thường xuyên, liên tục, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ Viện kiểm sát quân sự phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình nhiệm vụ.
5. Từ mục tiêu, yêu cầu trên, trong giai đoạn hiện nay, biện pháp giáo dục rèn luyện đội ngũ cán bộ Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự các cấp hướng tới mục tiêu và thực hiện bằng được lời dạy của Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” cần tiến hành đồng bộ một số biện pháp cơ bản sau:
Đổi mới và tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự các cấp để giữ vững bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức cách mạng; nâng cao năng lực chuyên môn, phương pháp công tác. Đây là giải pháp vừa cơ bản lâu dài, vừa có tính cấp thiết trong điều kiện hiện nay.
Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự các cấp trong quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng và năng lực chuyên môn, kỹ năng công tác của bản thân. Đây là biện pháp rất quan trọng vì toàn bộ các quá trình, các hình thức giáo dục và đào tạo suy cho cùng đều phải thông qua chính đối tượng giáo dục, thông qua khả năng tiếp nhận và chuyển hoá các tác động bên ngoài thành quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện của bản thân mỗi người thì mới mang lại hiệu quả và chuyển biến thực sự.
Xây dựng và phát huy tốt vai trò của môi trường hoạt động của Viện kiểm sát quân sự các cấp trong mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị quân đội; với hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân để mỗi cán bộ, Kiểm sát viên tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Phát huy tốt vai trò của các tổ chức lãnh đạo, chỉ huy, các tổ chức quần chúng; phát huy cơ chế lãnh đạo và chỉ huy của Quân đội và cơ chế quản lý tập trung thống nhất trong ngành Kiểm sát để quản lý, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ Kiểm sát quân sự theo lời dạy của Bác Hồ kính mến.