CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VTHQCT và KSXX phúc thẩm tại Đà Nẵng kiến nghị khắc phục vi phạm trong việc giải quyết các vụ án dân sự - Kinh doanh - Thương mại

21/05/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung một số kiến nghị khắc phục vi phạm trong giải quyết các vụ án Dân sự - Kinh doanh – Thương mại của Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵngđể bạn đọc tham khảo...
VTHQCT và KSXX phúc thẩm tại Đà Nẵng kiến nghị khắc phục
vi phạm trong việc giải quyết các vụ án dân sự - Kinh doanh - Thương mại 
Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng nội dung một số kiến nghị khắc phục vi phạm trong giải quyết các vụ án Dân sự - Kinh doanh – Thương mại của Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵngđể bạn đọc tham khảo.
1. Ngày 21/02/2012, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng đã ban hành văn bản Kiến nghị số 58/KN-VPT2 yêu cầu kiểm tra khắc phục vi phạm và rút kinh nghiệm trong quá trình giải quyết vụ án kinh doanh thương mại "tranh chấp hợp đồng tín dụng" giữa nguyên đơn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh Chợ Xóm Mới và bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Hải I, trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã vi phạm trong việc thay đổi Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án, thể hiện như sau: Ngày 30/8/2011, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa ra quyết định đưa vụ án kinh doanh thương mại về việc "tranh chấp hợp đồng tín dụng" nói trên ra xét xử. Nội dung quyết định thể hiện những người tiến hành tố tụng gồm: Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa là ông Trần Hữu Viên và 02 Hội thẩm nhân dân là ông Ngo Anh Vân và ông Trần Hữu Lý.
Tại biên bản hội ý và quyết định hoãn phiên tòa ngày 14/9/2011, Hội đồng xét xử gồm 03 thành viên nêu trên.
Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 24/2011/KDTM-ST ngày 19/9/2011 và biên bản nghị án, biên bản phiên tòa, Hội đồng xét xử gồm có: Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa và 02 Hội thẩm nhân dân là ông Ngô Anh Vân và ông Trần Xuân Tây.
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì: "Trước khi mở phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án do Chánh án Tòa án quyết định..." (khoản 1). "Tại phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên do Hội đồng xét xử quyết định... Trong trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa. Việc cử Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án thay thế người bị thay đổi do Chánh án Tòa án quyết định..." (khoản 2).
Như vậy, việc ông Trần Xuân Tây thay ông Trần Hữu Lý tham gia xét xử vụ án kinh doanh thương mại nêu trên không có quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa là vi phạm Điều 51 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Ngoài ra, trong hồ sơ vụ án không có quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa phân công Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Thư ký Tòa án theo quy định tại Điều 40 của Bộ luật Tố tụng dân sự./.
2. Ngày 14/3/2012, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng đã ban hành Kiến nghị số 92/KN-VPT2 khắc phục vi phạm trong giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về "tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng vốn" giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần xây lắp An Nhơn; địa chỉ: Quốc lộ 1A, Tân An, thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định và bị đơn là Công ty cổ phần sản dịch vụ khoa học kỹ thuật SCITECHIMEX; địa chỉ: Số 1 Mạc Đĩnh Chi, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Vi phạm về thời hạn tố tụng: Vụ án kinh doanh thương mại nêu trên được thụ lý ngày 01/10/2010 nhưng đến ngày 15/9/2011, Tòa án nhân dân tỉnh mới ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử (11 tháng 14 ngày).
Theo quy định tại Điều 179 của BLTTDS thì "Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án được quy định như sau:
a. Đối với cácvụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 Bộ luật này, thời hạn là bốn tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
b. Đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31 của Bộ luật này, thời hạn là hai tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a và một tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này".
Đối chiếu với quy định của BLTTDS thì tranh chấp về kinh doanh thương mại được quy định tại Điều 29 của BLTTDS có thời hạn chuẩn bị xét xử là 2 tháng (được gia hạn 1 tháng). Như vậy, Tòa án đã không thực hiện đúng về thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định của BLTTDS đã viện dẫn trên.
Không xác định đúng yêu cầu của đương sự: Tại phần quyết định của Bản án số 53/2011/KDTM-ST ngày 24/10/2011 có đoạn: "Không chấp nhận phản tố của Công ty liên doanh thép Việt Hàn yêu cầu nguyên đơn Công ty cổ phần xây lắp An Nhơn phải bồi thường số tiền 25.172.096.502đ".
Trong vụ án này, Công ty liên doanh thép Việt Hàn tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chứ không phải là bị đơn, nên yêu cầu của Công ty liên doanh thép Việt Hàn đối với Công ty cổ phẩn xây lắp An Nhơn không phải là "phản tố" mà là "yêu cầu độc lập".
