CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

TỔNG KẾT THI HÀNH VÀ NGHIÊN CỨU SỬA ĐỔI, BỔ SUNG HIẾN PHÁP NĂM 1992

24/02/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Một số đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về Viện kiểm sát trong Hiến pháp năm 1992 1. Về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát Ở Việt Nam, thiết chế Viện công tố, sau này là Viện kiểm sát ra đời và phát triển cùng với quá trình thành lập và phát triển của Nhà nước cách mạng. Trải qua hơn 60 năm, ở nước ta đã tồn tại cả hai mô hình: Viện công tố và Viện kiểm sát...
TỔNG KẾT THI HÀNH VÀ NGHIÊN CỨU SỬA ĐỔI, BỔ SUNG HIẾN PHÁP NĂM 1992
 
                                                                                            Tiến sĩ Lê Hữu Thể
Phó Viện trưởng VKSND Tối cao
Một số đề xuất sửa đổi, bổ sung
các quy định về Viện kiểm sát trong Hiến pháp năm 1992
 
1. Về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát
Ở Việt Nam, thiết chế Viện công tố, sau này là Viện kiểm sát ra đời và phát triển cùng với quá trình thành lập và phát triển của Nhà nước cách mạng. Trải qua hơn 60 năm, ở nước ta đã tồn tại cả hai mô hình: Viện công tố và Viện kiểm sát.
Mô hình Viện công tố đã từng tồn tại ở Việt Nam do người Pháp du nhập vào sau khi xâm chiếm Việt Nam làm thuộc địa. Mô hình này tiếp tục tồn tại sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Từ năm 1945 - 1950, cơ quan công tố nằm trong hệ thống Toà án, thực hiện nhiệm vụ nhân danh Nhà nước buộc tội bị cáo trước phiên toà (trên cơ sở đó hình thành hệ thống Thẩm phán đứng hay Thẩm phán buộc tội trong hệ thống Toà án). Cải cách tư pháp lần thứ nhất diễn ra vào năm 1950 cũng mang lại một số thay đổi đối với tổ chức và hoạt động của cơ quan công tố. Theo đó, cơ quan công tố tỉnh chịu sự lãnh đạo của Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh, vai trò của Viện công tố trong quá trình giải quyết việc hộ (việc dân sự) của Toà án được tăng cường. Sau hòa bình lập lại ở miền Bắc, năm 1958, hệ thống cơ quan công tố được tách khỏi Toà án, hình thành hệ thống cơ quan công tố độc lập trực thuộc Chính Phủ (gồm: Viện công tố trung ương, Viện công tố phúc thẩm khu vực, Viện công tố tỉnh, Viện công tố huyện); bên cạnh chức năng công tố, còn được giao thực hiện chức năng giám sát hoạt động tư pháp (giám sát điều tra, giám sát xét xử, giám sát giam giữ cải tạo). Tuy nhiên, chưa đầy 2 năm sau, mô hình Viện công tố chấm dứt tồn tại. Vào thời điểm năm 1959 - 1960, cách mạng nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới - giai đoạn vừa tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Miền Nam, vừa tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc. Nhu cầu của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi pháp luật phải được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, đòi hỏi sự nhất trí về mục đích và hành động trong nhân dân, giữa nhân dân và Nhà nước, cũng như giữa các ngành hoạt động nhà nước với nhau. Nếu không đạt được sự thống nhất trong việc chấp hành pháp luật thì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì lẽ trên phải tổ chức ra Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát việc tuân theo pháp luật nhằm giữ vững pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất(1). Trên cơ sở đó, Hiến pháp năm 1959 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 được ban hành đã đánh dấu sự ra đời của Viện kiểm sát, là một hệ thống cơ quan độc lập, có chức năng giám sát việc tuân thủ pháp luật trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà nước (trừ hoạt động lập pháp của Quốc hội và hoạt động hành pháp của Chính phủ) và thực hành quyền công tố. Mô hình này tiếp tục được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992. Như vậy, sự ra đời của Viện kiểm sát ở nước ta gắn liền với yêu cầu của nhiệm vụ bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất. Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã thu hẹp phạm vi hoạt động của Viện kiểm sát, Viện kiểm sát thôi không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội, tập trung thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; thay vì có trách nhiệm bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất thì chỉ có trách nhiệm góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Lý do cho việc điều chỉnh chức năng của Viện kiểm sát là “để Viện kiểm sát tập trung vào thực hiện chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp - là những nhiệm vụ không thể giao cho các cơ quan khác thực hiện và là hai lĩnh vực rất bức xúc. Không giao chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật cho Viện kiểm sát cũng là để khắc phục những trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ trong tổ chức bộ máy của Nhà nước ta”(2).
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005  của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đề ra yêu cầu: Viện kiểm sát được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của Toà án; nghiên cứu việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra.
Trên cơ sở quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng đối với vấn đề Viện kiểm sát, nhiều đề án nghiên cứu cải cách tư pháp do các cơ quan hữu trách, cũng như hoạt động nghiên cứu độc lập của giới khoa học pháp lý nước nhà đã được triển khai thực hiện và đưa ra đề xuất. Qua theo dõi quá trình nghiên cứu cải cách Viện kiểm sát thời gian qua thấy hình thành 3 loại ý kiến chính:
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, việc thu hẹp phạm vi chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát là quyết định chưa thuyết phục ở góc độ phương pháp luận, lý luận cũng như thực tiễn. Cần tiếp tục quy định Viện kiểm sát có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật (kiểm sát chung và kiểm sát hoạt động tư pháp) bên cạnh chức năng thực hành quyền công tố.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, Viện kiểm sát chỉ nên thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Chức năng kiểm sát chung của Viện kiểm sát nên giao cho các cơ quan khác thực hiện nhằm khắc phục sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ trong tổ chức bộ máy của Nhà nước ta(3).
