CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự tại VKSND TP. Đà Nẵng

20/06/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Chủ động triển khai Chi thị của Viện trưởng VKSND tối cao, kế hoạch của Ngành và biện pháp kiểm tra việc thực hiện: Ngay từ đầu năm Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đã quán triệt và tổ chức cho Viện kiểm sát hai cấp thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự; Chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ sớm có Chương trình công tác và hướng dẫn nghiệp vụ cho Viện kiểm sát cấp huyện, yêu cầu Viện kiểm sát hai cấp thực hiện nghiêm kế hoạch công tác số 22 ngày 18/01/2011, số 20 ngày 20/01/2012...
Biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành
quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự tại VKSND TP. Đà Nẵng
 
Chủ động triển khai Chi thị của Viện trưởng VKSND tối cao, kế hoạch của Ngành và biện pháp kiểm tra việc thực hiện:
 Ngay từ đầu năm Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đã quán triệt và tổ chức cho Viện kiểm sát hai cấp thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự; Chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ sớm có Chương trình công tác và hướng dẫn nghiệp vụ cho Viện kiểm sát cấp huyện, yêu cầu Viện kiểm sát hai cấp thực hiện nghiêm kế hoạch công tác số 22 ngày 18/01/2011, số 20 ngày 20/01/2012; yêu cầu tự kiểm tra; tổ chức kiểm tra 6 Viện kiểm sát cấp huyện nhằm thực hiện Kế hoạch số 240: Thanh Khê, Sơn Trà, Hải Châu, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang; kịp thời ra Thông báo số 287 ngày 04/11/2011 đánh giá về những ưu điểm và hạn chế, rút kinh nghiệm chung về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân thành phố.
Lãnh đạo Viện được phân công phụ trách địa bàn và Lãnh đạo các Phòng nghiệp vụ định kỳ hàng tháng trực tiếp dự họp với Viện kiểm sát quận, huyện để nghe, nắm tình hình và chỉ đạo rút kinh nghiệm về những việc thực hiện chưa tốt, nhất là trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự.
 Về ban hành văn bản chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan tư pháp:
Viện kiểm sát hai cấp là cơ quan chủ trì phối hợp ký kết Quy chế phối hợp liên ngành số 01 ngày 25/4/2008 về tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác về tội phạm với cơ quan Công an, Tòa án, Bộ đội Biên phòng, Quân sự, Hải quan, Kiểm Lâm, Thi hành án dân sự, Thuế, Quản lý thị trường; chủ trì tổ chức Hội nghị liên ngành để kiểm điểm trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện Quy chế có đại diện cấp ủy cùng cấp tham dự và chỉ đạo Viện kiểm sát các quận, huyện tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm việc thực hiện Quy chế.
Viện kiểm sát nhân dân thành phố cùng Công an, Toà án, Cục Thi hành án dân sự thành phố ban hành Quy chế số 02/2009/LN-QCPH, ngày 29/12/2009, phối hợp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp; cùng với Công an, Tòa án, Trung tâm pháp y thành phố ký ban hành Quy chế số 01/QC-PHLN/VKS-CA-TA-PY, ngày 19/10/2011, phối hợp trong việc thực hiện công tác giám định về pháp y trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; trực tiếp chủ trì tổ chức Hội nghị liên ngành gồm các cơ quan: Công an, Toà án, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp của Thành uỷ, Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng thành phố, Hội đồng nhân dân thành phố, Mặt trận Tổ quốc thành phố, để kiểm điểm kết quả thực hiện công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong giải quyết án hình sự.
Biện pháp xác định trách nhiệm sâu sát của kiểm sát viên và phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra: Phân công cán bộ, Kiểm sát viên trực tiếp phụ trách theo dõi, cập nhật tình hình thụ lý và giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm; chủ động tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám nghiệm dấu vết
- Xây dựng Chuyên đề “Tăng cường trách nhiệm trong hoạt động điều tra theo yêu cầu cải cách tư pháp” nhằm nâng cao nhận thức các quy định của pháp luật về thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và Kiểm sát viên cả hai cấp để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 94, Điều 112 và Điều 113 BLTTHS.
