Quyết định kỷ luật buộc thôi việc là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính là “quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống” (khoản 2 Điều 30 Luật tố tụng hành chính năm 2015).
Vụ án lao động không giải quyết khiếu kiện Quyết định kỷ luật buộc thôi việc, mà giải quyết tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải (điểm a khoản 1 Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
Như vậy, trong trường hợp này, để phân biệt quan hệ tranh chấp là đối tượng giải quyết của vụ án hành chính hay vụ án lao động thì cần căn cứ vào 02 yếu tố: hình thức xử lý kỷ luật (buộc thôi việc hoặc sa thải) và chủ thể bị xử lý kỷ luật (công chức hoặc giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống hoặc người lao động khác). Trong đó, hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc có thể được áp dụng đối với công chức (điểm e khoản 1 Điều 79 Luật Cán bộ, công chức năm 2008) hoặc viên chức (điểm d khoản 1 Điều 52 Luật Viên chức năm 2010); nếu hình thức xử lý kỷ luật này được áp dụng đối với công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống mà công chức khiếu kiện thì vụ việc được giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính. Nếu hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc được áp đối với viên chức, hình thức xử lý kỷ luật sa thải được áp dụng với người lao động không phải là cán bộ, công chức, viên chức (khoản 3 Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2012), nếu viên chức, người lao động khởi kiện thì được xác định là vụ án lao động và được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.