Theo thông tin bạn cung cấp, xác định được mảnh đất có nguồn gốc của ông bà nội bạn để lại, nhưng đã được cấp giấy chứng nhận QSĐ đất đứng tên bố bạn vào năm 1993 (sau khi ông bà nội mất, trong khi ông bà mất không để lại di chúc). Do vậy, có thể khẳng định việc bố bạn đứng tên trong giấy chứng nhận QSD đất vào năm 1993 nhưng không có sự đồng ý của các đồng thừa kế là 07 người con của ông bà nội bạn là chưa đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật vì mảnh đất này được xác định là di sản thừa kế của ông bà nội để lại. Về tài sản là ngôi nhà trên đất, bạn không nêu rõ nguồn gốc ngôi nhà đó là do ông bà nội bạn xây dựng để lại hay do bố mẹ bạn xây dựng và cùng sinh sống ổn định, lâu dài cùng ông bà nội bạn. Do vậy, cần phải làm rõ thì mới xác định ngoài mảnh đất là di sản của ông bà nội để lại còn có ngôi nhà trên đất (nếu ngôi nhà là của ông bà xây dựng) có phải là di sản thừa kế do ông bà nội bạn để lại hay không?
Từ nhận định này, trên cơ sở quy định của pháp luật, có thể trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Cô bạn là 1 trong 07 người con của ông bà nội bạn có quyền yêu cầu chia tài sản thừa kế do ông bà nội bạn để lại là mảnh đất và ngôi nhà trên đất (nếu có căn cứ xác định do ông bà xây dựng). Bởi vì:
1. Theo quy định tại các điều 609, 610, 613 Bộ luật Dân sự về “Quyền thừa kế”, “Quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân”, “Người thừa kế” trong phần “Quy định chung về thừa kế” quy định: Cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật; cá nhân đều bình đẳng về quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật; người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
2. Tại khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Những trường hợp thừa kế theo pháp luật” áp dụng trong các trường hợp sau đây: “a) Không có di chúc; b) Di chúc không hợp pháp; …” (trường hợp bạn hỏi thuộc điểm a).
- Tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”
Như vậy, 07 người con của ông bà nội bạn là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (trường hợp 1 người con trong 7 người con của ông bà nội bạn đã chết trước khi ông bà nội mất thì con (các con) của người đó được hưởng phần di sản mà cha, mẹ được hưởng theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Thừa kế thế vị” nếu người đó có con vì dữ liệu bạn đưa ra không rõ). Trường hợp chỉ có cô bạn là người có yêu cầu khởi kiện chia thừa kế còn các đồng thừa kế khác không khởi kiện và không có yêu cầu chia thừa kế thì thực hiện “Quyền từ chối nhận di sản” được quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự và việc phân chia di sản thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nội dung quan trọng cần phải xác định “Thời hiệu thừa kế” có còn hay không để thực hiện yêu cầu khời kiện chia thừa kế? Theo dữ liệu bạn đưa ra, đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản. Tại Công văn giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn “Trường hợp người để lại di sản thừa kế chết trước năm 1987 mà hiện nay Tòa án mới thụ lý, giải quyết tranh chấp thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản” được xác định như sau: “Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: Thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/9/1990”.
Bên cạnh đó, theo nội dung Án lệ số 26/2018/AL của TAND tối cao được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua ngày 17/10/2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018 của Chánh án TAND tối cao về xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu và thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản, áp dụng trong trường hợp này xác định thời hiệu khởi kiện vẫn còn.
Như vậy, trường hợp bạn hỏi (bà nội mất năm 1982, ông nội mất năm 1987) thuộc trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 nên thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/9/1990, tính đến 10/9/2020 mới hết thời hiệu khởi kiện.
Do vậy, cô bạn có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của ông bà nội hiện do bố bạn đang quản lý sử dụng và thời hiệu khởi kiện được tính đến ngày 10/9/2020 (chưa tính thời gian được trừ khi xác định thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/01/1991 và di sản là nhà ở (trường hợp nhà trên đất do ông bà nội của bạn xây dựng được tính vào di sản thừa kế), trong thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 không được tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia được hướng dẫn tại Công văn giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 nêu trên của Tòa án nhân dân tối cao).
Vụ 9, VKSND tối cao