CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hỏi đáp trực tuyến

Phân chia di sản thừa kế không có di chúc

Người gửi:

Ông ngoại tôi mất lúc bác trai tôi 4 tuổi, mẹ tôi 2 tuổi. Bà ngoại ở vậy nuôi 2 người con (bác và mẹ tôi). Năm 1958 mẹ tôi đi lấy chồng. Bà ngoại ở với bác trai tôi trên mảnh vườn diện tích 1500m2 do ông ngoại tôi để lại và không có di chúc. Năm 1959 bác lấy vợ sinh được 6 người con. Bác dâu mất năm 1979. Năm 1981, bác trai lấy vợ hai sinh thêm được 2 người con (Tổng là 8 người con). Năm 2004, bác trai làm sổ đỏ đứng tên bác và vợ sau của bác (lúc này 6 anh chị em con bác cả và bà ngoại tôi đều không biết vì bà đang sống với bác nên không để ý). Năm 2014, bà ngoại tôi mất. Năm 2016, bác trai mất và không để lại di chúc. Hiện nay bác dâu hai và con trai út của bác đang sống trên mảnh vườn chung này và anh út đang có ý định làm nhà. Tôi xin hỏi:

1. Việc bác trai lập sổ đỏ đứng tên bác trai và vợ sau của bác năm 2004 khi bà ngoại tôi còn sống có đúng luật không?

2. Việc anh út làm nhà trên mảnh đất này khi chưa phân chia tài sản có được không?

3. Nếu bây giờ một trong những người con của bác khởi kiện thì sẽ phân chia tài sản như thế nào?

Câu trả lời

Theo thông tin bạn cung cấp thì diện tích 1.500 m² đất (vườn) có nguồn gốc của ông ngoại bạn chết để lại, không có di chúc. Theo quy định tại Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 “Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới", do đó, diện tích đất trên là tài sản chung của ông ngoại và bà ngoại bạn; cụ thể tải sản của ông ngoại bạn là ½ = 750m², tài sản của bà ngoại bạn là ½ = 750m². Trong trường hợp cả ông ngoại và bà ngoại bạn chết không để lại di chúc; nếu không có cơ sở nào cho thấy ông ngoại và bà ngoại bạn đã tặng cho ai phần tài sản của ông, bà là mảnh đất nêu trên thì diện tích đất của ông, bà ngoại bạn được xác định là di sản thừa kế của ông, bà ngoại bạn; di sản thừa kế của ông, bà ngoại bạn được phân chia theo pháp luật.

Trường hợp một trong những người con của bác bạn khởi kiện thì sẽ phân chia tài sản như sau:

Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, những người được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật của ông bà ngoại bạn là bố, mẹ của ông, bà ngoại bạn (nếu còn sống), bác trai bạn và mẹ bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông, bà ngoại bạn. Một trong những người con của bác trai bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bác nên có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế do cha đẻ để lại. Những người được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật của bác trai bạn là bác dâu thứ hai và 08 người con của bác trai bạn.

Tuy nhiên, theo thông tin bạn đưa ra thì ông ngoại bạn chết trước năm 1958 (năm mẹ bạn đi lấy chồng), bà ngoại bạn chết năm 2014. Theo quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 (người có tài sản chết trước ngày 10/9/1990) thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: Thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/9/1990. Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế đối với phần tài sản của ông ngoại bạn để lại đã hết. Nếu trước khi Tòa án ra bản án sơ thẩm không có ai yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu thì Tòa án sẽ chia toàn bộ di sản thừa kế của ông bà ngoại bạn theo pháp luật theo thủ tục chung. Trường hợp có người yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu thì Tòa án chỉ chia thừa kế đối với phần tài sản của bà ngoại bạn để lại (1/2 khối di sản thừa kế), phần di sản của ông ngoại bạn thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản là bác dâu thứ hai và anh trai út bạn (Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản 2 Điều 184 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015). Do dữ liệu bạn không nêu rõ khoảng thời gian 07 người con khác của bác trai bạn sinh sống trên mảnh vườn trên trong khoảng thời gian bao lâu, nếu có căn cứ thì những người này cũng được xem xét xác định là có công quản lý di sản do ông ngoại bạn để lại và được hưởng một phần công sức quản lý di sản này theo quy định tại Điều 618 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Thời điểm năm 2004, di sản của ông ngoại bạn chưa được phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật; do đó, việc bác trai bạn làm thủ tục để được cấp sổ đỏ đứng tên bác và vợ sau (vợ hai) của bác mà không được sự đồng ý của bà ngoại bạn và những người thừa kế của ông ngoại bạn (trong đó có mẹ bạn) là vi phạm quy định của pháp luật, việc anh út nhà bác bạn làm nhà trên mảnh đất này khi chưa phân chia di sản cũng là vi phạm pháp luật.

Khi phân chia di sản thừa kế, Tòa án sẽ tính cho gia đình bác bạn công sức tôn tạo, bảo quản di sản và giá trị tài sản gia đình bác bạn đã tạo dựng trên đất. Trường hợp có thể chia bằng hiện vật thì gia đình bác bạn có thể được ưu tiên nhận phần đất có nhà, công trình gia đình bác bạn đã xây dựng để bảo đảm ổn định cuộc sống, nếu không thể chia bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật.

Câu trả lời mang tính chất tham khảo.

BBT