CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

TÌM HIỂU TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỚI NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN

05/08/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

TÌM HIỂU TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỚI NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN

NGUYỄN VĂN THÌN - Nguyên Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC

Cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngành Kiểm sát nhân dân đang sôi nổi thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 27/3/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới và Chỉ thị số 06 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng khoá X về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Là một cán bộ của Đảng và Nhà nước đã có một thời gắn bó với ngành Kiểm sát nhân dân nay đã được nghỉ hưu; nhân cuộc Hội thảo rất quan trọng của Ngành hôm nay tôi xin trao đổi với các bạn đồng nghiệp những suy nghĩ của mình về tư tưởng Hồ Chí Minh đối với ngành Kiểm sát nhân dân chúng ta, nhằm góp phần vào việc tiếp tục nghiên cứu, học tập để thấm nhuần và nhất là làm thật tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu đối với cán bộ Kiểm sát là "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn".

Như chúng ta đều biết: Đại hội lần thứ VII của Đảng (tháng 4 năm 1991) đã khẳng định: “Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”. Đó là một quyết định rất quan trọng thể hiện bước tiến mới trong tư duy lý luận của Đảng ta. Đến Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4 năm 2001) lại khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể nước ta, kế thừa và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại”.

Để thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đề ra mục đích yêu cầu làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc nguồn gốc, nội dung giá trị, vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tạo chuyển biến mạnh mẽ của mỗi người, mỗi cấp từ Trung ương đến địa phương trong việc vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh để giải quyết những vấn đề thực tiễn trước mắt và lâu dài về xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tạo ra phong trào rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống theo gương Bác Hồ vĩ đại, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức cách mạng và lối sống của một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ cán bộ đảng viên và nhân dân trong cơ chế thị trường, mở rộng hội nhập kinh tế thế giới.

Để thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, toàn ngành Kiểm sát nhân dân chúng ta phải coi đây là một nhiệm vụ công tác rất quan trọng, phải tổ chức nghiên cứu học tập toàn diện tư tưởng Hồ Chí Minh để nắm chắc những vấn đề cơ bản về nội dung nhất là những vấn đề về quyền làm chủ của nhân dân, về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân, vì dân, về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.v.v. để từ những nhận thức đó giúp chúng ta soi sáng bước đi và công tác của Ngành trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và các yêu cầu về cải cách tư pháp.

Trong phạm vi bài tham luận này, tôi chỉ xin trao đổi với các bạn đồng nghiệp những suy nghĩ của mình về tư tưởng Hồ Chí Minh nói về đạo đức, tác phong của người cán bộ cách mạng nói chung và đối với đội ngũ cán bộ Kiểm sát nói riêng. Tôi nghĩ đó là một trong những vấn đề trọng tâm đối với Ngành trong việc nghiên cứu học tập và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.

Trước hết, nói về vấn đề đạo đức của người cán bộ cách mạng: Như chúng ta đều biết Bác Hồ rất quan tâm đến vấn đề đạo đức cách mạng mà bản thân Người là một tấm gương tuyệt vời về đạo đức trong sáng, mẫu mực. Người nói: Đạo đức là cái gốc của người cách mạng, cũng như sông phải có nguồn mới có nước, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo, người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân(1).

Theo Bác Hồ thì đạo đức gắn liền với năng lực; nhờ có đạo đức cách mạng mà mỗi người tự phấn đấu hoàn thiện mình tạo thành năng lực để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng được giao. Nội dung của đạo đức cách mạng rất phong phú nhưng chủ yếu là: Trung với nước, hiếu với dân; là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, là lòng nhân ái yêu thương con người, là nói phải đi đôi với làm.v.v. Người thường giáo dục cán bộ đảng viên trước hết phải thực hiện: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người nói: Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, chính là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ(2). Người còn nói: Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới, là cái cần để làm việc, làm người, làm cán bộ, phụng sự đoàn thể, giai cấp, nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Trong điều kiện mới hiện nay càng phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, chống chủ nghĩa cá nhân. Người nói chủ nghĩa cá nhân đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí(3). Người còn nói: Cán bộ các cơ quan đoàn thể cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là dịp đục khoét làm hại đến lợi ích của nhân dân(4).

