1. Theo quy định tại Điều 172 và Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, đối với tội phạm nghiêm trọng thì: (1) thời hạn điều tra là không quá 03 tháng, có thể gia hạn 02 lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng, lần thứ hai không quá 02 tháng; (2) thời hạn tạm giam để điều tra là không quá 03 tháng, có thể được gia hạn một lần không quá 02 tháng. Do đó, mặc dù đã hết thời hạn gia hạn tạm giam đối với bị can A nhưng thời hạn điều tra của vụ án này vẫn còn 01 tháng của lần gia hạn điều tra lần thứ nhất và không quá 02 tháng của lần gia hạn điều tra lần thứ hai (nếu được gia hạn). Vì vậy, nếu khởi tố thêm bị can B về loại tội phạm nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 304 Bộ luật Hình sự thì việc tạm giam bị can B trong thời hạn không quá thời hạn điều tra còn lại (không quá 01 tháng của lần gia hạn điều tra lần thứ nhất và không quá 02 tháng của lần gia hạn điều tra lần thứ hai (nếu được gia hạn) là phù hợp với quy định của BLTTHS.
2. Việc bị can A đã hết thời hạn tạm giam được xử lý như sau:
2.1. Trường hợp có đủ căn cứ để kết thúc điều tra đối với bị can A và có căn cứ để tách vụ án đối với bị can B (trước 0 giờ 00 phút ngày bị can A hết hạn tạm giam)
Trường hợp có đủ căn cứ để kết thúc điều tra đối với bị can A thì cơ quan thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện tách vụ án theo quy định của BLTTHS và chuyển vụ án sang giai đoạn truy tố đối với bị can A để tiếp tục giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng quy định. Mặt khác, tiếp tục thực hiện điều tra đối với bị can B.
2.2. Trường hợp chưa đủ căn cứ để kết thúc điều tra đối với bị can A thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xử lý như sau:
Khoản 7 Điều 173 BLTTHS năm 2015 quy định: “Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người bị tạm giam phải được trả tự do. Trường hợp xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác”.
Vì vậy, mặc dù vẫn còn thời hạn điều tra nhưng nếu đã hết thời hạn tạm giam để điều tra đối với bị can A thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải trả tự do cho bị can A; đồng thời, nếu xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác đối với bị can A để bảo đảm việc giải quyết vụ án hình sự.
Câu trả lời có tính chất tham khảo.