CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN SINH HÙNG THĂM VÀ LÀM VIỆC VỚI VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

03/03/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 02/3/2012, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến thăm và làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để đánh giá kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2011 và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Dự buổi làm việc có các đồng chí: Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Thị Nương, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban công tác đại biểu Quốc hội; Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội...
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN SINH HÙNG THĂM VÀ LÀM VIỆC
VỚI VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Ngày 02/3/2012, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến thăm và làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để đánh giá kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2011 và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Dự buổi làm việc có các đồng chí: Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Thị Nương, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban công tác đại biểu Quốc hội; Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Về phía Viện kiểm sát nhân dân tối cao có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Trần Phước Tới, Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Lê Hữu Thể, Trần Công Phàn cùng Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham dự buổi làm việc.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Báo cáo kết quả công tác ngành Kiểm sát nhân dân năm 2011. Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử. Số lượng tội phạm được phát hiện xử lý qua tin báo, tố giác của nhân dân tăng cao, các vụ án được khởi tố, giải quyết kịp thời, hạn chế thấp nhất việc oan sai và bỏ lọt tội phạm. Nâng cao trách nhiệm trong kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, việc bắt, tạm giữ về hình sự. Chú trọng nâng cao kỹ năng thẩm vấn, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà, do vậy chất lượng xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa có chuyển biến tích cực. Kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam.Viện kiểm sát các cấp tăng cường công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại,... Kiểm sát chặt chẽ việc ra quyết định thi hành án; việc hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Chú trọng kiểm sát việc ra các quyết định thi hành án dân sự. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc và giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, nhất là đơn do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội chuyển đến. Tăng cường kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Quan hệ phối hợp với các cơ quan tư pháp ở Trung ương và địa phương được tăng cường, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận nhân dân quan tâm. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, gắn việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm với việc tự kiểm tra của từng cấp kiểm sát, từng đơn vị nghiệp vụ; việc thực hiện Quy chế dân chủ, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần tăng cường trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật, đồng thời hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt các quy định của pháp luật, quy chế của Ngành.Viện kiểm sát nhân dân tối cao tập trung triển khai, thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra theo Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Ban hành Chương trình trọng tâm, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để thống nhất nhận thức và hành động thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách tư pháp. Tập trung nghiên cứu, xây dựng các đề án về cải cách tư pháp theo sự phân công của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả. Tiến hành tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 theo đúng kế hoạch và hướng dẫn của Ủy ban sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; công tác tổ chức cán bộ; công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; công tác hợp tác quốc tế... của Viện kiểm sát nhân dân.
 
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc
Kiến nghị về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy Nhà nước phục vụ công tác xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận thấy, trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, việc đặt vấn đề nghiên cứu thu hẹp phạm vi chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát hoặc chuyển đổi mô hình Viện Công tố là chưa phù hợp. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cần tiếp tục khẳng định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân như quy định trong Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, bổ sung các thiết chế để Viện Kiểm sát thực hiện có chất lượng, hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo Nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tiếp sau việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, trong đó có Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân cần được sửa đổi cho phù hợp. Thực hiện Nghị quyết về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, Viện kiểm sát nhân dân tối cao được giao nhiệm vụ xây dựng Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân trên cơ sở pháp điển hóa các Luật, Pháp lệnh: Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự; Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân. Hiện nay Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang tập trung nghiên cứu xây dựng Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) phù hợp với các chủ trương cải cách tư pháp và tăng cường vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong các quan hệ pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Với mô hình Viện kiểm sát bốn cấp, để phù hợp với tổ chức, bộ máy mới của ngành và thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ cũng như công tác cán bộ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân có quy định bốn ngạch Kiểm sát viên, gồm: Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoàn thành xây dựng Luật theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Trong quá trình nghiên cứu xây dựng Luật tổ chức Điều tra hình sự có ý kiến đề nghị xác định vị trí, thẩm quyền Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhận thấy việc tổ chức Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra tội xâm phạm hoạt động tư pháp là cần thiết. Tăng cường chất lượng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng chính là một biện pháp quan trọng, một tổ chức có tính đặc thù nhằm đảm bảo một nền công tố mạnh, góp phần khắc phục tình trạng bỏ lọt tội phạm, chống oan sai và các vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng; đặc biệt là các vi phạm trong tố tụng hình sự bảo đảm các quyền dân chủ của công dân được tôn trọng.
Bên cạnh đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị được kiện toàn một cách tổng thể, căn bản tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Việc kiện toàn bộ máy lần này được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm phù hợp với quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành Kiểm sát và hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời là căn cứ để bố trí lại cán bộ một cách hợp lý.
Ngoài ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở xây dựng Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Kiểm sát giai đoạn 2011-2020, đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung cho ngành Kiểm sát nhân dân từ năm 2012-2014 mỗi năm 1.500 biên chế, trong 03 năm cần bổ sung 4.500 biên chế. Trong khi chờ sửa luật, trước mắt đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định tăng số lượng Kiểm sát viên các cấp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay và tiến trình cải cách tư pháp. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho cơ chế về việc bổ nhiệm ngạch Kiểm sát viên trung cấp, sơ cấp tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao (lập Hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao) để đảm bảo thực hiện đúng Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi, bổ sung) và đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Là một Ngành có vị trí độc lập trong bộ máy nhà nước, có chức năng, nhiệm vụ, phương pháp công tác đặc thù, với hệ thống các Viện kiểm sát trên cả nước, từ Trung ương đến cấp huyện, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực rất lớn nhưng Ngành chưa có cơ sở đào tạo bậc đại học nên không thể chủ động được nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Ngành Kiểm sát đang thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực do việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn, nhất là tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành Kiểm sát giai đoạn hiện nay và trong giai đoạn tới, phù hợp với pháp luật hiện hành về giáo dục đào tạo, đề nghị được thành lập Học viện kiểm sát trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trên cơ sở tổ chức lại Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Hà Nội và Phân hiệu Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đề xuất một số nội dung khác liên quan đến cơ chế phân bổ dự toán ngân sách cho các cơ quan tư pháp, tăng cường hơn nữa về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, bổ sung kinh phí cho các nội dung chi đặc thù ngoài định mức chi thường xuyên; quan tâm giải quyết các chế độ đối với cán bộ công chức không phải là Kiểm sát viên; nghiên cứu cải tiến trang phục, cấp hiệu cho cán bộ, công chức…

