CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hỏi đáp trực tuyến

Xác định nơi cư trú ổn định

Người gửi:

Trường hợp đối tượng nghiện ma túy thường xuyên sinh sống tại nơi thường trú (hoặc tạm trú) nhưng do đối tượng di chuyển đến địa phương khác trong thời gian ngắn và bị kẻ xấu lợi dụng cho sử dụng ma túy thì có được xem là không có nơi cư trú ổn định không? 

Câu trả lời

Khoản 1, khoản 2 Điều 12 Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định: 

“1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. 

Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. 

Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú. 

Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.

2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống”. 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 56/2016/NĐ-CP thì không có nơi cư trú ổn định là trường hợp không xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người vi phạm và người đó thường xuyên đi lang thang, không một nơi cố định hoặc trường hợp xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người vi phạm nhưng người đó thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định.

Như vậy, trong trường hợp này, đối tượng được xác định thường xuyên sinh sống tại nơi thường trú (hoặc tạm trú) thì không thể coi là đối tượng không có nơi cư trú ổn định mặc dù đối tượng di chuyển đến địa phương khác trong thời gian ngắn.

Ban Biên tập