Viện Kiểm Sát nhân dân tỉnh Tiền Giang thực hiện cuộc vận động
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
gắn với bồi dưỡng và tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi
Qua 5 năm (từ năm 2007 - 2011) thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Quy định số 169 về “Bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi” và thực hiện công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cán bộ Kiểm sát làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, ngành Kiểm sát tỉnh Tiền Giang đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể là:
Viện kiểm sát hai cấp đã tăng cường xây dựng và hoàn thiện các quy chế làm việc, quy chế phối hợp công tác, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý, sử dụng tài sản công. Triển khai thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành Kiểm sát nhân dân (ban hành kèm theo Quyết định số 296/2008/QĐ-VKSTC ngày 18/6/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao). Trong đó, các cán bộ lãnh đạo, quản lý đã nêu cao tinh thần gương mẫu thực hành tiết kiệm trong việc cưới hỏi, thực hiện nghiêm quy định cấm sử dụng công quỹ làm quà tặng, tiếp khách… Công tác quản lý kinh phí, tài sản và công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng cán bộ được công khai và phân cấp hợp lý giữa Viện kiểm sát hai cấp.
Bên cạnh việc thực hiện công tác chuyên môn, cán bộ, công chức trong đơn vị còn thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và tích cực tham gia các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tuỵ, gương mẫu”, xây dựng “Cơ quan văn hoá, ngày làm việc 08 giờ năng suất, chất lượng, hiệu quả”, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Ngành và địa phương.
Trong những năm qua, ngành Kiểm sát tỉnh Tiền Giang đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong tiến trình cải cách tư pháp. Trên cơ sở nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức nên chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp được nâng lên, các chỉ tiêu công tác đều đạt kết quả cao so với kế hoạch đề ra, giảm được nhiều sai sót trong công tác nghiệp vụ, góp phần xứng đáng vào việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Về bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi: Năm 2007, để có cơ sở tuyển chọn Kiểm sát viên đi dự Hội nghị Kiểm sát viên tiêu biểu ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ Nhất tại Hà Nội, ngoài những tiêu chí tuyển chọn theo quy chế của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tổ chức tuyển chọn qua 03 phần: Phần thi vi tính (sử dụng Microsoft word để soạn thảo văn bản đúng thể thức và kỹ thuật trình bày theo hướng dẫn tại Thông tư số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06/5/2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ, hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; sử dụng Power Point để thiết kế trình chiếu, có ứng dụng liên kết truy cập dữ liệu từ internet); phần 2, mỗi Kiểm sát viên xây dựng một đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đến năm 2010; phần 3, thi tự luận về kỹ năng Kiểm sát viên tiêu biểu. Kết quả đã chọn được 02 Kiểm sát viên tiêu biểu và khen thưởng những Kiểm sát viên có thành tích xuất sắc trong hội thi.
Năm 2011, Viện kiểm sát tỉnh đã tiến hành các bước chuẩn bị tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi như: Quyết định thành lập Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi, Tổ giúp việc Hội đồng, tổ chức thực hiện Kế hoạch tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh, huyện. Đến ngày 29/7/2011, đã có 34 Kiển sát viên hai cấp tỉnh, huyện hoàn thành hồ sơ đăng ký tham gia dự thi Kiểm sát viên giỏi và Hội đồng tuyển chọn đang tiến hành tuyển chọn theo quy định.
Trong công tác tuyên truyền, từ năm 2007 đến nay, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh, huyện có tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với thực hiện Quy định số 169 về "Bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi" và thực hiện công tác quản lý giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cán bộ Kiểm sát làm theo lời Bác Hồ dạy “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Hàng năm, Lãnh đạo Viện chỉ đạo một số cán bộ, Kiểm sát viên viết bài, đưa tin, thực hiện công tác tuyên truyền trên Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát và các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về các nội dung trên. Ngoài ra, còn có những bài viết giới thiệu về Ngành, trao đổi về công tác chuyên môn, về những hoạt động nổi bật của địa phương, đơn vị.
Để đạt được những kết quả nêu trên là do:
Một là, công tác triển khai, quán triệt, học tập các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tuyên truyền cuộc vận động được chú trọng, thể hiện như: Thực hiện Chỉ thị số 03/ CT-VKSTC-V9 ngày 16/4/2007, của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Cán sự Đảng, Đảng uỷ, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo Viện kiểm sát hai cấp tổ chức triển khai, quán triệt nghiêm túc đến toàn thể cán bộ, công chức về ý nghĩa của việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong nghị quyết hàng năm và định kỳ của Ban Cán sự Đảng Viện kiểm sát tỉnh đều có đánh giá về tình hình, kết quả thực hiện cuộc vận động, đề ra yêu cầu, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Đồng thời, trên cơ sở chương trình, kế hoạch đã đề ra Viện kiểm sát hai cấp đã phối hợp với Cấp uỷ tổ chức cho cán bộ, đảng viên, thành viên của các tổ chức, đoàn thể học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như: Nghiên cứu tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; học tập Nghị quyết Trung ương 7 khoá X kết hợp với việc nghiên cứu chuyên đề “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quan liêu” và tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”; các chuyên đề “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” và “Xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh”.
