CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác kiểm sát thi hành án hình sự ở VKSND tỉnh Nghệ An

15/01/2014
Cỡ chữ:   Tương phản
Nghệ An hàng năm, số vụ án hình sự khởi tố hơn 2500 vụ 5300 bị can; có 02 trại giam, 01 trại tạm giam (số người phải THAHS tại ba trại là gần 9.200 người) và 20 nhà tạm giữ. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 Quốc hội; căn cứ Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/01/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao...

Một số giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác kiểm sát thi hành án hình sự ở VKSND tỉnh Nghệ An

 

Nghệ An hàng năm, số vụ án hình sự khởi tố hơn 2500 vụ 5300 bị can; có 02 trại giam, 01 trại tạm giam (số người phải THAHS tại ba trại là gần 9.200 người) và 20 nhà tạm giữ. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 Quốc hội; căn cứ Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/01/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao; Chương trình công tác của Vụ nghiệp vụ năm 2013 và yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương, đơn vị đã xây dựng Kế hoạch công tác đúng trọng tâm với các biện pháp kiểm sát toàn diện, chỉ tiêu cụ thể.

Xác định công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự là khâu công tác quan trọng trong nhiệm vụ Kiểm sát các hoạt động tư pháp, đòi hỏi phải nhận thức đầy đủ nhiệm vụ của khâu công tác và có sự đầu tư đúng mức trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo VKSND tỉnh đã quan tâm, củng cố kiện toàn Phòng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù (phòng 4) lên 08 người, trong đó có 05 Kiểm sát viên trung cấp và bộ phận nghiệp vụ ở VKSND cấp huyện sắp xếp, bố trí lại cán bộ, Kiểm sát viên. Đặc biệt, là tăng cường công tác chỉ đạo của lãnh đạo VKSND Tỉnh và của lãnh đạo các VKSND cấp huyện cho khâu công tác này. VKSND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo hướng dẫn cấp huyện theo tinh thần "hướng về cơ sở". Thực hiện các biện pháp để nâng cao việc chấp hành chế độ báo cáo thống kê của các đơn vị, tăng cường ý thức trách nhiệm thực thi công vụ, bản lĩnh nghề nghiệp của cán bộ, Kiểm sát viên ở khâu công tác này.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát Thi hành án phạt tù, thì trước hết phải đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn cấp huyện, cụ thể: đã chỉ đạo cả 2 cấp kiểm sát thụ lý, nắm vững số bị án phải thi hành. Đối với các trường hợp hoãn Thi hành án, phải lập hồ sơ, kiểm sát chặt chẽ, Phòng 4 và các Viện kiểm sát cấp huyện lập bảng biểu thống kê, báo cáo từng trường hợp hoãn. Theo đó, có yêu cầu nêu rõ lý do hoãn, quan điểm của Viện kiểm sát cấp huyện về từng trường hợp hoãn đúng, sai. Trường hợp hoãn không đúng quy định của pháp luật thì Viện kiểm sát cấp huyện đã có những biện pháp tác nghiệp gì.

Phòng 4 phân công Kiểm sát viên chuyên trách theo dõi, tổng hợp. Khi cần thì yêu cầu cấp huyện chuyển hồ sơ để nghiên cứu. Thực tế qua công tác kiểm sát đã phát hiện một số trường hợp có lý do hoãn không đúng pháp luật, như: Có vợ hoặc chồng đi lao động ở nước ngoài, nhưng lý do hoãn là "lao động duy nhất"; một số trường hợp cho hoãn với lý do "bị bệnh nặng" nhưng không đúng quy định của pháp luật. Đối với các trường hợp hoãn vì lý do "lao phổi độ 4 kháng thuốc", docác bệnh viện tuyến tỉnh ở Nghệ an Kết luận là trái với quy định của ngành Y tế được hướng dẫn tại Công văn số 1590/BVPTU-CTCLQG ngày 04/12/2012 của Bệnh viện Phổi trung ương. Sau khi xác minh tại bệnh viện, đã phát hiện một số bệnh án được làm giả. Với các lý do hoãn không đúng nêu trên, năm 2013 Viện kiểm sát đã kháng nghị 19 Quyết định hoãn Thi hành án (tăng 10 bản so với năm 2012), yêu cầu Tòa án hủy Quyết định hoãn Thi hành án. Tất cả các bản kháng nghị có căn cứ, đều được Tòa án chấp nhận. Vì vậy, cuối năm 2012 có 295 trường hợp hoãn Thi hành án nhưng đến cuối năm 2013 chỉ còn 97 trường hợp. Đối với những trường hợp bệnh án mà người phải Thi hành án cung cấp làm giả, Viện kiểm sát Thành phố Vinh đã trực tiếp khởi tố 3 vụ án hình sự về "tội giả mạo giấy tờ, con dấu cơ quan, tổ chức" yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra.

