CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Triển khai và thực hiện tốt khâu công tác đột phá, góp phàn nâng cao chất lượng công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

12/01/2014
Cỡ chữ:   Tương phản
Trước các yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu công tác theo quy định của Nghị quyết 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc Hội, Chỉ thị công tác số 01/CT-VKSTC ngày 02/01/2013 và Kết luận của Viện trưởng VKSNDTC tại Hội nghị triển khai công tác năm 2013, tập thể lãnh đạo VKSND thành phố Hải Phòng đã có nhiều biện pháp đổi mới trong công tác quản lý chỉ đạo điều hành, xác định rõ khâu công tác đột phá cần tập trung thực hiện nhằm làm chuyển biến về chất các khâu công tác thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành, mà trọng tâm là những vấn đề tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong toàn ngành...

Triển khai và thực hiện tốt khâu công tác đột phá, góp phàn nâng cao chất lượng công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

 

Trước các yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu công tác theo quy định của Nghị quyết 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc Hội, Chỉ thị công tác số 01/CT-VKSTC ngày 02/01/2013 và Kết luận của Viện trưởng VKSNDTC tại Hội nghị triển khai công tác năm 2013, tập thể lãnh đạo VKSND thành phố Hải Phòng đã có nhiều biện pháp đổi mới trong công tác quản lý chỉ đạo điều hành, xác định rõ khâu công tác đột phá cần tập trung thực hiện nhằm làm chuyển biến về chất các khâu công tác thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành, mà trọng tâm là những vấn đề tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong toàn ngành.

Để thực hiện triển khai một cách cụ thể Kết luận của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Hội nghị triển khai công tác năm 2013: mỗi đơn vị, Viện kiểm sát địa phương cần chọn một nội dung đột phá để đăng ký tổ chức thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn ngành. Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đã tiến hành thảo luận và thống nhất xác định nội dung công tác đột phá để tập trung chỉ đạo là: Triển khai các biện pháp nhằm thực hiện hiệu quả cuộc vận động xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Trong đó chọn hai nội dung là “Kỷ cương”“Giỏi về nghiệp vụ” là hai nội dung chính để thực hiện trong năm 2013. Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân thành phố đã có Công văn số 09/BCS ngày 22/02/2013 báo cáo Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc đăng ký khâu đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện trong năm 2013.

Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân thành phố đã xây dựng Kế hoạch số 01/KH- BCSĐ ngày 06/3/2013 về việc triển khai các biện pháp thực hiện khâu đột phá năm 2013. Kế hoạch đã xác định rõ nội dung tiêu chí “Kỷ cương”“Giỏi về nghiệp vụ” hướng dẫn cụ thể từ việc triển khai đến việc đăng ký nội dung khâu đột phá của từng đơn vị và cá nhân.Sau khi có nhận được Kế hoạch số 01/KH- BCSĐ, tất cả các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng (gồm 15 Viện kiểm sát quận, huyện và 12 phòng nghiệp vụ) đều đã có bản đăng ký khâu đột phá của đơn vị mình, trong đó thể hiện nội dung đăng ký khâu đột phá của đơn vị và từng cá nhân (mỗi cá nhân đăng ký một nội dung cần thực hiện tốt theo chức trách nhiệm vụ được giao).

Để đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc khâu đột phá, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc để kiểm tra, đôn đốc từ quá trình triển khai đến việc đăng ký nội dung đối với từng đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện khâu đột phá của ngành. Kết quả việc thực hiện khâu đột phá của ngành Kiểm sát Hải Phòng đã đạt được những kết quả cụ thể như sau:

Ngay sau khi triển khai thực hiện khâu đột phá, Viện kiểm sát thành phố đã tiến hành kiện toàn tổ chức tất cả các Ban chỉ đạo của ngành Kiểm sát Hải Phòng, đồng thời đẩy mạnh hoạt động của các Ban chỉ đạo theo hướng phù hợp với tình hình mới nhằm tăng cường công tác hướng dẫn kiểm tra và công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện. Trong đó củng cố lại Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 04/2009/CT-VKSTC ngày 06/10/2009 của Viện trưởng VKSNDTC về việc chấp hành chế độ làm việc và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành Kiểm sát nhân dân.