- Chỉ đạo yêu cầu  Kiểm sát viên lập hồ sơ kiểm sát thực hiện theo trình tự thủ tục quy định tại Quyết định số 07/QĐ-VKSTC ngày 02/01/2008 của VKSND tối cao, phải thường xuyên theo dõi hoạt động điều tra của Điều tra viên, nắm bắt kịp thời kết quả điều tra vụ án, đảm bảo cho việc đánh giá chứng cứ được chính xác và kết thúc điều tra trong thời hạn luật định.
- Phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư Liên tịch số 01 ngày 27/8/2010 của Liên ngành Trung ương về trả hồ sơ điều tra bổ sung; chỉ đạo, yêu cầu Kiểm sát viên chủ động nghiên cứu hồ sơ vụ án ngay từ khi khởi tố vụ án, bám sát hoạt động điều tra của Điều tra viên để kịp thời đề ra yêu cầu điều tra đảm bảo có có căn cứ, được Điều tra viên, Cơ quan điều tra tiếp thu; những trường hợp cần thiết đã trực tiếp tham gia cùng Điều tra viên hỏi cung bị can.
- Khi chuẩn bị kết thúc điều tra, Kiểm sát viên chủ động nghiên cứu hồ sơ vụ án, tổng hợp đánh giá chứng cứ, kịp thời góp ý kiến, yêu cầu bổ sung trước khi hồ sơ và kết luận điều tra chuyển sang Viện kiểm sát, nhằm hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Kết hợp với cơ quan Tòa án nhân dân:
- Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Toà án để chọn và xác định các vụ án trọng điểm thuộc các loại tội mà dư luận xã hội quan tâm để tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nhanh kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, Viện kiểm sát hai cấp xác định 38 vụ án điểm, đảm bảo thời hạn giải quyết nhanh, áp dụng pháp luật chính xác, đường lối xử lý nghiêm khắc, có tác dụng giáo dục, phòng ngừa.
 - Từ những biện pháp chỉ đạo nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng đã đạt được kết quả cụ thể: đã chủ động kiểm sát việc xử lý 1076/1233 tin báo, tố giác tội phạm, đạt 87,27%, khởi tố 738 vụ, không khởi tố 182 vụ, xử lý hành chính 74, chuyển xử lý theo thẩm quyền 82 tin, quyết định hủy quyết định khởi tố bị can 16 trường hợp, yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố điều tra 02 vụ/02 bị can. Các quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát trong việc bắt, tạm giữ, khởi tố bị can và tạm giam bị can về cơ bản đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật. Viện kiểm sát hai cấp quyết định không phê chuẩn lệnh bắt tạm giam 09 bị can, không phê chuẩn lệnh tạm giam 05 bị; huỷ bỏ biện pháp tạm giam 28 trường hợp; ban hành 44 kiến nghị với Cơ quan điều tra do vi phạm về thủ tục tố tụng qua các vụ án, bị can như: không lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, địa điểm lấy lời khai người làm chứng không chính xác, đúng pháp luật. Viện kiểm sát cấp huyện ban hành 06 kiến nghị với Tòa án vi phạm trong hoạt động xét xử; và 06 kiến nghị các Cơ quan tổ chức khác trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, được ngành bạn tiếp thu; trả hồ sơ điều tra bổ sung 17 vụ/796 vụ, tỷ lệ 2,14%, chấp nhận điều tra bổ sung 14/894 vụ, chiếm tỷ lệ 1,56%, không chấp nhận 15 vụ (đã hoàn lại hồ sơ và Tòa án đã đưa ra xét xử như Cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát).
- Làm tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra nên hạn chế được số vụ án và bị can đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra. Cơ quan điều tra đình chỉ điều tra 13 vụ/19 bị can, Viện kiểm sát đình chỉ: 05 vụ/09 bị ca, Các quyết định đình chỉ trên đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật. Các bị can bỏ trốn đều có Lệnh truy nã trước khi tạm đình chỉ.