Từ những biện pháp đổi mới, kết quả, kinh nghiệm công tác như trên, Phòng 4 đã ban hành 9 văn bản thông báo, rút kinh nghiệm, nhân rộng cho các đơn vị cấp huyện khác để học tập.

Đối với công tác kiểm sát đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù: Lãnh đạo VKSND tỉnh yêu cầu phòng nghiệp vụ nghiên cứu hồ sơ cải tạo, xếp loại của phạm nhân; hồ sơ xử lý vi phạm Nội quy trại giam, vi phạm kỷ luật, từ đó đối chiếu rà soát những trường hợp đề nghị xét giảm. Nếu không đủ điều kiện xét giảm thì đề nghị Tòa án không xét giảm. Trong năm, Viện kiểm sát đã không đề nghị xét giảm hoặc hạ mức giảm hình phạt là 56 trường hợp, được Hội đồng xét giảm chấp nhận.

Đối với công tác kiểm sát tạm đình chỉ, miễn THA phạt tù: Viện kiểm sát đã yêu cầu các trại giam khi lập hồ sơ đề nghị Tạm đình chỉ Thi hành án cho các phạm nhân phải chặt chẽ, đủ điều kiện theo đúng quy định pháp luật. Sau khi lập hồ sơ, phải kịp thời gửi cho Viện kiểm sát để tiến hành kiểm sát. Nếu xét thấy cần thiết, đơn vị cử Kiểm sát viên tiến hành xác minh về tình trạng sức khỏe, bệnh án của phạm nhân tại bệnh viện. Trên cơ sở kiểm tra, thẩm định chặt chẽ, Viện kiểm sát mới có ý kiến bằng văn bản gửi Tòa án về việc đủ điều kiện hay không đủ điều kiện tạm đình chỉ thi hành án. Hàng tháng, đơn vị tiến hành đối chiếu rà soát với Toà án để yêu cầu Toà án ra Quyết định thi hành án đối với những trường hợp hết thời hạn tạm đình chỉ.

Đối với các hồ sơ xin miễn hình phạt do Tòa án chuyển đến, sau khi thụ lý đã phân công Kiểm sát viên nghiên cứu; tiến hành xác minh về lý do, điều kiện xin miễn hình phạt. Qua công tác xác minh, đã phát hiện 2 hồ sơ không đủ điều kiện miễn. Viện kiểm sát đã có Công văn không đồng ý việc miễn hình phạt. Vì vậy, các trường hợp được miễn hình phạt hoặc không được miễn hình phạt đều đúng quy định của pháp luật, không có khiếu nại.

Ngoài những cuộc kiểm sát theo định kỳ, đơn vị còn chú ý nắm thông tin qua đơn thư khiếu nại tố cáo, gặp gỡ trực tiếp người bị giam, giữ; từ các phạm nhân tốt và một số cán bộ chiến sỹ cung cấp thông tin việc làm sai phạm của phạm nhân và một số cán bộ. Từ đó, kịp thời phối hợp tốt với Ban giám thị của các trại giam, trại tạm giam để phát hiện, làm rõ vi phạm giải quyết dứt điểm những sai phạm (được Ban giám thị và hầu hết cán bộ chiến sỹ các trại giam, trại tạm giam đồng tình ủng hộ cao). Ngoài ra, đơn vị đã kiểm sát những hồ sơ xử lý kỷ luật phạm nhân vi phạm kỷ luật của các trại giam, trại tạm giam. Từ đó, phát hiện một số hành vi phạm tội, nhưng vì các lý do khác nhau, Ban giám thị đã không khởi tố vụ án, khởi tố bị can, mà xử lý vi phạm kỷ luật Nội quy Trại giam. Qua công tác kiểm sát trực tiếp, năm 2012, Viện kiểm sát đã kháng nghị chuyển xử lý hình sự 2 vụ, năm 2013 kháng nghị chuyển xử lý hình sự 01 vụ do đánh nhau trong Trại giam.