Tổ chức rà soát sửa đổi hệ thống Quy chế làm việc của Ban Cán sự đảng, Ủy ban Kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân thành phố, các phòng nghiệp vụ và các Viện kiểm sát quận, huyện. Đến hết tháng 05/2013 toàn Ngành đã tiến hành sửa đổi xong hệ thống các Quy chế, góp phần tạo sự thống nhất trong hoạt động của bộ máy Viện kiểm sát hai cấp và kỷ cương trong toàn Ngành.

Để tăng cường công tác giám sát việc thực hiện nhiệm vụ và chấp hành các quy chế của Ngành, Viện kiểm sát nhân dân thành phố đã xây dựng Quy chế công tác thanh tra, kiểm tra trong ngành Kiểm sát Hải Phòng. Ban hành kế hoạch số 125/KH-VKS ngày 06/3/2013 về công tác thanh tra, kiểm tra của VKSND thành phố Hải Phòng năm 2013, trong đó có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp thanh tra, kiểm tra. Căn cứ vào tình hình hoạt động của từng đơn vị để tổ chức những đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo chuyên đề đối với những đơn vị còn có những hạn chế, yếu kém để tìm ra nguyên nhân, kịp thời khắc phục những hạn chế. Tổ chức phúc tra việc khắc phục những hạn chế, yếu kém của các đơn vị đã kết luận trong năm 2012, đã tiến hành 07 cuộc thanh tra theo kế hoạch về công tác quản lý chỉ đạo điều hành và thực hiện quy chế làm việc tại 07 VKS quận, huyện. Viện kiểm sát nhân dân thành phố đã tổ chức 46 đoàn kiểm tra, trong đó 23 đoàn kiểm tra kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2013, 23 đoàn kiểm tra kết quả công tác năm 2013 về các nội dung: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội; Chỉ thị số 01/CT-VKSTC của Viện trưởng VKSND tối cao; việc triển khai, thực hiện và tổng kết khâu đột phá; kết quả thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ, nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu nghiệp vụ, công tác chỉ đạo điều hành, công tác xây dựng Đảng, quan hệ với cấp ủy địa phương, công tác văn phòng, công tác thống kê ...

Đặc biệt, năm 2013, VKSND thành phố Hải Phòng đã đổi mới trong công tác kiểm tra, đó là: tổ chức kiểm tra chéo giữa các phòng nghiệp vụ với thành phần đoàn kiểm tra gồm 01 đồng chí lãnh đạo Viện kiểm sát thành phố làm Trưởng đoàn và thành viên đoàn là các đồng chỉ Ủy viên UBKS, lãnh đạo Văn phòng, Phòng TCCB... Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện các vi phạm, hạn chế trong công tác quản lý chỉ đạo, điều hành và công tác chuyên môn nghiệp vụ, đã ban hành kết luận yêu cầu các đơn vị có các biện pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế, yếu kém. 

Ban Cán sự đảng cũng đã triển khai các biện pháp khắc phục các hạn chế sau kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và tiếp tục chỉ đạo làm tốt hơn nữa việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị.

Các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân thành phố đều đã có các biện pháp cụ thể, phù hợp với từng đơn vị nhằm kiểm tra, đôn đốc cán bộ, công chức đơn vị mình thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định của ngành và của địa phương. Hầu hết các đơn vị đều thành lập tổ công tác nội vụ do 01 đồng chí lãnh đạo đơn vị làm tổ trưởng để theo dõi việc chấp hành kỷ cương tại đơn vị.

Kết quả triển khai và thực hiện tiêu kỷ cương cho thấy: Cán bộ, công chức toàn ngành đã có những chuyển biến tích cực về ý thức tổ chức kỷ luật, tuân thủ, chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và của ngành; thực hiện đúng thẩm quyền được giao, không lạm quyền hoặc trái công vụ. Kỷ luật nghiệp vụ được thực hiện tốt hơn, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên được nâng lên, hiệu quả công tác đạt được những kết quả tích cực. Cán bộ, đảng viên trong toàn ngành đều gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về những điều đảng viên không được làm. Cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị đã chăm lo nhiều hơn, thường xuyên hơn đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên đơn vị mình; chú trọng phát hiện và ngăn chặn những tác động chuyển hóa về mặt tư tưởng, xiết chặt kỷ luật trong hoạt động nghiệp vụ, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành.