Tuy nhiên trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng còn một số tồn tại như: phân loại xử lý tin báo, tố giác tội phạm chưa thật chính xác, kịp thời, nhiều tin không có dấu hiệu tội phạm vẫn thụ lý dẫn đến phải xử lý hành chính 74 tin, xử lý khác 82 tin, thời hạn xử lý tin báo, tố giác về tội phạm còn dài; đến thời điểm kiểm tra 157 tin báo, tố giác tội phạm chưa được phân loại giải quyết. Việc ghi chép sổ thụ lý tin báo, tố giác tội phạm chưa thể hiện đầy đủ các nội dung theo đúng cột mục… Không lập đầy đủ hồ sơ kiểm sát việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm. Còn tình trạng phải huỷ bỏ tạm giữ, tạm giam (năm 2001, cả hai cấp phải huỷ bỏ quyết định tạm giữ 26 trường hợp, huỷ bỏ tạm giam 25 người, trả tự do khi bị can có quyết định đình chỉ 02 người). Còn thụ động trong phối hợp với Điều tra viên để thúc đẩy tiến độ điều tra hoặc có vụ việc nghiên cứu hồ sơ chưa toàn diện chậm đề ra yêu cầu điều tra, nội dung yêu cầu điều tra chung chung, thiếu cụ thể; chưa kiểm sát việc thực hiện của Điều tra viên nên khi kết thúcđiều tra, truy tố mới phát hiện thiếu sót phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, có trường hợp phải trả điều tra bổ sung nhiều lần. Kiểm sát viên thực hiện kiểm sát điều tra chưa kiểm sát chặt chẽ đối với các quyết định của Cơ quan điều tra, nên không kịp thời phát hiện ra các vi phạm, thiếu sót của Cơ quan điều tra để kiến nghị khắc phục. Có trường hợp Viện kiểm sát quyết định đình chỉ, nhưng chỉ ra Quyết định đình chỉ vụ án, không ra Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, đình chỉ do người bị hại rút yêu cầu theo khoản 2 Điều 105 BLTTHS. Hồ sơ KSĐT vụ án hình sự chưa được lập theo quy định tại Quyết định số 07/QĐ ngày 12/01/2006 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao như: sắp xếp, đánh số bút lục và lập danh mục thống kê tài liệu có trong hồ sơ; thiếu việc trích cứu hoặc sao lục các tài liệu điều tra nên chưa thể hiện các thao tác nghiệp vụ của Kiểm sát viên trong hoạt động kiểm sát điều tra. Viện kiểm sát áp dụng căn cứ để đình chỉ hoặc huỷ bỏ quyết định khởi tố bị can còn không đúng.
Nguyên nhân tồn tại trên: Kiểm sát viên còn chưa kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác về tội phạm, căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, việc điều tra vụ án và việc quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra nên chưa kịp thời phát hiện những thiếu sót, vi phạm của Cơ quan điều tra để kiến nghị khắc phục. Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhận thức chưa đầy đủ các quy định của pháp luật nên việc đánh giá chứng cứ, tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội của các bị can trong một số vụ án, chưa toàn diện dẫn tới đường lối xử lý chưa chính xác, để lọt tội phạm. Việc theo dõi, quản lý của Phòng nghiệp vụ đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra của Viện kiểm sát cấp huyện còn chưa chặt chẽ nên không kịp thời phát hiện ra những thiếu sót, vi phạm để tham mưu cho Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thành phố chỉ đạo rút kinh nghiệm hoặc có biện pháp khắc phục vi phạm.
Trong thời gian tới, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng phát huy nhưng thành tích đạt được, khắc phục những tồn tại trên, tăng cường quản lý, kiểm tra công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự, công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, các trường hợp đình chỉ, tạm đình chỉ v.v… ở hai cấp, nâng cao chất lượng xây dựng hồ sơ kiểm sát, chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự theo yêu cầu nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đáp ứng yêu cầu của tiến trình cải cách tư pháp.
T.H 
Tìm kiếm