Lúc sinh thời Bác Hồ thường dạy chúng ta: Đã là cán bộ cách mạng thì bất cứ ở cương vị nào, lĩnh vực nào đều phải có phẩm chất chính trị,... tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân, kiên định vững vàng với đường lối chính sách của Đảng, phải có kiến thức và năng lực hành động biến đường lối chính sách của Đảng thành hiện thực và phải có lối sống trong sạch, lành mạnh; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Đó là những điều mà Bác Hồ đã dạy đối với cán bộ cách mạng. Riêng đối với ngành Kiểm sát nhân dân ngoài những yêu cầu chung về đạo đức cách mạng như đã nêu trên, Bác yêu cầu người cán bộ Kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đó là lời dạy của Bác khi Bác cho ý kiến về Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960. Bác yêu cầu cán bộ Kiểm sát phải phấn đấu rèn luyện để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Theo suy nghĩ của tôi thì đó là tư tưởng Hồ Chí Minh về phẩm chất chính trị đạo đức, tác phong của người cán bộ Kiểm sát mà trong dịp này chúng ta cần đi sâu nghiên cứu thảo luận phân tích một cách sâu sắc để thấy rõ những mặt tốt để phát huy, nhất là những mặt còn yếu kém tồn tại để khắc phục trong giai đoạn mới của cách mạng.

Để góp phần làm rõ về nội dung những điều mà Bác Hồ đã dạy chúng ta từ những ngày đầu mới thành lập Ngành, tôi xin nêu lên những suy nghĩ của mình có thể chưa được đầy đủ và sâu sắc để các bạn đồng nghiệp cùng tham khảo.

Trước hết chúng ta cần tìm hiểu xuất phát từ đâu, từ những căn cứ nào mà Bác yêu cầu chúng ta phải phấn đấu rèn luyện để có đủ 5 đức tính: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Theo suy nghĩ của tôi thì có lẽ Bác xuất phát từ những căn cứ sau đây:

Trước hết là xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ và tính chất quan trọng của công tác kiểm sát; vì nó là một công tác chính trị đồng thời là một công tác nghiệp vụ khoa học pháp lý, là một trong những nhiệm vụ thực hành quyền lực của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân, vì dân, đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất trong cả nước. Làm tốt công tác kiểm sát có quan hệ đến quyền lực và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nó có quan hệ trực tiếp đến sinh mệnh của con người.

Căn cứ thứ hai đó là phạm vi và đối tượng công tác kiểm sát lúc bấy giờ, theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 rất rộng bao gồm sự tuân thủ pháp luật của các cơ quan Nhà nước thuộc Chính phủ, các cơ quan thuộc chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế - xã hội, các nhân viên Nhà nước và công dân đòi hỏi khi kết luận một hành vi vi phạm pháp luật hay một tội phạm nào đó phải đảm bảo tính chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt kẻ phạm tội… không bỏ sót hành vi phạm tội.

Về nội dung yêu cầu của 5 đức tính: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” theo suy nghĩ của tôi đó là cụ thể hóa về phẩm chất đạo đức và tác phong của người cán bộ Kiểm sát theo tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ.

Trước hết nói về “công minh, chính trực” đó là hai nội dung Bác đặt lên hàng đầu thường gắn liền với nhau thể hiện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, và lương tâm trách nhiệm của người cán bộ Kiểm sát để đảm bảo tính công bằng, minh bạch, ngay thẳng, sáng suốt, không thiên vị, không mờ ám. Tính công minh, chính trực phải được thể hiện ở chỗ khi xử lý hành vi vi phạm pháp luật phải đúng người, đúng tội lỗi của họ, không được oan, sai, không được bỏ sót tội phạm, đảm bảo kỷ cương pháp chế, đảm bảo mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật như Hiến pháp qui định. Để đảm bảo tính công minh, chính trực phải chống chủ nghĩa cá nhân, không nể nang, cảm tình với họ hàng, bạn bè, không được đặt tình cảm cá nhân lên trên lý trí, không vì tư lợi cá nhân sợ mất quyền lợi địa vị, bị sức ép từ phía này hay phía khác mà không dám đấu tranh bảo vệ chân lý, không dám nhận khuyết điểm sai lầm để sửa chữa hoặc vì tự ái cá nhân mà lạm quyền tìm cách trừng phạt trái pháp luật đối với những người dám đấu tranh với những sai trái của mình, hoặc dùng thủ đoạn vặn vẹo, gây khó khăn cho đương sự, tìm cách để xử lý nặng khi họ có thái độ không đúng với mình.

Tính công minh, chính trực mà Bác đặt lên hàng đầu trong 5 đức tính chính là để đảm bảo cho người cán bộ Kiểm sát có đủ bản lĩnh chính trị vững vàng để khi giải quyết công việc nếu đã có đủ căn cứ khoa học để kết luận vấn đề thì phải dám quyết đoán và dám chịu trách nhiệm, không chần chừ do dự, không hữu khuynh né tránh.

Về ba đức tính: Khách quan, thận trọng, khiêm tốn đó là cụ thể hóa về tác phong và phương pháp công tác để đảm bảo tính công minh, chính trực.