Các cán bộ, Kiểm sát viên toàn ngành đều đăng ký phấn đấu giỏi trong từng lĩnh vực cụ thể theo chức trách nhiệm vụ được giao (kể cả công chức làm nghiệp vụ và công chức không làm nghiệp vụ). Đồng thời, lãnh đạo viện xác định công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng công tác, Viện kiểm sát nhân dân thành phố tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức tự đào tạo để xây dựng Kế hoạch và chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ năm 2013.

Viện kiểm sát nhân dân thành phố đã khai giảng và tổ chức 03 lớp học: Lớp thứ nhất: Rút kinh nghiệm công tác quản lý, chỉ đạo điều hành theo chương trình kế hoạch và Quy chế nghiệp vụ, Quy chế làm việc. Lớp thứ hai: Tập huấn về công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, đi sâu đào tạo về kỹ năng xây dựng hồ sơ kiểm sát trước, trong và sau phiên tòa dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại và những việc khác theo quy định của pháp luật; kỹ năng kiểm sát trong lĩnh vực khiếu tố, kiểm sát thi hành án dân sự, kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Lớp thứ ba: Lớp bồi dưỡng trong lĩnh vực hình sự tập trung vào Chuyên đề về quy trình hoạt động công tố trong giai đoạn điều tra. Việc mở lớp đào tạo tại chỗ đã làm rõ hơn các yêu cầu mới trong công tác quản lý của ngành Kiểm sát, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, giải đáp được những vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và đề ra các biện pháp khắc phục. Các Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện cũng tổ chức tự đào tạo, học tập thông qua việc triển khai những văn bản quy phạm pháp luật mới, những thông báo rút kinh nghiệm, có đơn vị tổ chức cho các Kiểm sát viên, cán bộ thi Kiểm sát viên giỏi tại đơn vị theo bộ đề thi của VKSND tối cao (VKSND quận Lê Chân).

Đặc biệt trong năm 2013, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đã tổ chức cuộc thi Đánh giá kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của Kiểm sát viên Viện kiểm sát hai cấp làm công tác kiểm sát hình sự dưới hình thức tổ chức một phiên tòa hình sự giả định trên cơ sở một vụ án có thật, có 55 Kiểm sát viên của 18 đơn vị đăng ký tham dự kỳ thi. Việc đưa một kỳ thi dưới hình thức một phiên tòa giả định là một hướng đi mới của ngành Kiểm sát Hải Phòng, đã làm kỳ thi bớt đi tính căng thẳng nhưng lại đảm bảo tính thực tiễn của kỳ thi.

Công tác nghiên cứu khoa học, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các dự án luật cũng được Viện kiểm sát hai cấp chú trọng thực hiện. VKSND thành phố đã tổ chức 51 Hội nghị, hội thảo. Trong năm 2013 trong khuôn khổ Dự án JICA, VKSND thành phố đã tổ chức 15 Hội nghị, Hội thảo khoa học, 02 buổi tọa đàm và 01 cuộc khảo sát tại VKSND huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đáng chú ý là các cuộc hội thảo với các nội dung như: Một số vấn đề liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp 1992; Một số vấn đề có liên quan đến tổ chức của Viện kiểm sát; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên; đề xuất, kiến nghị về phương hướng hoàn thiện Bộ luật TTHS năm 2003 và Luật Tổ chức VKSND năm 2002; Góp ý sửa đổi, bổ sung Phần thứ bảy – Thủ tục đặc biệt trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003; Nâng cao chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm các vụ án hình sự theo Chỉ thị số 03/VKSTC-VP1 của Viện trưởng VKSND tối cao; Thực trạng giải quyết các vụ án tham nhũng tại Hải Phòng, một số giải pháp và kiến nghị; Kinh nghiệm giải quyết án lạm dụng, lừa đảo phát sinh trong quan hệ dân sự, kinh tế trên địa bàn thành phố Hải Phòng; Thực trạng công tác giám định tư pháp trong tố tụng hình sự tại Hải Phòng, giải pháp và kiến nghị; Hội thảo sơ kết 8 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 05 và quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát... Chất lượng của các buổi hội thảo, tập huấn đã phát huy tối đa hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và tăng cường kỹ năng của Kiểm sát viên.

