Điều 29 BLHS năm 2015 quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự (TNHS). Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền miễn TNHS cho người phạm tội. Theo Điều 230 BLTTHS về đình chỉ điều tra và Điều 248 BLTTHS về đình chỉ vụ án, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án trong các trường hợp quy định tại Điều 16, Điều 29, khoản 2 Điều 91 BLHS hoặc khoản 2 Điều 155 BLTTHS. Nếu căn cứ vào quy định này, có thể khẳng định việc miễn TNHS thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.
Như vậy, nếu có đủ căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 29 thì Cơ quan điều tra có thể quyết định miễn trách nhiệm hình sự và ra quyết định đình chỉ điều tra. Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng và những vấn đề khác có liên quan.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 230 BLTTHS năm 2015, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra kèm theo hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố theo thời hạn, trình tự, thủ tục quy định tại BLTTHS năm 2015.
Quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra, Yêu cầu phục hồi điều tra vụ án hình sự, Yêu cầu phục hồi điều tra đối với bị can, Quyết định truy tố của Viện kiểm sát được lập theo Mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Vụ 14, VKSND tối cao