Loại ý kiến thứ ba cho rằng, Viện kiểm sát chỉ là cơ quan nhà nước hoạt động chủ yếu trong phạm vi đấu tranh chống tội phạm, thực hiện chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự, tham gia buộc tội nhân danh nhà nước trước Toà án như là một bên tranh tụng bình đẳng với bên bào chữa. Do vậy, cần chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố, đặt trong hệ thống các cơ quan hành pháp, cụ thể là thuộc Chính phủ.
Tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới quy định về chức năng của Viện kiểm sát/ Viện công tố và các thiết chế tương tự, thì thấy có hai nhóm cơ bản:
Thứ nhất, nhóm các nước quy định Viện công tố chỉ có chức năng thực hành quyền công tố, thực hiện việc truy tố, buộc tội bị cáo tại phiên toà (điển hình là Anh, Mỹ, Úc). Ngoài ra, trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính tham gia với tư cách là người đại diện cho lợi ích của Chính phủ, của những người không có khả năng tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ hai,nhóm các nước quy định Viện công tố/Viện kiểm sát bên cạnh chức năng thực hành quyền công tố còn thực hiện chức năng kiểm sát tuân việc tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, phạm vi kiểm sát việc tuân theo pháp luật cũng chia thành hai mức độ:
Nhóm các nước quy định Viện kiểm sát thực hiện cả chức năng kiểm sát chung, kiểm sát hoạt động tư pháp (Nga, Hungari và nhiều nước chuyển đổi);
Nhóm các nước quy định Viện kiểm sát chỉ thực hiện chức năng kiểm sát tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp. Trong nhóm này, cũng lại chia thành 2 mức độ: Một là, giám sát đối với toàn bộ hoạt động tư pháp: Điều tra, xét xử, thi hành án (Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Cu Ba, Bắc Triều Tiên…); hai là, chỉ thực hiện giám sát việc giam giữ, thi hành án với lý do các lĩnh vực này trực tiếp liên quan đến quyền tự do của con người (Đức, Hàn Quốc…).
Vấn đề có tính tất yếu trong tổ chức thực thi quyền lực nhà nước đó là dù quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc nào: Phân công hay phân quyền thì đều gắn liền với sự giám sát việc thực hiện quyền lực nhằm bảo đảm cho các cơ quan làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, không vượt ra khỏi phạm vi thẩm quyền, tính chất, chức năng đã được xác định. Điều đó có nghĩa ở đâu có quyền lực nhà nước thì ở đó cần có sự giám sát(4). Việc tổ chức thực hiện giám sát lệ thuộc vào nhiều yếu tố như: Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, truyền thống, văn hoá pháp lý..., trong đó, nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, đặc điểm hệ thống chính trị là những yếu tố có tính quyết định đối với phương thức, tính chất, nội dung, phạm vi giám sát.
Ở các nước Tây Âu và Mỹ, sở dĩ không giao cho cơ quan công tố chuyên trách thực hiện chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật bởi xuất phát từ những lý do chủ yếu sau đây: Thứ nhất, cơ sở kinh tế của Nhà nước dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, do đó bản thân mỗi chủ sở hữu phải tích cực bảo vệ các quyền và lợi ích của mình mà không cần đến một đại diện nào làm thay họ cả; thứ hai, các nước này theo chế độ đa nguyên, đa đảng; quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc phân quyền, sử dụng quyền lực kiểm soát quyền lực, các hình thức kiểm tra, giám sát của Nghị viện rất mạnh, Toà án có nhiều quyền lực, trong đó có quyền phán quyết về các vi phạm hiến pháp đối với văn bản và quyết định của các cơ quan lập pháp và hành pháp; thứ ba, văn hoá pháp lý ở các nước này đã trở thành nền tảng chung của mọi cơ cấu xã hội và nhà nước, họ có xã hội dân sự phát triển, xã hội ổn định, năng lực tự điều chỉnh, ý thức tôn trọng pháp luật của dân cư cao(5)… Trong điều kiện đó, các nước này thực sự không cần đến một cơ quan nhà nước chuyên trách thực hiện giám sát việc tuân theo pháp luật, kể cả đối với lĩnh vực tư pháp.
Trong khi đó, ở Nga và các nước XHCN cũ ở Đông Âu trước đây và ở Việt Nam hiện nay thì tình hình ngược lại, có thể xem xét trên một số bình diện sau đây: Thứ nhất, cơ sở kinh tế của Nhà nước dựa trên chế độ sở hữu công về tư liệu sản xuất do vậy rất cần có một chủ thể được cử ra để trông coi, giám sát tài sản của nhà nước và tập thể khỏi sự xâm phạm của các chủ thể khác; thứ hai, thực hiện chế độ nhất nguyên về chính trị, trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước không đặt vấn đề tạo thế cân bằng quyền lực trên cơ sở kiềm chế đối trọng, dùng quyền lực hạn chế quyền lực mà xác định quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát việc thực hiện quyền lực trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất(6), Quốc hội được khẳng định là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất(7), các quyền hành pháp, kiểm sát, toà án đều có tính phái sinh từ quyền lực của Quốc hội và chịu sự giám sát của Quốc hội, nhưng do tính chuyên nghiệp trong hoạt động giám sát của Quốc hội chưa mạnh như Nghị viện các nước Tây Âu nên rất cần đến một thiết chế giám sát quyền lực độc lập, có tính chuyên nghiệp cao để giúp Quốc hội thực hiện giám sát ở tầng thấp hơn đối với hoạt động của các cơ quan hành pháp và tư pháp; thứ ba, văn hoá pháp lý ở các nước này chưa phát triển, ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật thấp, tình trạng coi thường pháp luật có tính phổ biến, xã hội dân sự không phát triển…(8). Trong bối cảnh đó, rất cần đến một thiết chế có vị trí độc lập, chuyên trách thực hiện giám sát việc tuân theo pháp luật - thiết chế đó chính là Viện kiểm sát.