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Nhà Truyền thống VKSND tối cao

Góp ý nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác của ngành Kiểm sát nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, ngành Kiểm sát nhân dân cần đặc biệt chú ý việc nâng cao khả năng tranh tụng của Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa; chú ý nhiều hơn nữa đến việc kiểm sát các hoạt động tố tụng, đảm bảo không oan sai. Việc hoàn thiện mô hình của Viện Kiểm sát cần chú trọng tổng kết hoạt động thực tiễn 50 năm qua của ngành, đồng thời có tham khảo, tiếp thu những mô hình tiên tiến của các nước trên thế giới.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và thành viên Đoàn công tác
chụp ảnh chung với lãnh đạo Viện VKSND tối cao và các đại biểu
 Sau khi nghe báo cáo của ngành Kiểm sát và ý kiến của đại diện các đơn vị tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngành Kiểm sát nhân dân đã thực hiện đầy đủ tinh thần cải cách tư pháp; hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò của mình. Kết quả này có được nhờ sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm chính trị rất cao của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên thời gian qua. Hoan nghênh sự thẳng thắn, thái độ nhìn thẳng vào những tồn tại, thiếu sót để khắc phục sửa chữa, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngành Kiểm sát nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình cũng là làm tốt việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân theo đúng quy định của pháp luật, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu cải cách tư pháp là “xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đề cập đến phương hướng hoàn thiện vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân theo lộ trình sửa đổi Hiến pháp 1992, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, cơ cấu, tổ chức của ngành Kiểm sát cần bám sát chiến lược cải cách tư pháp, tình hình thực tiễn và thể chế chính trị của đất nước ta. Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan hiến định, thực thi quyền của nhân dân trong việc giám sát các hoạt động tư pháp. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định “Bảo đảm tốt hơn các điều kiện để Viện kiểm sát nhân dân thực hiện hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp”. Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc sửa đổi mô hình Viện kiểm sát nhân dân cần được tổng hợp, nghiên cứu kỹ nhưng vẫn phải giữ nguyên hai chức năng chính là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; đồng thời nghiên cứu quy định về mối quan hệ với các cơ quan lập pháp, hành pháp. Ngành Kiểm sát cần khẩn trương củng cố, tăng cường cơ quan điều tra đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng và điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, ngành Kiểm sát nhân dân cần triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong toàn Ngành; xây dựng các tổ chức Đảng trong trong sạch, vững mạng, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao. Tham gia tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống một bộ phận cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước ở các cấp, các ngành, địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên vững vàng về chính trị, tinh thông về pháp luật, giỏi về nghiệp vụ, là tấm gương về tuân thủ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có bản lĩnh trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Cán bộ Kiểm sát phải: Công minh - Chính trực - Khách quan - Thận trọng - Khiêm tốn”.
Trường Thanh
Tìm kiếm