Theo quy định tại Điều 176 của BLTTDS thì "Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố...".
Điều 177 của BLTTDS quy định: "Trong trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc bị đơn thì họ có quyền yêu cầu độc lập...".
Theo các quy định trên thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có quyền phản tố, do vậy, việc quyết định "không chấp nhận phản tố của Công ty liên doanh thép Việt Hàn" nêu trên là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Vi phạm trong việc ban hành thông báo kháng cáo, kháng nghị:Trong Thông báo về việc kháng cáo số 311/TBKC-TA ngày 02/11/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định có nội dung: "Ngày 18/11/2011 Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định nhận được kháng cáo của...". Qua kiểm sát hồ sơ vụ án thấy:
Ngày 02/11/2011, Công ty liên doanh thép Việt Hàn và Công ty SCITECHIMEX kháng cáo.
Ngày 16/11/2011, hai Công ty trên có kháng cáo bổ sung.
Việc Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định ban hành Thông báo kháng cáo ngày 02/11/2011 nhưng lại thông báo nội dung kháng cáo nhận được ngày 18/11/2011 (sau đó 16 ngày) là không đúng với diễn biến của việc kháng cáo, không phù hợp với quy định tại Điều 249 của BLTTDS: "Sau khi chấp nhận kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có liên quan đến kháng cáo biết về việc kháng cáo".
Vi phạm trong việc gửi hồ sơ: Theo quy định tại Điều 255 của BLTTDS thì: "Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và các tài liệu chứng cứ kèm theo cho Tòa án cấp phúc thẩm trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày:
1. Hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị, nếu người kháng cáo không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm;
2. Người kháng cáo nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm".
Theo Thông báo nộp tiền án phí phúc thẩm số 302/TB-TA ngày 28/11/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định, ngày 01/12/2011, Công ty liên doanh Việt Hàn và Công ty SCITECHIMEX đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm (biên lai số 004575 và 004576).
Như vậy, trừ các ngày nghỉ thì hạn cuối Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định phải gửi hồ sơ cho Tòa án cấp phúc thẩm là 08/12/2011 nhưng mãi đến ngày 23/02/2012 Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định mới gửi hồ sơ cho Tòa án cấp phúc thẩm, chậm 75 ngày.
3. Ngày 30/3/2012, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng đã ban hành Kiến nghị số 132/2012/KN-VPT2 kiến nghị khắc phục vi phạm trong giải quyết vụ án dân sự "đòi tài sản" giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Mại, địa chỉ số 11 Panorama Hill View NW Calgary Alberta Canada, ủy quyền bà Hà Christine tham gia tố tụng (theo giấy ủy quyền lập ngày 12/11/2010) và bị đơn là bà Trần Thị Kim Liên, địa chỉ số 06B Hồng Lĩnh, Phước Hòa, Nha Trang, Khánh Hòa; bà Lê Thị Thu Thủy, ông Trần Minh Tân ở địa chỉ số 99 Trịnh Phong, Tân Lập, Nha Trang, Khánh Hòa, đại diện ủy quyền bà Trần Thị Minh Ngọc tham gia tố tụng (theo ủy quyền lập ngày 26/11/2010).
Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng thấy trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án có một số vi phạm như sau:
Vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử: Vụ án được thụ lý ngày 15/11/2010 nhưng đến ngày 11/8/2011 mới được Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 28 ngày 01/8/2011 (9 tháng) là quá thời hạn nhưng không có quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Điều 179 của BLTTDS quy định: " Thời hạn chuẩn bị xét xử
1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án được quy định như sau:
a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này, thời hạn là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;
b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31 của Bộ luật này, thời hạn là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a và một tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này" và vi phạm mục 1 phần II Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Vi phạm về thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm:Ngày 25/11/2011, các bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (6 người) gửi đơn kháng cáo bản án sơ thẩm số 01 ngày 16/11/2011, sau khi kiểm tra thay vì ban hành Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì Thẩm phán ban hành 6 bản Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm (từ số 861 đến số 866 cùng ngày 30/11/2011). Căn cứ vào các thông báo này, cùng ngày Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa đã thu tiền tạm ứng án phí sơ thẩm của 6 người có đơn kháng cáo nêu trên.
Điều 248 của BLTTDS quy định: "Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.
1. Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật, nếu họ không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí phúc thẩm".