Cũng qua trực tiếp kiểm sát, năm 2013, Viện kiểm sát đã phát hiện 05 trường hợp đã chấp hành xong thời hạn bản án đã tuyên nhưng án chưa có hiệu lực pháp luật. Căn cứ khoản 1 điều 28 Luật tổ chức VKSND và khoản 3 điều 141 Luật thi hành án hình sự, Viện kiểm sát đã ra 5 Quyết định trả tự do.

Thông qua công tác kiểm sát Thi hành án hình sự, VKSND tỉnh Nghệ An rút ra một số kinh nghiệm sau:

Công tác Thi hành án hình sự là hoạt động tư pháp khá rộng lớn, với nhiều loại hoạt động khác nhau và với địa bàn rộng, số lượng người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án lớn (hơn 10 ngìn người) như ở Nghệ An, thì các tồn tại, vi phạm pháp luật xẩy ra còn nhiều trên mọi hoạt động của khâu công tác này. Tuy nhiên, để phát hiện được nhiều vi phạm đòi hỏi cán bộ, Kiểm sát viên phải có năng lực nghiệp vụ, kinh nghiệm khâu công tác. Biết sử dụng, phát huy nhiều kênh thông tin từ trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; từ người bị giam, giữ, Thi hành án và từ cán bộ. Do vậy, Kiểm sát viên khi làm việc phải sâu sát, gặp hỏi nhiều để có thông tin.

 Đối với các trường hợp áp dụng pháp luật trong việc giảm, hoãn, miễn thi hành án thì cần kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn thực tế, đối chiếu với quy định của pháp luật từng trường hợp để kiểm sát chặt chẽ. Đối với kháng nghị, kiến nghị hoặc quyết định việc áp dụng phát luật của Viện kiểm sát, khi kháng nghị việc hoãn, miễn Thi hành án, ra quyết định trả tự do thì phải xác minh đảm bảo có căn, áp dụng đúng pháp luật.

Công tác quản lý, chỉ đạo đối với các nhiệm vụ kiểm sát tư pháp này cần thực sự chú ý, tăng cường và đổi mới. Nhiều Viện kiểm sát cấp huyện còn giao khoán cho Kiểm sát viên hoặc chỉ nghe báo cáo và chỉ đạo không sâu sát là không đáp ứng yêu cầu. Vì các lý do khác nhau, việc cho hoãn Thi hành án phạt tù không đúng còn nhiều, nên Viện kiểm sát cần có nhiều biện pháp để kiểm sát chặt hơn nữa.

Trong điều kiện cán bộ, Kiểm sát viên nhìn chung còn thiếu, nhưng cũng cần quan tâm, bố trí, sắp xếp Kiểm sát viên, cán bộ làm công tác này phải ổn định, yên tâm công tác. Việc sắp xếp, kiện toàn phải có tính kế thừa. Ở đâu chất lượng cán bộ còn yếu thì lại càng tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo sâu sát.

Lãnh đạo, phòng nghiệp vụ VKSND tỉnh luôn nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, hướng dẫn và trả lời thỉnh thị, thông báo rút kinh nghiệm đối với VKSND cấp huyện.

Một số kiến nghị đề xuất của VKSND tỉnh Nghệ An:

Hiện nay, quy định việc chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát trong các trường hợp: hoãn Thi hành án phạt tù, tạm đình chỉ Thi hành án phạt tù, giảm án, đặc xá, các văn bản liên quan đều chưa có quy định cụ thể, nên cần có rà soát để bổ sung.

Việc ra Quyết định áp giải và quy trình thủ tục việc áp giải người phải Thi hành án phạt tù theo quy định tại điều 22 Luật thi hành án hình sự vẫn chưa được Bộ Công an ban hành gây hạn chế đến hoạt động công tác này. Cần kiến nghị để Bộ Công an sớm ban hành.

Luật thi hành án hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011, đến nay bộc lộ nhiều hạn chế, như: trường hợp cho tạm hoãn Thi hành án, người được tạm hoãn về các địa phương, tỉnh, thành khác với nơi Trại giam đóng. Khi hết thời gian cho tạm hoãn, luật chưa quy định Cơ quan nào thực hiện áp giải người phải Thi hành án đến Trại giam để tiếp tục thi hành v.v.

Thông tư liên ngành số 02/TTLN ngày 15/5/2013 về hướng dẫn thi hành việc xét giảm án đối với phạm nhân, không quy định cụ thể khung mức giảm. Nên với mức giảm cao (mức từ 18 đến 36 tháng) thì việc áp dụng còn biểu hiện tùy tiện, không thống nhất giữ các cơ quan trại giam, Viện kiểm sát và Tòa án.                    

TH
Tìm kiếm