Trước ngày 10/12/2009 (thời điểm Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có hiệu lực), “sổ hồng” là cách gọi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Sau thời điểm trên, “sổ hồng” là chỉ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đây là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì: “Trường hợp nhiều người được thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà những người được hưởng thừa kế có văn bản thỏa thuận chưa phân chia thừa kế và đề nghị cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện đối với toàn bộ diện tích đất, tài sản gắn liền với đất để thừa kế thì cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện đó…Trên Giấy chứng nhận ghi thông tin của người đại diện …, dòng tiếp theo ghi "Là người đại diện của những người được thừa kế gồm:..””. Như vậy, các đồng thừa kế có quyền sử dụng, định đoạt phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của mình theo quy định của pháp luật về chế độ sở hữu chung. Người đại diện thừa kế đứng tên trên “sổ hồng” chỉ có thể thực hiện giao dịch mua bán nhà đất hoặc sang tên đổi chủ khi được sự đồng ý (thể hiện qua văn bản ủy quyền hợp pháp) của tất cả những người thừa kế nhà đất đó.
Câu trả lời có tính chất tham khảo.