Khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về điều kiện đương nhiên được xóa án tích như sau:
“2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: ...”.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và điểm a khoản 2 Điều 7a Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì thi hành khoản bồi thường cho bị hại theo bản án, quyết định của Tòa án là nghĩa vụ của A; nếu A không thi hành khoản bồi thường cho bị hại nêu trên (mặc dù đã thi hành xong phần hình phạt chính và đã đóng án phí) thì vẫn bị coi là chưa chấp hành xong bản án, quyết định của Tòa án và không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 6 và điểm a khoản 1 Điều 7a Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì A và bị hại có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận. Do vậy, trong trường hợp mặc dù đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án, bị hại không có đơn yêu cầu thi hành án nhưng giữa A và bị hại đã có thỏa thuận thi hành án về việc A không phải thi hành khoản tiền bồi thường cho bị hại theo bản án, quyết định của Tòa án thì A không phải thi hành khoản tiền này nữa và A đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) khi thỏa thuận đó được lập thành văn bản, nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia thỏa thuận theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Vụ 14