VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI DẠY CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI CÁN BỘ KIỂM SÁT "CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN"
ĐỖ KHẮC TIỆP - Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người Thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới. Tư tưởng và đạo đức của Người là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hoá của nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta; là tấm gương sáng để mọi người chúng ta học tập và noi theo.
Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'' là một chủ trương lớn, vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện Chỉ thị số 03/VKSTC/CT-V9 ngày 16/4/2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao về tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong ngành Kiểm sát nhân dân; ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đến toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và nhân viên ở hai cấp tỉnh, huyện. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để ngành Kiểm sát Đắk Lắk thực hiện trong năm 2007 và những năm tiếp theo.
Sau khi Hiến pháp năm 1959 ra đời, ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 20-LCT công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đánh dấu sự ra đời của ngành Kiểm sát nhân dân trong hệ thống chính trị Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những ngày đầu mới thành lập, ngành Kiểm sát nhân dân vinh dự được Bác Hồ quan tâm, Người căn dặn: Cán bộ Kiểm sát phải: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn''. Đến nay đã 47 năm xây dựng và trưởng thành, lời căn dặn của Bác vẫn còn nguyên giá trị; vừa là nền tảng vừa là giá trị đạo đức của người cán bộ, công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Để thực hiện tốt lời dạy của Bác và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trước hết phải xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thật sự trong sạch, vững mạnh, có đầy đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân trong sự nghiệp đổi mới của đất nước. Người cán bộ Kiểm sát phải có đủ cả 5 đức tính: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn''; thiếu một trong 5 đức tính đó thì không thể trở thành người cán bộ Kiểm sát chân chính. Vì vậy, người cán bộ Kiểm sát còn phải rèn luyện, học tập đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là: "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư".
Khi nói về đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời, thiếu một phương thì không thành đất, thiếu một đức thì không thành người".
Trong những năm qua, nhất là sau khi tách tỉnh theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội khoá XI; kinh tế của Đắk Lắk phát triển với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trên 10%, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh, chính trị được giữ vững, quốc phòng được tăng cường. Tuy vậy, tình hình vi phạm và tội phạm vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng năm sau cao hơn năm trước, vẫn còn tiềm ẩn những bất ổn về chính trị, đó là sự chống phá của các thế lực thù địch mà đáng chú ý là bọn Fulrô lưu vong ở Mỹ cấu kết với các phần tử xấu ở trong nước gây bạo loạn và tổ chức người vượt biên trái phép, với chiêu bài dựng nên "Nhà nước Đê Ga" kéo theo hoạt động của đạo tin lành Đề Ga... Cùng với sự phát triển của tỉnh Đắk Lắk, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk được thành lập ngày 23/4/1976, đến năm 2004 chia tách thành Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông. Từ những ngày đầu thành lập cho đến khi chia tách tỉnh và cho đến nay, ngành Kiểm sát Đắk Lắk luôn coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác, lấy lời dạy của Bác Hồ: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" làm mục đích, tôn chỉ và thước đo để cán bộ, Kiểm sát viên học tập, rèn luyện và phấn đấu. Đi đôi với việc xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, ngành Kiểm sát Đắk Lắk đã thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, được Cấp uỷ địa phương đánh giá cao kết quả công tác kiểm sát hàng năm.
Để "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'' đòi hỏi cán bộ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và nhân viên ngành Kiểm sát Đắk Lắk phải hết sức nhạy bén, thận trọng trong giải quyết công việc, vượt qua khó khăn, dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ công lý, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn".