Ở nước ta, Quốc hội được khẳng định là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, hệ thống các cơ quan Chính phủ, Toà án, Viện kiểm sát có tính chất phái sinh từ quyền lực của Quốc hội và chịu sự giám sát của Quốc hội. Hoạt động giám sát của Quốc hội là nhằm kiểm tra, giám sát các chủ thể trong việc thực hiện Hiến pháp và các đạo luật do Quốc hội ban hành. Hoạt động giám sát của Quốc hội có tính tất yếu, xuất phát từ chức năng lập hiến, lập pháp của Quốc hội và cũng là để thực hiện tốt chức năng lập hiến, lập pháp. Quốc hội thực hiện quyền giám sát của mình thông qua hai hình thức: Trực tiếp (bằng chính hoạt động giám sát của Quốc hội) và gián tiếp (thông qua việc giám sát của một số cơ quan nhà nước được Quốc hội uỷ quyền). Hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát là một dạng hoạt động có tính quyền lực nhà nước, có nguồn gốc phái sinh từ quyền lực giám sát của Quốc hội, thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và trong hoạt động của những chủ thể nhất định theo sự phân công của Quốc hội(9). Viện kiểm sát thực hiện hoạt động kiểm sát chính là thực hiện hoạt động giám sát tuân theo pháp luật ở tầng thấp theo sự uỷ quyền của Quốc hội(10).
Từ phương diện lý luận và thực tiễn, đã chứng minh rằng Viện kiểm sát (với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật) là mô hình thích hợp với các quốc gia có chế độ chính trị nhất nguyên, tổ chức quyền lực nhà nước không theo phương thức phân chia quyền lực, hướng tới mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền, đặc biệt mô hình này có nhiều khả năng phòng ngừa, răn đe tội phạm và có mối quan hệ trực tiếp đến hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm vì khả năng phát hiện tội phạm rất lớn. Đặc biệt, với những nguyên tắc tổ chức và hoạt động đặc thù như tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành dưới sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao do Quốc hội bầu và chịu trách nhiệm trước Quốc hội đã bảo đảm cho Viện kiểm sát không phụ thuộc và không chịu áp lực của cơ quan chính quyền địa phương, tạo cho Viện kiểm sát có lợi thế hơn hẳn bất kỳ cơ quan nhà nước nào trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật. 
Qua 42 năm thực hiện công tác kiểm sát chung, ngành Kiểm sát đã phát hiện nhiều vi phạm của các ngành làm thất thoát lớn tài sản của nhà nước, phát hiện và kiến nghị hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có cả các vi phạm pháp luật của các Bộ, Ngành ở Trung ương. VKSND tối cao đã tổng hợp tình hình, báo cáo với Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ về thực trạng chấp hành pháp luật, đề xuất các biện pháp giải quyết, kiến nghị với Chính phủ nhiều vấn đề ở tầm quản lý vĩ mô.
Kết quả công tác kiểm sát tư pháp của Viện kiểm sát các cấp thời gian qua đã chứng minh tính hữu hiệu của một cơ chế giám sát tư pháp. Thông qua hoạt động kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử đã thực hiện yêu cầu đặt ra đối với quá trình giải quyết vụ án hình sự là không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, không để xảy ra việc lạm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc lạm dụng các biện pháp hành chính thay cho các biện pháp tố tụng tư pháp. Công tác kiểm sát việc lập hồ sơ, thu thập chứng cứ ngày càng được chú trọng, nhất là đối với các vụ trọng án, án điểm, án vị thành niên…, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đặc biệt là biện pháp tạm giam được kiểm soát chặt chẽ nhằm khắc phục việc lạm dụng biện pháp này thay thế các biện pháp điều tra. Thông qua công tác kiểm sát xét xử, hàng năm Viện kiểm sát các cấp đã phát hiện và kháng nghị, kiến nghị với Toà án về nhiều trường hợp mắc sai lầm trong áp dụng pháp luật hình sự và vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm của Viện kiểm sát được Toà án chấp thuận cao(11). Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù được đặc biệt chú trọng. Thông qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát các cấp đã ban hành hàng trăm kiến nghị, kháng nghị yêu cầu giám thị trại giam khắc phục vi phạm về thủ tục nhận phạm nhân, vi phạm về quá hạn tù chưa được trả tự do, vi phạm về phân loại, quản chế giam giữ, để phạm nhân trốn trại, vi phạm kỷ luật, chống phá trại giam, tình trạng quá tải trong các trại giam, nhà tạm giữ, chế độ ăn uống thiếu thốn; đã kiểm tra và kiến nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao chỉ đạo Toà án các cấp thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự căn cứ và thời hạn tạm giam(12); đã quyết định trả tự do cho nhiều trường hợp có mức án phạt tù bằng thời hạn tạm giam nhưng chưa được trả tự do(13). Các kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát đã được thực hiện nghiêm túc, nhờ đó, góp phần bảo đảm việc giam giữ đúng pháp luật.