Công tác tuyên truyền được nhiều đơn vị thực hiện phong phú cả về nội dung và hình thức. Viện kiểm sát hai cấp đã tích cực tham gia các “Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban chỉ đạo các cấp tổ chức và đạt giải. Công tác tuyên truyền cuộc vận động còn được lồng ghép với tuyên truyền kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, như ngày giải phóng Miền Nam (30/4), tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Bác trong dịp kỷ niệm ngày sinh nhật của Người (19/5)…
Thực hiện các hướng dẫn của Trung ương, Ban chỉ đạo thực hiện cuộc vận động, các Cấp uỷ Đảng, 100% cán bộ, công chức trong Ngành đã viết bản thu hoạch, tự cam kết phấn đấu nêu rõ phương hướng phấn đấu của bản thân. Cùng với việc chỉ đạo viết bài thu hoạch, Ban chỉ đạo cuộc vận động các cấp đã chỉ đạo lấy ý kiến của quần chúng đối với tổ chức đảng và đảng viên.
Nhìn chung, thông qua việc quán triệt, học tập các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các hoạt động tuyên truyền về cuộc vận động đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong Ngành về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc thực hiện cuộc vận động, làm cho cán bộ, công chức trong Ngành thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện, thấm nhuần đạo đức của Người, nâng cao ý thức trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, giữ gìn đạo đức của người cán bộ Kiểm sát.
Hai là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động được kịp thời, thể hiện: Ban Cán sự Đảng, Đảng uỷ và Lãnh đạo Viện kiểm sát tỉnh, các Chi bộ và Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện đã kịp thời quyết định thành lập các Ban chỉ đạo thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đồng thời, Cấp uỷ Đảng thuộc Viện kiểm sát hai cấp đã xây dựng các kế hoạch, chương trình thực hiện cuộc vận động dài hạn và hàng năm.
Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp đã phối hợp với các Cấp uỷ Đảng trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động. Trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của các đơn vị đều xác định việc thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chi Minh" là một nội dung quan trọng phải tập trung chỉ đạo, thực hiện.
Về công tác kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động: Thực hiện Kế hoạch số 32/KH-VKSTC-TTr về việc kiểm tra thực hiện Quy chế dân chủ; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong ngành Kiểm sát nhân dân; Cấp uỷ Đảng Viện kiểm sát hai cấp đã thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện cuộc vận động gắn với kiểm tra việc triển khai công tác năm, kiểm tra thực hiện Quy chế dân chủ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… với hình thức kiểm tra trực tiếp và tự kiểm tra báo cáo kết quả.
Qua kiểm tra cho thấy, các Cấp uỷ Đảng trong Ngành đã triển khai kịp thời, nghiêm túc các văn bản của Trung ương, Tỉnh uỷ và Ban chỉ đạo cuộc vận động các cấp.
Công tác sơ kết, tổng kết thực hiện cuộc vận động đã được Viện kiểm sát nhân dân hai cấp thực hiện đúng chỉ đạo của các Ban chỉ đạo thực hiện cuộc vận động ở Trung ương và địa phương.
Từ quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, kinh nghiệm trong thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"
Sự gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý có tác động mạnh mẽ đến cán bộ, Kiểm sát viên trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; do đó, muốn cuộc vận động đạt kết quả cao, trước hết Lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo đảng cũng như các đoàn thể phải gương mẫu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Ban chỉ đạo phải luôn bám sát mục tiêu, vận dụng điều kiện cụ thể của cơ quan trong từng giai đoạn để vừa tổ chức học tập vừa tổ chức cho cán bộ, Kiểm sát viên làm theo gắn với việc làm cụ thể của từng cá nhân để làm căn cứ nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện cho từng đồng chí.
Định kỳ sơ kết để khen thưởng, biểu dương các cá nhân, tập thể có thành tích tốt và đề ra giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Các cuộc vận động, phong trào thi đua cần được lồng ghép hợp lý để cùng thực hiện sẽ đạt hiệu quả cao hơn, như thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Quy định số 169 về “Bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi” và thực hiện công tác quản lý giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cán bộ Kiểm sát làm theo lời Bác Hồ dạy “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, diễn biến tư tưởng của cán bộ, Kiểm sát viên trong quá trình tổ chức thực hiện để động viên, uốn nắn hợp lý.
Tăng cường đoàn kết thống nhất giữa đảng viên với công chức, viên chức ngoài đảng trong nội bộ cơ quan, đơn vị tạo sự đồng thuận chung sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu, có tác động tích cực, mạnh mẽ đối với mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Thứ hai, kinh nghiệm trong thực hiện Quy định số 169 về “Bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi”
Việc bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi phải được tổ chức thực hiện thành phong trào thi đua thường xuyên để từng Kiểm sát viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để việc bồi dưỡng, tuyển chọn có hiệu quả, từng đơn vị phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, giao nhiệm vụ, kiểm tra nghiệp vụ trong thực tiễn đối với từng Kiểm sát viên.
