CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hỏi đáp trực tuyến

Biên bản kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở có được coi là kết luận giám định?

Người gửi: Nguyen Ngoc Ai

A điều khiển xe mô tô lưu thông trên đường thì va chạm với B (đang đi bộ cùng chiều với A). B bị thương được đưa đi cấp cứu. Sau khi tai nạn xảy ra, Cảnh sát giao thông đến giải quyết vụ việc và dùng máy đo nồng độ cồn của A. Kết quả nồng độ cồn trong hơi thở của A vượt quá mức cho phép, A cũng xác nhận là có uống rượu trước khi lái xe. Ngay hôm sau, B tử vong. Kết luận giám định: B chết do chấn thương sọ não.

Vấn đề pháp lý cần giải quyết: A phạm tội theo quy định tại điểm a khoản 1 hay điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự là đúng?

Quan điểm 1: A phạm tội theo khoản 1, vì Biên bản kiểm tra nồng độ cồn không phải là kết luận giám định, không được xem là chứng cứ. Cần phải có kết luận giám định của cơ quan y tế về nồng độ cồn trong máu của A mới có đủ cơ sở.

Quan điểm 2: A phạm tội theo khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự. Vì Biên bản kiểm tra nồng độ cồn là kết quả của máy đo (máy này được cơ quan có thẩm quyền cấp, được kiểm tra chất lượng định kỳ), do cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra - Cảnh sát giao thông, Biên bản này phù hợp với quy định tại Điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự, nên Biên bản này được xem là kết luận giám định, là chứng cứ xác định A phạm tội quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự.

Câu trả lời

Với nội dung nêu trên, theo Biên bản kiểm tra nồng độ cồn tuy không phải là kết quả giám định, nhưng là tài liệu khác theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và có nội dung phù hợp với lời khai của A nên vẫn được xác định là chứng cứ trong vụ án.

Vì vậy, trong trường hợp này A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự.

Vụ 2 VKSND tối cao