Liên quan đến ý kiến cho rằng cần bỏ chức năng kiểm sát chung của Viện kiểm sát nhằm khắc phục sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ trong tổ chức bộ máy của Nhà nước ta, chúng tôi thấy ý kiến này chưa thuyết phục cả ở góc độ lý luận và thực tiễn. Tiếp cận các cơ chế giám sát quyền lực nhà nước từ quan điểm hệ thống có thể chia thành hai nhóm: Cơ chế tự kiểm tra bên trong của mỗi hệ thống và cơ chế giám sát từ bên ngoài hệ thống. Các cơ chế giám sát này đều có chung mục đích là duy trì bản chất, định hướng chung của quyền lực nhà nước và bảo đảm cho quyền lực nhà nước được thực hiện một cách hiệu quả, khoa học, song lại rất khác nhau về cách thức, hình thức, phương pháp, khả năng tác động tới đối tượng giám sát và đặc biệt là không thể thay thế mà chỉ có thể bổ sung cho nhau.
Quá trình nghiên cứu để sửa đổi Hiến pháp vào năm 2001, cũng có ý kiến đề nghị chuyển chức năng kiểm sát chung về Quốc hội. Tuy nhiên, phương án này không có tính khả thi bởi xuất phát từ tính chất của Quốc hội gồm các đại biểu đại diện cho các giai cấp, tầng lớp trong xã hội; cơ chế làm việc của Quốc hội thông qua các kỳ họp; không có bộ máy ở địa phương, do vậy Quốc hội không thể đảm nhiệm phần việc của Viện kiểm sát. Cũng có ý kiến khác cho rằng để đảm nhiệm công tác kiểm sát chung của Viện kiểm sát cần tăng cường chức năng tự kiểm tra, thanh tra của Chính phủ và các cơ quan chính quyền địa phương. Ý kiến này không hợp lý, vì tự kiểm tra, thanh tra là hoạt động tất yếu của quy trình quản lý hành chính nhà nước, được tiến hành thường xuyên và là nghĩa vụ của cơ quan quản lý, song cơ chế này không thể thay thế các cơ chế giám sát từ bên ngoài.
Thực tế, qua 10 năm thi hành Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) cho thấy, việc bỏ chức năng kiểm sát chung của Viện kiểm sát đã thực sự tạo ra khoảng trống trong hoạt động kiểm soát quyền lực vì không có cơ quan nhà nước nào được chỉ định thay thế chức năng của Viện kiểm sát. Từ năm 2001 đến nay, Nhà nước đã mất đi một chỗ dựa quan trọng trong bảo đảm pháp chế thống nhất; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mà trước hết là tội phạm tham nhũng đã mất đi một công cụ và nguồn thông tin đáng tin cậy; giám sát tuân thủ pháp luật trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ và các địa phương trong các lĩnh vực quản lý - hành chính đã thực sự bị buông lỏng.
Giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước là vấn đề có tính tất yếu khách quan, ở đâu có quyền lực nhà nước thì ở đó cần có giám sát. Hoạt động tư pháp là hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước (quyền tư pháp), do vậy, hoạt động tư pháp cũng phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhiều cơ chế khác nhau. Ở một khía cạnh khác, xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của hoạt động tư pháp là xem xét, đưa ra các phán quyết chính xác, khách quan, công bằng về tính đúng đắn, hợp pháp của các hành vi hay các sự kiện tranh chấp, nên pháp luật trao cho các cơ quan tư pháp thực thi những thẩm quyền tố tụng mạnh mẽ, thậm chí có những thẩm quyền có khả năng gây ảnh hưởng đến các quyền cơ bản nhất của con người như thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng (biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam…). Kết quả của hoạt động tư pháp có ảnh hưởng trực tiếp đến những quyền quan trọng nhất của con người như quyền sống, quyền tự do… Từ những đặc điểm đó, hoạt động tư pháp cần và phải chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của nhiều cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ khác nhau, đặc biệt là cần thiết lập cho được cơ chế giám sát trực tiếp, thường xuyên và có hiệu quả. Trong điều kiện cụ thể của Nhà nước ta hiện nay, cơ chế đó là hoạt động kiểm sát tư pháp của Viện kiểm sát.
Kiểm sát hoạt động tư pháp là một hình thức của hoạt động giám sát nhà nước - theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của các chủ thể được giao thực hiện thẩm quyền tư pháp. Mục đích của kiểm sát hoạt động tư pháp là nhằm bảo đảm cho pháp luật được áp dụng nghiêm chỉnh và thống nhất trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Trong quá trình giải quyết các vụ án, Viện kiểm sát có quyền áp dụng những biện pháp do pháp luật quy định để phát hiện, loại trừ những hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan tư pháp, bất kỳ cán bộ tư pháp nào. Trải qua quá trình thành lập và hoạt động, với vị trí và tính chất hiến định, với hình thức tổ chức và các chức năng được giao tương ứng, thiết chế Viện kiểm sát đang được chứng minh là cơ chế giám sát tư pháp hữu hiệu(14). Kết quả kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát thời gian qua đã chứng minh rằng, trong toàn bộ hệ thống các cơ chế kiểm tra, giám sát tư pháp hiện nay ở nước ta, thì không có cơ chế giám sát tư pháp nào hữu hiệu và có hiệu quả hơn là tiếp tục duy trì và tăng cường chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát. Đây chính là cơ chế sử dụng tổ chức Nhà nước để hạn chế sự lạm quyền từ chính Nhà nước, là cơ chế giám sát từ bên ngoài, độc lập với đối tượng bị giám sát nhưng lại có khả năng bao quát và giám sát toàn bộ quá trình thực hiện hoạt động tư pháp. Sở dĩ có được những kết quả như vậy là do đặc điểm về tổ chức và hoạt động của chủ thể thực thi chức năng giám sát trong quan hệ với đối tượng bị giám sát, cụ thể như sau:
Thứ nhất,về yếu tố tổ chức, Viện kiểm sát là một hệ thống cơ quan độc lập trong bộ máy nhà nước, được giao thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp nên cơ chế giám sát của Viện kiểm sát có tính độc lập nhất định với đối tượng được giám sát. Tính độc lập này bảo đảm cho hoạt động giám sát của Viện kiểm sát khách quan, trung thực và có tính khả thi.
