CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Ngành Kiểm sát tỉnh Đồng Tháp thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"

18/05/2012
Cỡ chữ:   Tương phản

Ngành Kiểm sát tỉnh Đồng Tháp thực hiện tốt cuộc vận động
"Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"
 
Theo Báo cáo tổng kết số 122/BC-VKS ngày 01/9/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp về kết quả thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với việc thực hiện Quy định về “Bồi dưỡng và tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi” tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp từ năm 2007 - 2011. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dụng để bạn đọc cùng tham khảo.
Thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong ngành Kiểm sát nhân dân; Chỉ thị số 03/CT-VKSTC-V9 ngày 16/4/2007, của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức quán triệt sâu sắc nội dung, mục đích, yêu cầu và ý nghĩa của Chỉ thị. Lãnh đạo Viện đã phối hợp với Đảng uỷ tổ chức tốt các đợt học tập theo các chuyên đề "Hồ Chí Minh - chân dung một con người"; "Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và giới thiệu tác phẩm sửa đổi lối làm việc"; "Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân"; "Xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh là đạo đức, là văn minh". Sau đợt học tập, Đảng ủy đã phối hợp với Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh xây dựng báo cáo đánh giá tình hình đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và xây dựng chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên trong ngành Kiểm sát tỉnh Đồng Tháp. Toàn thể cán bộ, đảng viên tham gia viết bản thu hoạch về nhận thức, kiểm điểm bản thân trong thời gian qua, viết bản đăng ký cá nhân về những việc làm cụ thể thiết thực, hướng rèn luyện phấn đấu trong thời gian tới, quyết tâm thực hiện nghiêm túc lời dạy của Bác đối với cán bộ, công chức ngành Kiểm sát: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn".
Lãnh đạo Viện, Đảng ủy, các tổ chức đoàn thể trong cơ quan thường xuyên phối hợp trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường công tác quản lý, rèn luyện đạo đức phẩm chất đối với cán bộ, đảng viên thông qua các hội nghị, toạ đàm và các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng trong cán bộ, đảng viên... Từ đó, giúp cho cán bộ, đảng viên ý thức hơn về trách nhiệm của mình trước Đảng và nhân dân, quyết tâm làm việc theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn".
Song song với việc tổ chức thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Lãnh đạo Viện kiểm sát tỉnh còn tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định số 169/QĐ-VKSTC-V9 ngày 10/8/2007 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc ban hành bản quy định tạm thời về điều kiện, tiêu chuẩn và quy trình tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi ngành Kiểm sát nhân dân. Cụ thể, Viện kiểm sát tỉnh đã tổ chức Hội thi Kiểm sát viên giỏi trong toàn tỉnh, kết quả tuyển chọn được 10 Kiểm sát viên giỏi ở Viện kiểm sát hai cấp (tỉnh là 06; huyện là 04); thường xuyên phối hợp với Toà án hai cấp tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm, nhằm biểu dương, khen thưởng các Kiểm sát viên giỏi.
Qua quá trình triển khai thực hiện theo cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với "Bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi", Viện kiểm sát tỉnh Đồng Tháp rút ra bài học kinh nghiệm sau:
Một là, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Đảng uỷ, Lãnh đạo các Phòng chuyên môn và các tổ chức đoàn thể trong đơn vị; chuẩn bị nội dung chi tiết, phân công báo cáo viên thực sự có năng lực, chọn thời gian phù hợp... mới đạt được hiệu quả cao.
Hai là, phát động phong trào thi đua trong toàn ngành Kiểm sát tỉnh Đồng Tháp về thực hiện các nội dung của cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, những nhân tố điển hình tiên tiến, biểu dương người tốt, việc tốt để nhân rộng trong toàn Ngành.
Ba là, thường xuyên kiểm ra, giám sát kế hoạch thực hiện cuộc vận động ở các chi bộ, tổ chức đoàn thể, kịp thời uốn nắn những lệch lạc.
Bốn là, công tác đánh giá cán bộ phải được thực hiện định kỳ, nghiêm túc, trung thực, đặc biệt đối với đội ngũ Kiểm sát viên, nhằm nắm được những ưu điểm, hạn chế, từ đó tìm cách bồi dưỡng thích hợp để từng bước hoàn thiện.
Năm là, Lãnh đạo Viện kiểm sát tỉnh phải chủ động thực hiện và yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ như: Công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, điều động... để các Kiểm sát viên tiếp cận thực tế một cách toàn diện hơn, công việc phong phú, đa dạng, không chủ quan, ỷ lại. Qua đó, đòi hỏi Kiểm sát viên phải tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, phải đào sâu suy nghĩ mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Sáu là, việc bồi dưỡng Kiểm sát viên giỏi phải thông qua nhiều hình thức khác nhau gắn chặt với quá trình công tác của từng Kiểm sát viên mà bồi dưỡng cho phù hợp./. 

Tìm kiếm