Thực tế cho thấy, các Kiểm sát viên giỏi phần lớn công tác ở khâu thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự; mặt khác, các Viện kiểm sát cấp huyện đã được tăng thẩm quyền giải quyết hầu hết các vụ án hình sự (ở cấp tỉnh số lượng vụ án còn ít), do đó, Hội đồng tuyển chọn nên bố trí thành viên có nhiều đồng chí làm khâu hình sự, Viện trưởng cấp huyện sẽ tuyển chọn thuận lợi, dễ dàng hơn.
Để tuyển chọn được những Kiểm sát viên giỏi thật sự, trong quá trình tuyển chọn cần gắn kết các tiêu chuẩn tuyển chọn theo quy định với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và rèn luyện phẩm chất đạo đức cán bộ Kiểm sát làm theo lời Bác Hồ dạy “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Thứ ba, kinh nghiệm và giải pháp trong công tác tuyên truyền
Động viên cán bộ, Kiểm sát viên không ngừng học hỏi, rèn luyện nghiệp vụ công tác tuyên truyền. Thường xuyên triển khai, phổ biến những kinh nghiệm, cách thức tuyên truyền có hiệu quả trong và ngoài Ngành để cán bộ, công chức học tập, làm theo.
Phát động toàn thể cán bộ, công chức tích cực viết bài, đưa tin, nhiệt tình tham gia các hoạt động thông tin, tuyên truyền. Trong đó có kế hoạch tuyên truyền với nội dung trọng tâm về thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, về “Bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi” và thực hiện công tác quản lý giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cán bộ Kiểm sát làm theo lời Bác Hồ dạy “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Hình thức tuyên truyền phải phong phú, đa dạng như sao gửi tài liệu để nghiên cứu, thông qua những buổi sinh hoạt tập thể vào sáng thứ hai hàng tuần, họp giao ban, hội nghị triển khai, viết bài, đưa tin trên các phương tiện truyền thông trong Ngành, ở địa phương.
Phân công những đồng chí có uy tín, năng khiếu tuyên truyền hiệu quả sẽ cao hơn. Trong thực hiện có kiểm tra biểu dương, khen thưởng và nhắc nhở, rút kinh nghiệm kịp thời
Nội dung tuyên truyền phải chọn lọc, có liên hệ với thực tế công tác của Ngành, địa phương, đơn vị để gần gũi, dễ tiếp thu.
Để thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với "Bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi" trong ngành Kiểm sát nhân dân đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn nữa, Viện kiểm sát tỉnh Tiền Giang đề nghị cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, thông báo những địa phương, đơn vị làm tốt, chưa tốt. Tạo điều kiện cho các địa phương gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, cũng như những khó khăn, vướng mắc và biện pháp khắc phục trong quá trình thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Quy định số 169 về “Bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi” và thực hiện công tác quản lý giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cán bộ Kiểm sát làm theo lời Bác Hồ dạy “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Hai là, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần quy định rõ việc tổ chức Hội nghị Kiểm sát viên giỏi (hoặc Kiểm sát viên tiêu biểu) trên quy mô toàn quốc là 03 năm hoặc 05 năm 01 lần. Các đại biểu dự hội nghị toàn quốc được lựa chọn trong số Kiểm sát viên giỏi (hoặc Kiểm sát viên tiêu biểu) ở từng địa phương được tuyển chọn đúng theo qui trình cũng với thời gian tương ứng là 03 năm hoặc 05 năm 01 lần. Đồng thời, quy định đây là một trong những chỉ tiêu bắt buộc trong kế hoạch công tác hàng năm của các Viện kiểm sát địa phương phải thực hiện (hiện tại theo Quy định số 169 thì việc tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi được thực hiện thường xuyên hàng năm; chưa quy định là nhiệm vụ bắt buộc để các địa phương tuyển chọn và tham dự Hội nghị toàn quốc theo định kỳ). Đồng thời, cần quy định mở rộng đối tượng là cán bộ, Kiểm sát giỏi để thu hút được sự tham gia của toàn thể cán bộ, công chức ở tất cả các lĩnh vực công tác trong Ngành.
Ba là, đối với công tác tuyên truyền, Tạp chí Kiểm sát cần thường xuyên có kế hoạch tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền trong toàn Ngành, trong đó phân công rõ trách nhiệm của các Viện kiểm sát địa phương, nội dung và biện pháp thực hiện. Tập trung tuyên truyền về thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, về “Bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi” và thực hiện công tác quản lý giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cán bộ Kiểm sát làm theo lời Bác Hồ dạy “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tạp chí Kiểm sát hàng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác thông tin, tuyên truyền cho cán bộ, công chức trong Ngành./.