Thứ hai,về hoạt động, Viện kiểm sát là cơ quan duy nhất trong hệ thống các cơ quan tư pháp được hiến pháp và pháp luật quy định có thẩm quyền tham gia vào tất cả các lĩnh vực tố tụng tư pháp (tư pháp hình sự, tư pháp dân sự, tư pháp hành chính…), và trong từng lĩnh vực tố tụng tư pháp, Viện kiểm sát có thẩm quyền tham gia vào tất cả các giai đoạn tố tụng.
Thứ ba,về mức độ và phạm vi giám sát, kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát được tiến hành cụ thể, thường xuyên, liên tục tới đối tượng bị giám sát. Đây là điều kiện để bảo đảm cho hoạt động giám sát có tính chuyên nghiệp và có hiệu quả cao.
Thứ tư,về tính chất hoạt động, do kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát là hoạt động giám sát Nhà nước, nên trong hoạt động của mình, Viện kiểm sát chỉ xem xét đối tượng kiểm sát ở góc độ có hợp pháp hay không hợp pháp, không xem xét vấn đề có hợp lý hay không hợp lý, không can thiệp vào hoạt động mang tính nghiệp vụ của các cơ quan tư pháp. Do vậy, hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát không thể là nhân tố cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan tư pháp và càng không thể trở thành nhân tố ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật của Tòa án như nhiều ý kiến gần đây cho rằng cần bỏ chức năng kiểm sát hoạt động xét xử của Viện kiểm sát để bảo đảm tính độc lập trong hoạt động xét xử của Tòa án. Theo quy định của pháp luật và trên thực tế, kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung và kiểm sát hoạt động xét xử nói riêng còn nhằm mục tiêu bảo đảm tính độc lập của hoạt động xét xử, loại trừ mọi yếu tố ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án.
Thời gian qua, trong lĩnh vực giải quyết các tranh chấp dân sự, với mong muốn đề cao nguyên tắc tự định đoạt và nguyên tắc đương sự tự chứng minh, Quốc hội đã ban hành Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004, theo đó hạn chế một cách đáng kể phạm vi tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự. Thay vì Viện kiểm sát phải có trách nhiệm tham gia phần lớn các phiên toà dân sự (theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002) thì chỉ có trách nhiệm tham gia các phiên toà sơ thẩm đối với các vụ án mà Toà án thu thập chứng cứ và các đương sự khiếu nại việc thu thập chứng cứ của Toà án. Chính vì vậy, qua sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, tổng kết 5 năm thực hiện Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 cho thấy: “Chất lượng xét xử các vụ án dân sự còn thấp, số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng đáng kể”. Một trong những nguyên nhân cơ bản của hạn chế này được chỉ ra là “do chưa có cơ chế giám sát, kiểm sát có hiệu quả việc giải quyết các vụ án dân sự”(15). Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, ngày 29/3/2011, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS theo hướng tăng cường vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự. Theo quy định mới này, dự kiến Viện kiểm sát có trách nhiệm tham gia khoảng 80% phiên toà sơ thẩm. Điều đó một lần nữa khẳng định yêu cầu của Nhà nước, của xã hội đối với Viện kiểm sát ngày càng lớn, Viện kiểm sát không chỉ có trách nhiệm trong lĩnh vực truyền thống là tố tụng hình sự mà còn có trách nhiệm trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Viện kiểm sát không chỉ có chức năng thực hành quyền công tố, mà phải có trách nhiệm cao hơn nữa trong kiểm sát hoạt động tư pháp (bao gồm cả tư pháp dân sự) nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án đúng pháp luật, kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng không bị xâm phạm bởi hoạt động giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới - giai đoạn đẩy mạnh tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Một trong những yêu cầu quan trọng của xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp được đề ra trong các văn kiện gần đây nhất của Đảng là tăng cường các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước(16). Trong khi đó, nhìn vào thực trạng của việc thực hiện yêu cầu về kiểm tra, giám sát quyền lực nhằm bảo đảm pháp chế, kỷ cương và kỷ luật, phát huy dân chủ XHCN và quyền lực của nhân dân, nhiều công trình nghiên cứu thời gian qua đã chỉ rõ sự thiếu đồng bộ của hệ thống các cơ chế kiểm tra, giám sát; sự bất cập của một số cơ chế so với yêu cầu của việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực, thậm chí là một khoảng trống của cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực(17).
Như vậy, có thể thấy rằng, nhu cầu kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước đã được đặt ra một cách cấp thiết hơn bao giờ hết trong quá trình xây dựng và Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta. Trong điều kiện cụ thể ở nước ta hiện nay, chúng ta đang nỗ lực phấn đấu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa - Nhà nước mà trong đó đề cao hiến pháp và pháp luật, bảo đảm cho hiến pháp và pháp luật được tôn trọng và tuân thủ tuyệt đối, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người, loại bỏ mọi hành vi vi phạm quyền con người trong các hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước…; khẳng định và quán triệt nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, không áp dụng nguyên tắc phân quyền, dùng quyền lực kiểm soát quyền lực; không thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng; trong điều kiện thực tiễn hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động bảo vệ công lý cho người dân nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân và xã hội, cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp để xây dựng một nền tư pháp vì dân, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của nhân dân… nên rất cần thiết phải duy trì cơ chế kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát. 
Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi đề nghị việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 thời gian tới cần tiếp tục duy trì mô hình Viện kiểm sát và khôi phục lại phạm vi chức năng của Viện kiểm sát như Hiến pháp 1992 và các Hiến pháp trước đó đã xác định là thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật (kiểm sát hành pháp và kiểm sát tư pháp). Riêng đối với lĩnh vực kiểm sát chung, ngành kiểm sát cần đổi mới toàn diện phương thức hoạt động của mình theo hướng không dàn trải mà có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn các khâu đột phá, những nơi có nhiều thông tin về tình hình vi phạm pháp luật nhất để kiểm sát một cách hiệu quả, làm thay đổi tình trạng pháp chế một cách bền vững, lâu dài trong cả hệ thống.
Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ pháp chế, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, cần khẳng định rõ tại Điều 137 Hiến pháp về trách nhiệm của Viện kiểm sát trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân và coi đây là hướng ưu tiên trong hoạt động của ngành Kiểm sát thời gian tới
 
2. Về vị trí của Viện kiểm sát trong bộ máy nhà nước
Ở Việt Nam, vấn đề vị trí pháp lý của Viện kiểm sát trong bộ máy nhà nước đã trải qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất (từ năm 1945 đến năm 1958): Viện công tố được đặt trong cơ cấu tổ chức của Toà án. Hiến pháp và các văn bản pháp luật thời kỳ này xác định rõ cơ quan công tố là cơ quan tư pháp, Công tố viên là các Thẩm phán đứng (Thẩm phán buộc tội)(18).
Giai đoạn thứ hai (từ năm 1958 đến năm 1959): Viện công tố tách khỏi hệ thống Toà án, tổ chức thành hệ thống 4 cấp trực thuộc Chính phủ (thuộc hệ thống hành pháp). Viện trưởng Viện công tố có nhiệm vụ, quyền hạn như một Bộ trưởng của Chính phủ.
Giai đoạn thứ ba (từ năm 1959 đến nay): Theo quy định của Hiến pháp năm 1959, thì Viện kiểm sát được tổ chức thành một hệ thống cơ quan độc lập, thống nhất từ trung ương đến địa phương, gồm: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự các cấp. Nguyên tắc cơ bản chi phối tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát là nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành. Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các địa phương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Mô hình này tiếp tục được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992.
Về kỹ thuật lập hiến, Hiến pháp các năm 1959, 1980, 1992 đều đặt chế định Viện kiểm sát nhân dân vào cùng một chương với Toà án nhân dân và cũng chưa khẳng định rõ Viện kiểm sát thuộc nhánh quyền lực nào. Kể từ Hiến pháp năm 1959 đến năm 2001, ở nước ta không quy định về quyền lập pháp, hành pháp và quyền tư pháp, song Hiến pháp năm 1992 tại lần sửa đổi, bổ sung năm 2001, lần đầu tiên đề cập đến các khái niệm về quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tại Điều 2 quy định “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.  
Quá trình nghiên cứu cải cách tư pháp, có nhiều quan điểm khác nhau về vị trí của Viện kiểm sát trong bộ máy nhà nước. Có ý kiến chorằng, Viện kiểm sát là thiết chế thuộc nhánh quyền tư pháp vì chức năng nổi trội là thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự, nhân danh Nhà nước buộc tội bị cáo tại phiên toà, gắn chặt chẽ với thủ tục tố tụng Toà án; Có ý kiến khác lại cho rằng, hoạt động công tố thuộc chức năng của hành pháp vì chức năng duy trì và bảo vệ trật tự xã hội thuộc phạm vi của hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành pháp. Khi phát hiện có hành vi xâm phạm đến lợi ích điều hành và quản lý thì cơ quan hành pháp có quyền truy tố người phạm tội ra trước Toà án. Do vậy, hành pháp phải nắm cơ quan công tố để chủ động ngăn chặn và phát hiện tội phạm.
Xác định vị trí của Viện kiểm sát trong bộ máy nhà nước là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, bởi việc xác định chính xác thiết chế này đặt ở đâu trong cơ cấu quyền lực nhà nước sẽ tạo cho thiết chế này có những chế độ pháp lý, nguyên tắc hoạt động phù hợp để thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao.
Theo dõi quá trình cải cách tư pháp của các nước trên thế giới cho thấy hầu như các nước đều nỗ lực để nâng cao và khẳng định tính độc lập của Viện kiểm sát/Viện công tố trong bộ máy nhà nước. Ở các nước đặt Viện công tố thuộc hệ thống hành pháp đều ban hành quy chế riêng để bảo đảm sự độc lập của Công tố viên trong thực thi nhiệm vụ, chống lại những sức ép hoặc lạm dụng quyền lực từ nhiều phía và những bảo đảm đó giống với những bảo đảm đối với Thẩm phán ở các Toà án. Ở Pháp, Công tố viên có quy chế hoạt động giống với Thẩm phán và họ được coi như các Thẩm phán(19). Ở Đức, pháp luật quy định rõ các trường hợp cụ thể Công tố viên có quyền tự do hành động, bất chấp mệnh lệnh của cấp trên; quyền suy xét, quyết định của họ chỉ căn cứ vào các quy định pháp luật chứ không phải từ các mục tiêu hay động cơ chính trị(20)… Yêu cầu về tính độc lập của công tố viên trong thực thi nhiệm vụ được coi là nguyên tắc hiến định, được ghi nhận trong Hiến pháp của nhiều nước. Hiến pháp Cu Ba, Arhentina, Bolivia, Bồ Đào Nha, Columbia, Azerbaigian, Uzbekistan đều ghi nhận nguyên tắc này. Ở một số quốc gia khác, yêu cầu về sự độc lập của Viện kiểm sát được ghi nhận trong các đạo luật (Ví dụ: Điều 5 Luật Viện kiểm sát Liên bang Nga, Điều 6 Luật Viện kiểm sát Belarus, Điều 7 Luật Viện kiểm sát Azerbaigian…) quy định rõ: Mọi sự cản trở bởi bất kỳ ai và với bất kỳ lí do nào, trực tiếp hay gián tiếp đối với hoạt động hợp pháp của Viện kiểm sát, mọi sự tác động, đe doạ, can thiệp bất hợp pháp cũng như mọi biểu hiện thiếu tôn trọng Viện kiểm sát đều không thể chấp nhận được và phải bị truy cứu trách nhiệm theo pháp luật. Ngay cả một số nước XHCN cũ ở Đông Âu, mặc dù có sự thay đổi về vị trí của Viện kiểm sát trong bộ máy nhà nước, đưa Viện kiểm sát trực thuộc hệ thống hành pháp (Estony, Latvia, Ba Lan), song đều khẳng định tính độc lập của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong hoạt động. Điều 6 Luật về Viện kiểm sát của Ba Lan quy định “Trong hoạt động các kiểm sát viên độc lập, không bị ảnh hưởng bởi các cơ quan nhà nước và chỉ tuân theo pháp luật. Cấm tất cả các cơ quan: Quốc hội, Nội các, các cơ quan nhà nước, các cơ quan tự quản địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức và mọi cá nhân can thiệp vào công việc của Viện kiểm sát trong quá trình điều tra vụ án và thực hiện các chức năng khác của Viện kiểm sát”.
Cũng chính từ yêu cầu đặc trưng về tính độc lập của Viện kiểm sát/Viện công tố trong thực thi nhiệm vụ nêu trên mà đã từ rất lâu, cả trong giới chính trị và giới nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới, câu hỏi thực chất chức năng công tố là gì, thuộc quyền hành pháp hay tư pháp hoặc chí ít nó mang nhiều đặc tính thuộc về hành pháp hay tư pháp hơn đã được đặt ra. Viện công tố đại diện cho lợi ích của Chính phủ, của công chúng hay của luật pháp. Theo dõi quá trình nghiên cứu cải cách tư pháp ở nước ta cho thấy, các nhà nghiên cứu khi đề nghị xếp Viện kiểm sát vào hệ thống các cơ quan hành pháp hầu như chưa trả lời thoả đáng các câu hỏi này.
Thực tế, rất khó để khẳng định rằng vai trò của công tố viên giống một thẩm phán nhưng cũng không thể cho rằng họ là công chức hành chính của một Bộ nào đó. Song, quan điểm được thừa nhận chung ở các nước trên thế giới đó là Viện công tố có nhiều đặc điểm gần với hệ thống Toà án hơn là với một Bộ trong hệ thống hành pháp(21). Quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ, Công tố viên có toàn quyền hành động và chỉ căn cứ vào các quy định pháp luật, bất chấp mệnh lệnh của cấp trên.
Tìm hiểu về Viện kiểm sát/Viện công tố chúng ta dễ dàng thống nhất với nhau rằng, trước hết, nó là cơ quan thực thi, bảo vệ pháp luật, Kiểm sát viên là người trực tiếp thực thi, bảo vệ pháp luật. Tuy nhiên, Viện kiểm sát và Kiểm sát viên có vai trò, trách nhiệm quan trọng trong hoạt động tiến hành tố tụng tư pháp vốn là những hoạt động gắn liền với hoạt động tố tụng của Toà án. Mặc dù nhiều quốc gia theo chế độ phân quyền xếp Viện công tố ở nhánh quyền hành pháp thì bản thân Công tố viên có vai trò, trách nhiệm giống như một Thẩm phán và được quy định là Thẩm phán buộc tội, chứ không giống như một công chức hành chính(22); các hoạt động của Công tố viên được tiến hành dựa trên các quy định của pháp luật tố tụng tư pháp, chứ không phải pháp luật hành chính; quyền hạn của Công tố viên khác cơ bản so với các công chức hành chính, họ có quy chế riêng để bảo đảm sự hoạt động để chống lại những sức ép hay lạm dụng quyền lực từ nhiều phía và những bảo đảm giống với những bảo đảm đối với Thẩm phán Toà án. Điều đó cho thấy, Viện công tố mang trong nó những đặc điểm gần với Toà án nhiều hơn là với một cơ quan hành chính nhà nước. Sự độc lập trong hoạt động của Công tố viên luôn luôn là một yêu cầu được đặt ra rất cao và được bảo đảm ngang hàng với Thẩm phán Toà án nhằm chống lại những sức ép hay lạm quyền từ các nhánh quyền lực. Ở Pháp, Công tố viên có quy chế, quyền hạn giống với Thẩm phán và họ cũng được coi như các Thẩm phán. Ở Đức, pháp luật quy định rõ những trường hợp cụ thể Công tố viên có quyền tự do hành động bất chấp mệnh lệnh của cấp trên. Quyền suy xét quyết định của Công tố viên căn cứ vào các tiêu chí pháp luật chứ không phải từ các mục tiêu hay động cơ chính trị.
Hiến pháp và Luật nhiều nước trên thế giới quy định Viện kiểm sát/Viện công tố là cơ quan tư pháp. Hiến pháp Liên bang Nga tại chương 7 quy định về quyền tư pháp, Viện kiểm sát được quy định thành một điều riêng đặt trong chương này (Điều 129). Hiến pháp Bungari năm 1991, Hiến pháp Gruzia năm 1991, Hiến pháp Columbia năm 1991, Hiến pháp Kazaxtan năm 1995 quy định Viện kiểm sát thuộc hệ thống các cơ quan tư pháp. Luật về Viện kiểm sát nước Cộng hoà Latvia quy định Viện kiểm sát là cơ quan thuộc quyền tư pháp, độc lập trong việc giám sát việc tuân thủ pháp luật trong phạm vi thẩm quyền được quy định tại Luật này. Luật của nước Cộng hoà Mondova quy định Viện kiểm sát thực hiện chức năng của mình với tính cách là một cơ quan độc lập trong hệ thống các cơ quan tư pháp.
Với những vấn đề được phân tích nêu trên, chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 126 Hiến pháp năm 1992 theo hướng xác định rõ: Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tư pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm sự độc lập của Viện kiểm sát với tư cách là cơ quan tư pháp. Bởi cũng giống như Toà án, trong quá trình giải quyết vụ án, Viện kiểm sát ở nước ta được pháp luật trao thẩm quyền ra các quyết định tố tụng quan trọng, liên quan trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm, quyền tự do, quyền tài sản của công dân (ví dụ: Phê chuẩn quyết định khởi tố bị can; phê chuẩn quyết định tạm giam bị can trong giai đoạn điều tra, quyết định tạm giam bị can trong giai đoạn truy tố…). Các nước trên thế giới đều có các quy định bảo đảm tính độc lập của Viện kiểm sát/ Viện công tố trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, đề nghị bổ sung một điều quy định bảo đảm sự độc lập của Viện kiểm sát theo hướng Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nghiêm cấm sự can thiệp từ phía các cơ quan, tổ chức, công dân./.
 Chú thích:
   (1) Tờ trình Quốc hội về Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960
(2) Tờ trình Quốc hội về việc sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 1992
(3) Tờ trình Quốc hội về việc sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 1992
(4) Đào Trí Úc. Quan niệm về giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước và cơ chế thực hiện giám sát. Giám sát và cơ chế giám sát thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay. Nxb Công an nhân dân. Hà Nội 2003.
(5) Ilorahim IJ.Shihata: The rule of Law in former Soviet Union and China. Essay on Legal, Judicial and Other institutional reforms, supported by the World Bank. “Kluwer Law International, 1997, N.5
(6) Cương lĩnh 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nhà xuất bản CTQG, trang 247.
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nhà xuất bản CTQG, trang 248; Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 12/7/2011 của Ban Chấp hành trung ương khoá XI về việc triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992
(8) Ilorahim IJ.Shihata: Tlđd
(9) Nguyễn Thái Phúc. Viện kiểm sát hay Viện công tố. Tạp chí khoa học pháp lý số 2/2007.
(10) Trần Ngọc Đường, Quyền giám sát tối cao của Quốc hội và quyền giám sát của các cơ quan của Quốc hội.
(11) Báo cáo tổng kết 50 năm thành lập và phát triển ngành Kiểm sát nhân dân: Kết quả xét xử giám đốc thẩm từnăm 2002 đến 2010 cho thấy: Tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm ở cả 2 cấp (cấp tỉnh và VKSND tối cao) được chấp nhận đạt từ 83% - 95%.
(12) Năm 2009, VKSND tối cao đã phát hiện Toà án các cấp để quá hạn tạm giam 4.259 trường hợp thuộc tráchnhiệm của Toà án và đã kiến nghị Chánh án TAND tối cao có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.
(13) Năm 2006 quyết định trả tự do cho 43 người; năm 2007 là 32 người; năm 2008 là 52 người.
(14) Báo cáo tổng kết công tác của ngành Kiểm sát nhân dân các năm; Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của ngành Kiểm sát nhân dân.
(15) Thông báo số 230-TB/TW ngày 26/3/2009 thông báo kết luận của Bộ Chính trị về sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW.
(16) Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước (sửa đổi, bổ sung năm 2011); Văn kiện Đại hội XI.
17) Đào Trí Úc, Về Viện kiểm sát ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 4/2011.
(18) Điều 63 Hiến pháp năm 1946; Sắc lệnh số 13-SL ngày 24/01/1946 về tổ chức Toà án và các ngạch Thẩm phán.
 (19) Sắc lệnh số 58_01270 ngày 22/12/1958 công bố Luật về vị trí pháp lý của chức danh Thẩm phán
(20) Kalman Gyorgy, Viện trưởng Viện công tố Hungari, “The public prosecutor office in the transitional period” trong cuốn “The trasformation of the Prokuratura into a body compatible with the democratic principles of law”, Council of Europe Publishing, 1996
(21) Kalman Gyorgy, Tlđd
(22) Sắc lệnh số 58-01270 ngày 22/12/1958 công bố Luật về vị trí pháp lý của chức danh Thẩm phán.
Tìm kiếm