CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ CHUYÊN ĐỀ TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CÔNG TỐ TRONG HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA, GẮN CÔNG TỐ VỚI HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA THEO YÊU CẦU CẢI CÁCH TƯ PHÁP

28/12/2013
Cỡ chữ:   Tương phản
Thực hiện Kế hoạch số 116/VKSTC-V1A ngày 29/11/2013 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị chuyên đề “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” theo yêu cầu cải cách tư pháp...

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ CHUYÊN ĐỀ TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CÔNG TỐ TRONG HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA, GẮN CÔNG TỐ VỚI HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA THEO YÊU CẦU CẢI CÁCH TƯ PHÁP

 

Đ/c Lê Dân Khiết, Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang chủ trì Hội nghị

Thực hiện Kế hoạch số 116/VKSTC-V1A ngày 29/11/2013 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị chuyên đề “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”theo yêu cầu cải cách tư pháp. Tham dự Hội nghị có tập thể lãnh đạo Viện Kiểm sát tỉnh; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp huyện; Kiểm sát viên trung cấp và sơ cấp của ngành Kiểm sát An Giang.  

Thay mặt tập thể Lãnh đạo Viện, đồng chí Lê Dân Khiết, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang quán triệt Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (gọi tắt Chỉ thị số 06) về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm”, đây là một chủ trương lớn của Đảng.

Để thực hiện chủ trương trên, những năm qua, ngành Kiểm sát An Giang đề ra nhiều biện pháp cụ thể nhằm tăng cường sự hiện diện của Viện Kiểm sát, Kiểm sát viên trong tất cả các hoạt động điều tra, từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cho đến khi kết thúc điều tra; đề cao trách nhiệm của lãnh đạo; tính chủ động, sáng tạo của Kiểm sát viên trong việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát quy định tại Điều 112, 113 Bộ luật tố tụng hình sự, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; không để xảy ra trường hợp khởi tố, giam giữ oan sai, đình chỉ điều tra vì không có hành vi phạm tội hoặc Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội; tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh An Giang chiếm tỷ lệ thấp 0,48%. Bên cạnh đó, công tác thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra còn một số, hạn chế là: Đôi lúc chưa nắm đầy đủ, kịp thời việc tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra một số vụ án chưa cao, việc thu thập chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội trong một vài vụ án chưa đầy đủ dẫn đến việc trả hồ sơ điều tra bổ sung. Để thực hiện tốt Chỉ thị số 06 và khắc phục những hạn chế, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu: Trưởng phòng nghiệp vụ Viện tỉnh và Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp huyện tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” cho toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị nhằm thay đổi cơ bản về nhận thức khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự; kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết đối với toàn bộ tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra. Phân công Kiểm sát viênchủ động, tích cực bám sát quá trình điều tra ngay từ khi phát hiện tội phạm và trong suốt quá trình điều tra, để nắm chắc diễn biến, tình tiết mới phát sinh, từ đó, đề ra yêu cầu điều tra, giải quyết những vướng mắc, khó khăn và đẩy nhanh tiến độ giải quyết án; định kỳ cùng với Điều tra viên đánh giá kết quả điều tra, thu thập chứng cứ, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, thống nhất về tội danh và những nội dung cần phải tiếp tục làm rõ. Đối với trường hợp người bị bắt, bị khởi tố không nhận tội hoặc những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, Kiểm sát viên phải trực tiếp lấy lời khai người bị bắt, hỏi cung bị can nhằm bảo đảm các Quyết định xử lý vụ án của Viện Kiểm sát có căn cứ, đúng pháp luật; kịp thời tập hợp các vi phạm trong hoạt động điều tra, sơ hở trong công tác quản lý hành chính Nhà nước để ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục; đảm bảo sự tham gia của người bào chữa và người tham gia tố tụng khác theo đúng quy định của pháp luật.

 
Toàn cảnh Hội nghị

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trí Khôn, Uỷ viên Uỷ ban kiểm sát, Trưởng phòng 3 trình bày những nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, ngày 02/8/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (gọi tắt Thông tư liên tịch số 06) hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Hội nghị nghe 09 ý kiến đóng góp; trong đó, ngoài nhận thức về tầm quan trọng của việc ban hành Chỉ thị số 06 và Thông tư liên tịch số 06 là cần thiết, đáp ứng yêu cầu, thực hiện có hiệu quả chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” theo yêu cầu cải cách tư pháp và Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012, Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về “Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm”, các đại biểu còn nêu lên những điểm vướng mắc, bất cập của Thông tư liên tịch số 06, như: Khái niệm về tố giác, tin báo về tội phạm chưa rõ ràng; thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, thời gian ban hành các Quyết định, Thông báo của Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát được quy định quá ngắn dễ dẫn đến vi phạm; chưa hướng dẫn thủ tục, quy trình xếp lưu hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong trường hợp Cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để kết luận, ban hành Quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự ...

Kết luận hội nghị, đồng chí Viện trưởng Lê Dân Khiết giải đáp những ý kiến thắc mắc, khó khăn của các đại biểu và chỉ đạo các Viện Kiểm sát cấp huyện, Trưởng các Phòng nghiệp vụ quán triệt cho toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị toàn bộ nội dung Chỉ thị và Thông tư liên tịch. Kể từ năm 2014, Viện Kiểm sát cấp huyện và Phòng nghiệp vụ Khối hình sự phải đưa nội dung Chỉ thị và Thông tư liên tịch vào Kế hoạch, Chương trình công tác của đơn vị; giao cho Tổ công tác Viện Kiểm sát tỉnh tập hợp những vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư liên tịch để báo cáo về Vụ 1A, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; đồng thời, phối hợp với Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh để sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp số 838/QC-LN ngày 27/5/2011 của Viện Kiểm sát, Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan và Kiểm lâm tỉnh An Giang về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cho phù hợp với Thông tư liên tịch số 06 để trình Lãnh đạo Liên ngành ký thông qua vào Quý I/2014./.  

Trí Khôn
Tìm kiếm