Để thực hiện tốt lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng chương trình hành động với những chủ trương sau:
- Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân hai cấp (tỉnh, huyện) đã phối hợp với Cấp uỷ Đảng quán triệt Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 03/VKSTC/CT-V9 ngày 16/4/2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong ngành Kiểm sát nhân dân và triển khai thực hiện theo kế hoạch đã đề ra tới toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và nhân viên ngành Kiểm sát Đắk Lắk để có nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, về đức tính: "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", về lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát; từ đó dấy lên phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Việc thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
- Cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã được gắn với việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của Ngành và nhiệm vụ chính trị của địa phương; bằng kế hoạch công tác kiểm sát hàng năm của ngành Kiểm sát Đắk Lắk mà trọng tâm là:
Tiếp tục thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Kế hoạch số 23/KH-VKSTC-V8 ngày 14/6/2006 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW trong ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2006 – 2010; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 03/2006/VKSTC-TCCB ngày 21/8/2006 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí trong ngành Kiểm sát nhân dân. Ngày 04/10/2006, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng Chương trình số 517/CT/VKS-VP để thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
- Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân ở hai cấp (tỉnh, huyện) đã phối hợp với Cấp uỷ Đảng, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và chính quyền địa phương để nhận xét đánh giá cán bộ, đảng viên từ đó để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên. Định kỳ hàng năm vào dịp sinh nhật Bác (19/5), Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân ở hai cấp đã phối hợp với Cấp uỷ, Ban chỉ đạo cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tiến hành tổ chức sơ kết, đồng thời phát động phong trào thi đua cho năm tiếp theo và tiến hành tổng kết cuộc vận động vào ngày 03/3/2011.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắkđã triển khai những biện pháp cụ thể sau:
- Trước hết là tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của ngành Kiểm sát Đắk Lắk trong năm 2007 và những năm tiếp theo là: Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực giải quyết án hình sự, hạn chế đến mức thấp nhất việc để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Phối hợp với Cơ quan điều tra và Toà án tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, các vụ án tham nhũng, buôn lậu, xâm hại tài nguyên, tội phạm ma tuý và các tội phạm có tổ chức đã bị phát hiện. Tăng cường công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù và kiểm sát thi hành án; nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, các vụ án hành chính. Thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tạo bước chuyển biến căn bản trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân; đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Cấp uỷ địa phương.
- Tiếp tục củng cố, kiện toàn về tổ chức và tăng cường cán bộ đối với các đơn vị mới được tăng thẩm quyền và dự kiến tăng thẩm quyền trong những năm tiếp theo. Rà soát đội ngũ cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh để phân loại, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ, trên cơ sở đó để đề bạt, bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ hợp lý. Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và làm tốt công tác luân chuyển cán bộ theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Để làm tốt việc đó thì phải tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng nhằm không ngừng nâng cao đạo đức công vụ và ý thức trách nhiệm của người cán bộ Kiểm sát. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện cuộc vận động. Phát hiện và kiên quyết ngăn chặn những sai phạm, khuyết điểm vi phạm kỷ luật và pháp luật; xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với cán bộ, đảng viên trong ngành Kiểm sát Đắk Lắk vi phạm phẩm chất đạo đức, tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ, bè phái, cục bộ, gây mất đoàn kết trong nội bộ.
- Thực hiện nghiêm Quy chế thông tin, báo cáo, quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân, Quy chế kiểm tra, Quy chế phối hợp giữa các đơn vị và các quy chế nghiệp vụ, bảo đảm chế độ tập trung thống nhất trong toàn Ngành. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát cấp huyện. Các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có trách nhiệm báo cáo kịp thời, đầy đủ hoạt động của mình về Viện kiểm sát nhân dân tỉnh theo quy định. Các Phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh xây dựng các chuyên đề theo yêu cầu của các Vụ nghiệp vụ trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thực hiện tốt Nghị quyết số 388 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương để xử lý kịp thời các vụ án về an ninh. Viện kiểm sát hai cấp thực hiện nghiêm túc các quy định về xử lý thông tin do báo chí nêu liên quan đến đơn vị mình. Tăng cường phối hợp công tác giữa Viện kiểm sát nhân dân với Uỷ ban kiểm tra Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp. Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công tác mà nhất là trong quản lý án hình sự, thống kê tội phạm.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành Kiểm sát Đắk Lắk, rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy chế mới phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Thực hiện công khai minh bạch đúng pháp luật về công tác tổ chức, cán bộ và lĩnh vực tài chính.
- Viện kiểm sát hai cấp thực hiện tốt chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí hành chính, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế quản lý kinh phí, tài sản đảm bảo việc quản lý sử dụng theo đúng quy định của pháp luật và hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Với ý chí vươn lên, cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk tích cực rèn luyện, phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để cùng với cán bộ ngành Kiểm sát trong cả nước xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn".