CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Vấn đề nội luật hóa Công ước ASEAN về phòng chống buôn bán người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em

11/01/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Từ khi tham gia Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP), Việt Nam đã nội luật hóa và hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống mua bán người. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa tương thích với ACTIP cần sửa đổi, bổ sung như: Xác định trẻ em là người dưới 16 tuổi; chưa xử lý được hành vi mua bán người đối với trường hợp tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp mà không chuyển giao để nhận tiền, tài sản...

Công ước ASEAN về phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP) được ký ngày 21/11/2015, tạo nền tảng pháp lý quan trọng và chuyên biệt đối với hoạt động hợp tác phòng, chống buôn bán người giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Việt Nam đã phê chuẩn ACTIP vào ngày 13/12/2016, chính thức có hiệu lực từ ngày 08/03/2017. Khẳng định cam kết khu vực của Việt Nam trong hợp tác phòng, chống mua bán người, Việt Nam đã tích cực nội luật hoá các quy định của ACTIP và đến nay, về cơ bản pháp luật Việt Nam về phòng chống mua bán người đã tương thích với quy định của ACTIP. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm chưa tương thích cần phải sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam với các nước thành viên ASEAN về phòng, chống mua bán người.

Những nội dung cơ bản của Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP)

Được đánh giá là cơ sở pháp lý quan trọng và chuyên biệt đối với hoạt động phòng, chống buôn bán người trong khu vực Đông Nam Á, nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các thành viên ASEAN trong phòng, chống buôn bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán, nội dung chủ yếu của ACTIP tập trung vào những vấn đề sau: (1) Giải thích thuật ngữ; (2) Hình sự hoá; (3) Phòng ngừa buôn bán người; (4) Bảo vệ, hồi hương và tiếp nhận nạn nhân; (5) Thực thi pháp luật; (6) Hợp tác quốc tế.

- Giải thích thuật ngữ: ACTIP đưa ra những giải thích đối với các thuật ngữ cơ bản, đó là “buôn bán người”,“trẻ em”, “nạn nhân”, “nhóm tội phạm có tổ chức”, “tội phạm xuyên quốc gia”… Trong những thuật ngữ trên, “buôn bán người” được giải thích cụ thể phù hợp với quy định về buôn bán người của Nghị định thư về phòng ngừa trấn áp và trừng phạt nạn buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (gọi tắt là Nghị định thư Palermo). Theo đó, tội phạm buôn bán người được cấu thành bởi 3 yếu tố cơ bản sau: (1). Hành vi (hoạt động): Thực hiện một trong các hành vi sau đây: Tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp, tiếp nhận; (2). Phương thức (phương tiện): Đe dọa, sử dụng bạo lực, ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương (lợi dụng điểm yếu của nạn nhân); cho hoặc nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người kiểm soát đối với người khác; (3). Mục đích: Bóc lột nạn nhân, bao gồm các hình thức bóc lột mại dâm hoặc các hành vi bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự như khổ sai hay lấy các bộ phận của cơ thể. Với cách giải thích thuật ngữ “buôn bán người” như trên đã tạo nên cách hiểu thống nhất giữa các quốc gia thành viên về các yếu tố cấu thành của tội buôn bán người và từ đó góp phần nâng cao hiệu quả thực thi ACTIP trên thực tế.

- Hình sự hóa: ACTIP yêu cầu các quốc gia thành viên phải hình sự hóa 05 nhóm hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến tội phạm buôn bán người, bao gồm: Hành vi buôn bán người; tham gia vào một nhóm tội phạm có tổ chức; hợp pháp hóa tài sản do phạm tội mà có; tham nhũng; cản trở hoạt động tư pháp.

- Phòng ngừa buôn bán người: ACTIP xác định các lĩnh vực cần hợp tác giữa các nước để giảm thiểu nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh hành vi buôn bán người, tăng cường hợp tác khu vực trong điều tra, truy tố, xử lý các vụ buôn bán người; thực hiện các biện pháp giảm thiểu tổn thương, ảnh hưởng tiêu cực cho nạn nhân bị buôn bán; hợp tác xuyên biên giới giữa các cơ quan kiểm soát biên giới các quốc gia nhằm phòng ngừa và phát hiện tội phạm buôn bán người.

- Bảo vệ, hồi hương và nhận trở lại nạn nhân: Điều 14 và 15 của ACTIP quy định về các biện pháp và trách nhiệm của các quốc gia trong việc bảo vệ, hồi hương và nhận trở lại nạn nhân bị buôn bán như: Xem xét việc cho phép nạn nhân bị buôn bán được ở lại lãnh thổ của mình tạm thời hoặc vĩnh viễn, đảm bảo an toàn thân thể của nạn nhân khi họ ở trên lãnh thổ của quốc gia thành viên, chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trong các tình huống thích hợp…

- Thực thi pháp luật: ACTIP quy định trách nhiệm của từng quốc gia thành viên trong việc phát hiện, ngăn chặn, trừng phạt hành vi buôn bán người, hành vi tham nhũng, rửa tiền, tham gia vào nhóm tội phạm có tổ chức, cản trở hoạt động tư pháp liên quan đến buôn bán người; tịch thu tài sản, công cụ, phương tiện sử dụng để phạm tội hoặc do phạm tội mà có. Đồng thời, ACTIP cũng quy định trách nhiệm của quốc gia thành viên trong việc phối hợp phát hiện, ngăn chặn, trừng phạt các hành vi phạm tội liên quan (Điều 16 và Điều 17).

- Hợp tác quốc tế: Để hỗ trợ cho các cơ quan tư pháp của các quốc gia thành viên trong quá trình giải quyết các vụ việc hình sự về buôn bán người, từ đó nâng cao hiệu quả của hoạt động hợp tác trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm, ACTIP có các điều khoản cụ thể quy định về hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, trong đó có dẫn chiếu tới cơ sở pháp lý là Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Về dẫn độ, hành vi buôn bán người theo ACTIP sẽ được coi là hành vi phạm tội có thể bị dẫn độ trong bất kỳ điều ước dẫn độ tội phạm nào giữa các quốc gia thành viên; nếu giữa các bên chưa có điều ước về dẫn độ thì quy định về dẫn độ của ACTIP sẽ là cơ sở pháp lý cho việc dẫn độ đối với hành vi phạm tội buôn bán người. Ngoài ra, ACTIP quy định hoạt động hợp tác giữa các quốc gia trong thi hành pháp luật, hợp tác trong việc tịch thu tài sản và xử lý tài sản do phạm tội mà có.

Quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống mua bán người

Hiện nay, các quy định về phòng chống mua bán người được ghi nhận trong nhiều văn bản khác nhau như: Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật phòng, chống mua bán người năm 2011, Luật tương trợ tư pháp năm 2007, Luật điều ước quốc tế năm 2016, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật trẻ em năm 2016, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và các văn bản pháp luật khác. Kể từ khi tham gia ACTIP, Việt Nam đã tích cực nội luật hoá các quy định của ACTIP thông qua việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành. Cụ thể, như sau:

- Hình sự hoá: Tội “Mua bán người” được quy định tại BLHS năm 1999, tuy nhiên, để phù hợp với ACTIP và các điều ước quốc tế về phòng chống buôn bán người mà Việt Nam là thành viên, BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung đối với tội “Mua bán người”, theo đó quy định nhóm tội mua bán người thành 05 tội danh riêng biệt. Điều 150 BLHS năm 2015 quy định 03 dấu hiệu cấu thành cơ bản đối với tội mua bán người: Về thủ đoạn (thể hiện bằng các hành động dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác); về hành vi (chuyển giao hoặc tiếp nhận, tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để chuyển giao hoặc tiếp nhận); về mục đích (giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác). Có thể thấy, đây là những thay đổi cơ bản của BLHS Việt Nam về tội “Mua bán người” phù hợp với những quy định trong ACTIP, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn phòng chống tội phạm mua bán người trong thời gian qua.

Về hình phạt áp dụng đối với tội “Mua bán người”, mức hình phạt tù theo khoản 1 Điều 150 BLHS năm 2015 là từ 05 năm đến 10 năm; theo khoản 2 là từ 08 năm đến 15 năm; khoản 3 là từ 12 năm đến 20 năm, khoản 4 phạt tiền là từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Ngoài ra, tại khoản 2, khoản 3 Điều 150 BLHS năm 2015 bổ sung một số tình tiết tăng nặng như: Phạm tội vì động cơ đê hèn, đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có tính chất chuyên nghiệp… Có thể thấy những quy định về mức hình phạt BLHS năm 2015 cao hơn BLHS năm 1999, với những tình tiết định khung tăng nặng bổ sung thêm, phù hợp với quy định của ACTIP. Điều đó thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam trong việc đấu tranh với loại tội phạm này.

- Phòng ngừa tội phạm: Để phòng ngừa tội phạm mua bán người, các văn bản pháp luật hiện hành quy định tương đối cụ thể về các biện pháp thực hiện, trong đó có biện pháp thông tin, tuyên truyền, giáo dục  về các phương thức, thủ đoạn mới, địa bàn trọng điểm của tội buôn bán người; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, thiết lập đường dây nóng giữa các cơ quan thực thi pháp luật của các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ; thống nhất với các nước có chung đường biên giới về cơ chế phối hợp trong việc trao đổi thông tin về tội phạm mua bán người, hồi hương đối với nạn nhân của tội phạm mua bán người…

- Bảo vệ và hồi hương nạn nhân: Theo quy định của Luật phòng, chống mua bán người năm 2011, nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để các cơ quan chức năng của Việt Nam hợp tác với các cơ quan nước ngoài trong việc giải cứu, bảo vệ nạn nhân. Đối với hồi hương nạn nhân, nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để nạn nhân là người nước ngoài được trở về quốc gia nơi mà họ mang quốc tịch hoặc nơi thường trú cuối cùng. Các biện pháp áp dụng trong quá trình hồi hương nạn nhân phải dựa trên quy định pháp luật và thoả thuận giữa Việt Nam với các nước, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

- Hợp tác quốc tế: Về nguyên tắc, hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia thành viên ASEAN dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền. Việc thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người dựa trên điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, trong đó bao gồm tội phạm mua bán người, Việt Nam đã tham gia Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự ASEAN năm 2004 và ban hành Luật tương trợ tư pháp năm 2007. Theo đó, phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và nước ngoài tập trung vào tống đạt giấy tờ, tài liệu liên quan; triệu tập người làm chứng, giám định; thu thập, cung cấp chứng cứ; truy cứu trách nhiệm hình sự; trao đổi thông tin và các yêu cầu tương trợ khác về hình sự. Trong các giai đoạn tố tụng của vụ án về mua bán người, khi cần tương trợ tư pháp về một trong những nội dung trên, các cơ quan tiến hành tố tụng lập hồ sơ uỷ thác tư pháp yêu cầu quốc gia có liên quan tương trợ tư pháp.

Tính tương thích trong quy định của pháp luật Việt Nam về mua bán người với ACTIP

Nhìn chung, hiện nay quy định của pháp luật Việt Nam về mua bán người tương đối phù hợp với quy định của ACTIP, tuy nhiên còn một số điểm chưa tương thích như sau:

Thứ nhất, theo pháp luật hình sự Việt Nam thì trẻ em vẫn được xác định là người dưới 16 tuổi, trong khi theo quy định tại khoản d Điều 2 ACTIP, trẻ em là bất kì người nào dưới 18 tuổi. Như vậy, nếu người bị mua bán là người dưới 16 tuổi thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” (Điều 151 BLHS năm 2015); còn nếu người bị mua bán từ đủ 16 tuổi trở lên thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Mua bán người” (Điều 150 BLHS năm 2015). Sự chưa tương thích này dẫn đến những hạn chế trong việc bảo vệ nạn nhân là các đối tượng từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, bởi lẽ đối tượng này không có biện pháp bảo vệ đặc biệt hơn. Ví dụ, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đặt ra những nguyên tắc riêng trong việc bảo vệ nạn nhân là người chưa thành niên như: Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi; bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Ðoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt…. Do đó, nếu coi người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là trẻ em thì sẽ được hưởng những nguyên tắc riêng có lợi hơn như nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ, nguyên tắc không phân biệt đối xử, nguyên tắc tôn trọng trẻ em và cho trẻ em tiếp cận thông tin, quyền được bảo mật thông tin.

Thứ hai, mặc dù trong cấu thành cơ bản của Điều 150 và Điều 151 BLHS năm 2015 đã bám sát định nghĩa của Liên hợp quốc về buôn bán người, nhưng những trường hợp tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp nhưng không chuyển giao để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thì lại không xử lý được về hành vi mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi. Ví dụ: Một đối tượng lừa một người khác sang Malaysia để làm ăn, nhưng khi sang đến Malaysia, họ buộc người này phải bán dâm và chính họ là người tổ chức, môi giới mại dâm, bóc lột lao động tình dục. Do không thỏa mãn dấu hiệu chuyển giao để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác nên không xử lý được về tội “Mua bán người”. Đây là vấn đề vướng mắc khi điều luật quy định không sát với pháp luật quốc tế.

Thứ ba, quy định của ACTIP mới chỉ quan tâm đến xử lý hành vi mua bán người. Trong thực tiễn, nạn nhân của các vụ án mua bán người còn có thể bị xâm phạm tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm); xâm phạm tính mạng, sức khỏe (giết người, cố ý gây thương tích) hoặc các hành vi xâm phạm khác. Theo pháp luật Việt Nam, nếu người phạm tội ngoài hành vi mua bán người còn thực hiện các hành vi phạm tội khác như giết người, hiếp dâm, cưỡng dâm… thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm này. Tuy nhiên, trong các tình tiết tăng nặng định khung của loại tội phạm này cũng có các dấu hiệu của tội phạm khác như cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe cho nạn nhân, làm nạn nhân chết hoặc tự sát. Khi đã là dấu hiệu định khung thì không được coi là dấu hiệu định tội riêng biệt nữa. Do vậy, khi truy cứu trách nhiệm hình sự cần hết sức chú ý để phân biệt và định tội, định khung hình phạt chính xác. Tùy theo từng vụ án cụ thể để xác định là một tội hay nhiều tội. Ví dụ: Một người mua người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân. Họ biết rõ là nếu lấy cả 02 quả thận hoặc quả tim của nạn nhân thì người đó sẽ chết nhưng vẫn thực hiện. Trường hợp này phải xét xử về cả hai tội là “Mua bán người” và “Giết người”. Đây là hành vi cố ý trực tiếp, khác với hành vi làm chết người. Hành vi làm chết người là hành vi của người phạm tội khi thực hiện tội phạm không mong muốn hậu quả xảy ra hoặc không lường trước được hậu quả xảy ra.

Thứ tư, khi nói đến mua bán hay buôn bán người là nói đến mục đích vì lợi nhuận. Thực tiễn xét xử cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam luôn phải điều tra, xác định yếu tố vụ lợi của tội phạm mua bán người, trong khi pháp luật quốc tế lại không coi đó là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, đặc biệt là đối với người dưới 18 tuổi (trẻ em theo pháp luật quốc tế). Đây cũng là một vấn đề chưa tương thích giữa ACTIP và pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành.

Với những điểm chưa tương tích như đã phân tích ở trên của pháp luật Việt Nam hiện hành so với ACTIP, trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao cần phối hợp để rà soát, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về mua bán người sao cho phù hợp với những quy định của ACTIP nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, cũng như thể hiện cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quốc gia thành viên của Việt Nam trong khuôn khổ ASEAN./.

Ths. Bùi Thị Ngọc Lan, Ths. Trần Thế Linh

Tìm kiếm