Kết quả thực hiện tiêu chí “Giỏi về nghiệp vụ”, thấy: Thông qua việc xác định khâu đột phá đã tạo ra ý thức trách nhiệm của cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ. Mỗi cá nhân thực hiện một công việc tốt, góp phần tạo ra những chuyển biến về chất lượng của các đơn vị và toàn ngành. Mỗi cán bộ, công chức đều đã có ý thức vận dụng tốt kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ vào hoạt động thực tiễn để tham mưu, giải quyết công việc có chất lượng, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Xây dựng hồ sơ kiểm sát chặt chẽ, đúng quy định tại các Quy chế nghiệp vụ; thực hiện đầy đủ, thành thạo các thao tác, quy trình chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực công tác được giao; thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo mật, chế độ báo cáo.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Viện kiểm sát nhân dân thành phố thấy còn có những tồn tại cần khắc phục đó là:

- Vai trò và hoạt động nghiệp vụ của Kiểm sát viên tuy đã được nâng lên song chưa đồng đều, nhiều vụ án giải quyết còn để kéo dài. Việc triển khai khâu đột phá và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu công tác ở một số đơn vị tiến hành chậm, kết quả đạt được chưa cao.

- Chất lượng một số khâu công tác đạt kết quả chưa cao, chưa đạt chỉ tiêu đề ra như: tỷ lệ giải quyết án của Cơ quan điều tra đạt 79,3% (chưa đạt chỉ tiêu ≥ 80%), số lượng kháng nghị phúc thẩm các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại và lao động của VKSND cấp huyện được VKSND thành phố bảo vệ đạt 66,7% (chỉ tiêu ≥ 85%); một số bản án, quyết định gửi chưa đúng thời hạn quy định không đạt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu 100%).

- Số lượng kháng nghị trong lĩnh vực giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình mặc dù cao hơn so với năm 2012, tuy nhiên tỷ lệ kháng nghị còn thấp so với số bản án, quyết định bị cấp phúc thẩm cải, sửa theo luật. Chất lượng tổ chức, tham dự một số phiên tòa học tập, rút kinh nghiệm chưa đồng đều, chưa đảm bảo tiêu chí theo yêu cầu.

Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại nêu trên:

- Do là năm đầu tiên triển khai thực hiện khâu đột phá nên lãnh đạo Viện và các đơn vị còn nhiều lúng túng, việc hướng dẫn, đánh giá còn nhiều hạn chế, chưa sát với thực tế của từng đơn vị.

- Một số chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ khó thực hiện và không phù hợp trong thực tiễn áp dụng, ví dụ như: chỉ tiêu giải quyết án tồn năm cũ chuyển sang, chỉ tiêu kiến nghị, kháng nghị, chỉ tiêu giải quyết án của cơ quan điều tra...

- Lãnh đạo một số đơn vị còn chưa sâu sát trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, ban đầu nhiều lãnh đạo đơn vị triển khai thực hiện khâu đột phá còn mang tính hình thức nên có một số đơn vị phải làm lại, việc sơ tổng kết không phản ánh thực chất; năng lực của một số cán bộ, Kiểm sát viên còn hạn chế, ý thức trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chưa cao, chưa chủ động đề ra các biện pháp để khắc phục hạn chế, khuyết điểm.

Đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Kiểm sát nhân dân năm 2014 nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

- Toàn Ngành cần tiếp tục xác định khâu đột phá để tập trung thực hiện trong năm 2014.

- Tiếp tục thực hiện chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”; cần có biện pháp đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao “chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa” nhằm đáp ứng kịp thời quy định mới tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp sửa đổi “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”.

- Cần đổi mới phương thức hoạt động của các khâu công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, đặc biệt là đổi mới phương thức thực hiện và nội dung kiến nghị trong lĩnh vực này; khắc phục tình trạng chỉ chú trọng nâng cao số lượng mà coi nhẹ chất lượng kháng nghị, kiến nghị hoặc kiến nghị chỉ mang tính hình thức, không đạt được hiệu quả làm giảm hiệu lực chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp.

- Hoàn thành đề án sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và xem xét sửa đổi các quy chế nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.

- Tổng kết thực tiễn từng khâu công tác để xây dựng hệ thống giáo trình đảm bảo chất lượng phục vụ công tác đào tạo của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường với các Viện kiểm sát địa phương trong việc tự tổ chức đào tạo tại địa phương, có cơ chế cấp bằng hoặc chứng chỉ đào tạo đối với các lớp học do địa phương tổ chức.

TH

 

Tìm kiếm