Vi phạm về thời hạn gửi hồ sơ: Bản án sơ thẩm số 01/2011/DS-ST ngày 16/11/2011 bị kháng cáo, bà Hà Christine người kháng cáo sau cùng vào ngày 22/12/2011 (Tòa án nhận biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 23/12/2011), nhưng đến ngày 5/3/2012 Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa mới gửi hồ sơ đến Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng, quá thời hạn 69 ngày (kể từ ngày nhận biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm).
Tại Điều 255 của BLTTDS quy định về "Gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị.
Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Tòa án cấp phúc thẩm trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày:
1. Hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị, nếu người kháng cáo không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm;
2. Người kháng cáo nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm".
4. Ngày 17/4/2012, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng đã ban hành Kiến nghị số 163/KN-VPT2 kiến nghị khắc phục vi phạm trong tố tụng dân sự:
Vụ án dân sự thụ lý số 04/2011/TLST-DS ngày 11//5/2011 về việc "tranh chấp bồi thường thiệt hại" giữa các đương sự:Nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Minh và bà Hoàng Thị Bé, cùng trú tại địa chỉ số 25/3 Lý Nam Đế, phường An Hòa, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế và bị đơn là ông Hoàng Quang Hiếu và bà Nguyễn Thị Vân, cùng trú tại địa chỉ ở khóm Vĩnh Bắc, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Quá trình thụ lý giải quyết vụ án nêu trên của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử, thể hiện như sau:
Vụ án "Tranh chấp bồi thường thiệt hại" thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 6 Điều 25 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Vụ án được thụ lý ngày 11/5/2010; Quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 14/4/2011; mở phiên tòa sơ thẩm ngày 09/8/2011. Như vậy, thời hạn đưa vụ án ra xét xử kể từ ngày thụ lý vụ án là 11 tháng 03 ngày; thời hạn mở phiên tòa kể từ ngày quyết định đưa vụ án ra xét xử là 3 tháng 25 ngày.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 179 của Bộ luật Tố tụng dân sự và tiểu mục 1 phần II Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần "Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm" của Bộ luật Tố tụng dân sự thì: Nếu phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử thì thời hạn chuẩn bị xét xử kể từ ngày Tòa án thụ lý vụ án tối đa là 06 tháng đối với các vụ án quy định tại Điều 25 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Căn cứ quy định này, đối chiếu với ngày đưa vụ án ra xét xử nêu trên, thì quá thời hạn quy định là 5 tháng 03 ngày.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 179 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì: Trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng. Căn cứ quy định này, đối chiếu với ngày mở phiên tòa sơ thẩm nêu trên thì quá thời hạn quy định là 01 tháng 25 ngày.
Vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 21/2011/TLST-KDTM ngày 01/7/2011 về việc "Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh" giữa các đương sự: Nguyên đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng Thanh Bình, địa chỉ tại đường Hùng Vương, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đại diện theo pháp luật của nguyên đơn ông Nguyễn Thanh Bình là giám đốc và bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hồng Ngọc Hà, địa chỉ tại số 18 Nguyễn Khuyến, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, đại diện theo pháp luật của bị đơn ông Phạm Thái Hồng là giám đốc.
Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2011/KDTM ngày 07/10/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã có vi phạm, thiếu sót như sau:
Trong phần nhận thấy của bản án thể hiện: "Tại phiên tòa nguyên đơn rút phần yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền 158.211.000 đồng và yêu cầu tuyên bố hủy bỏ hợp đồng vì thực tế 2 bên đã chấm dứt hợp đồng".
Trong phần xét thấy của bản án thể hiện: "Tại phiên tòa, nguyên đơn rút yêu cầu buộc bị đơn phải bồi thường khoản tiền 158.211.000 đồng. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192; Điều 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử đối với yêu cầu này của nguyên đơn".
Tuy nhiên, trong phần quyết định của bản án chỉ áp dụng Điều 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự mà không áp dụng điểm c khoản 1 Điều 192; khoản 2 Điều 193 của Bộ luật Tố tụng dân sự để làm căn cứ cho việc đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của nguyên đơn đòi bồi thường số tiền là 158.211.000 đồng và sung công quỹ nhà nước số tiền tạm ứng án phí 3.960.000 đồng của nguyên đơn.
Việc Hội đồng xét xử sơ thẩm không ghi áp dụng điểm c khoản 1 Điều 192; khoản 2 Điều 193 của Bộ luật Tố tụng dân sự như đã nêu trên là thực hiện không đúng mẫu bản án sơ thẩm ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo hướng dẫn thì trong phần quyết định của bản án sơ thẩm phải "Ghi áp dụng điểm, khoản, điều luật của văn bản quy phạm pháp luật mà Tòa án căn cứ để ra quyết định"./. 
Tìm kiếm