CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hỏi đáp trực tuyến

Tình tiết “thực hành vi trái pháp luật”

Người gửi: Toan Phuong

Tình tiết “thực hiện hành vi trái pháp luật” quy định tại khoản 1 Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được hiểu như thế nào: Có gắn với hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” hay chỉ gắn với hành vi “sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả”? Hành vi trái pháp luật hình sự bị xử lý theo khoản 1 hay theo khoản 2, khoản 3 Điều này? Để xác minh “hành vi trái pháp luật” cần phải có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật không?

Câu trả lời

Yếu tố “thực hiện hành vi trái pháp luật” quy định tại khoản 1 Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) chỉ gắn với hành vi “sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả”, không gắn với hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Do vậy, hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” không bắt buộc phải gắn với yếu tố “thực hiện hành vi trái pháp luật” thì cũng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Hành vi trái pháp luật” quy định tại khoản 1 Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được hiểu là hành vi trái pháp luật nói chung (kể cả pháp luật hình sự, pháp luật dân sự, pháp luật hành chính…). Trường hợp trái pháp luật hình sự, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý theo quy định tại điểm d khoản 2 (sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng) hoặc điểm b khoản 3 (sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng) Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

“Thực hiện hành vi trái pháp luật” là thực hiện hành vi xâm phạm quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ mà không cần phải có điều kiện là đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Ban Biên tập