Tính khách quan chính là xuất phát từ thực tế, không suy diễn, không xuyên tạc sự thật, không chủ quan phiến diện một chiều; khi xem xét giải quyết một vụ việc nào đó phải nhìn một cách toàn diện, đi sâu vào bản chất, không dừng lại ở hiện tượng, không thành kiến, định kiến. Tính khách quan là phương pháp tư tưởng duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác, biết đi sâu phân tích cụ thể từng vấn đề cụ thể, đi sâu vào bản chất mới có đủ căn cứ khoa học giúp ta kết luận vấn đề một cách khách quan, toàn diện, chính xác.

Tính thận trọng là khi xem xét một sự việc, một con người phải nhìn toàn diện, không tuỳ tiện, không vội vàng, hời hợt, giản đơn mà phải suy tính cân nhắc thật kỹ lưỡng và phải phân tích theo quan điểm lịch sử, quan điểm thực tiễn và toàn diện. Tính thận trọng là thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và ý thức tổ chức kỷ luật, vì mỗi sự việc xảy ra thường có quan hệ giữa quá khứ và hiện tại trong một hoàn cảnh xã hội cụ thể đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát phải đi sâu điều tra nghiên cứu thật chu đáo có đầy đủ cơ sở khoa học giúp cho việc xử lý được chính xác, đúng đường lối, chính sách của pháp luật. Để đảm bảo tính thận trọng phải chống bệnh đại khái, qua loa, ngại khó, tắc trách không đi sâu xem xét thật kỹ lưỡng chu đáo trước khi kết luận và quyết định. Thận trọng nhưng phải kiên quyết không chủ quan nóng vội, không chần chừ do dự.

Tính khiêm tốn là thể hiện đúng mức, không tự cao, tự đại, quan liêu, hống hách; là cán bộ Kiểm sát phải khiêm tốn vì mỗi cá nhân dù tài giỏi đến đâu, có học vấn cao đến mấy cũng không thể sáng suốt bằng trí tuệ của tập thể vì khả năng của mỗi người đều có hạn mà thực tiễn công tác và thực tiễn cuộc sống lại rất phong phú, đa dạng, phức tạp đòi hỏi phải được xem xét một cách sáng suốt, biết lắng nghe ý kiến của quần chúng, biết sàng lọc tiếp thu những ý kiến đúng đắn và phải có thái độ nhã nhặn nhưng không rụt rè tự ti. Là cán bộ Kiểm sát phải khiêm tốn mới được quần chúng gần gũi tin cậy, mới cho ta những điều mình cần biết, mới nhiệt tình giúp ta sửa chữa khuyết điểm. Cán bộ Kiểm sát có khiêm tốn mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc quan hệ phối hợp tốt với các ngành, một yếu tố rất quan trọng để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ.

Những nội dung của 5 đức tính mà Bác Hồ dạy chúng ta đều có quan hệ chặt chẽ với nhau và là một thể thống nhất đảm bảo cho người cán bộ Kiểm sát có đủ phẩm chất và năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng và phương pháp, tác phong công tác đúng đắn.

Trải qua hơn 40 năm vừa chiến đấu vừa xây dựng và trưởng thành, chúng ta rất phấn khởi tự hào vì đã phấn đấu rèn luyện làm theo những điều Bác dạy đã giúp chúng ta hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao qua các thời kỳ cách mạng.

Để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, chúng ta cần tổ chức nghiên cứu học tập tư tưởng Hồ Chí Minh để quán triệt sâu sắc toàn diện những nội dung cơ bản trên cơ sở đó căn cứ vào những điều Bác dạy về đạo đức cách mạng đối với cán bộ nói chung về cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư và căn cứ vào 5 điều Bác dạy đối với cán bộ Kiểm sát nói riêng chúng ta cần nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đối chiếu với tình hình thực tiễn của ngành trong thời gian qua để thấy rõ những ưu điểm để phát huy, tập trung làm rõ và phân tích kỹ những khuyết điểm, nhược điểm còn tồn tại, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của lãnh đạo và từng cá nhân để có chủ trương, biện pháp khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, liên tục làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là làm tốt những điều Bác Hồ đã dạy về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; ra sức xây dựng Ngành thực sự trong sạch, vững mạnh phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, mãi mãi xứng đáng là công cụ đắc lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân mà lúc sinh thời đồng chí Hoàng Quốc Việt kính mến của chúng ta hằng mong muốn.

 

____________________

 

(1) Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. 1995 - tr. 225 - 253.

(2) Sđd. Tập 5. Tr. 642

(3) Sđd. Tập 9. Tr. 292

(4) Sđd. Tập 5. Tr. 641

Tìm kiếm