CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Rút kinh nghiệm trong việc kiểm sát việc giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình mà bị đơn vắng mặt tại nơi cư trú

05/02/2016
Cỡ chữ:   Tương phản
Thông qua thực tiễn công tác kiểm sát đối với các vụ án hôn nhân và gia đình mà bị đơn vắng mặt tại nơi cư trú, không tìm được địa chỉ của bị đơn, thấy rằng việc giải quyết còn có vi phạm, nguyên nhân là do nhận thức các quy định của pháp luật không đúng và không đầy đủ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự...

 Rút kinh nghiệm trong việc kiểm sát việc giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình mà bị đơn vắng mặt tại nơi cư trú

Thông qua thực tiễn công tác kiểm sát đối với các vụ án hôn nhân và gia đình mà bị đơn vắng mặt tại nơi cư trú, không tìm được địa chỉ của bị đơn, thấy rằng việc giải quyết còn có vi phạm, nguyên nhân là do nhận thức các quy định của pháp luật không đúng và không đầy đủ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Vừa qua, VKSND tỉnh Lạng Sơn ban hành thông báo rút kinh nghiệm chung trong toàn tỉnh về kiểm sát việc giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình bị đơn vắng mặt tại nơi cư trú. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:
Vụ án thứ nhất:
Ngày 02/10/2014, chị Ng có đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân huyện C yêu cầu giải quyết được ly hôn với anh Th và được nuôi con. Ngày 07/10/2014, Tòa án nhân dân huyện C thụ lý vụ án đối với đơn khởi kiện của chị Ng để giải quyết. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án nhân dân huyện C đã triệu tập anh Th đến Tòa án để viết bản tự khai, nhưng anh Th không có mặt theo giấy triệu tập mà không có lý do. Ngày 23/10/2014, Tòa án tiến hành xác minh tại địa chỉ cư trú của anh Th, kết quả xác minh xác định được: “Anh Th đã đi làm ăn xa, không có mặt tại địa phương, hàng năm anh Th chỉ về nhà khoảng 3- 4 lần, mà gần đây nhất là tháng 8/2014, anh Th có về nhà thăm con, sau đó anh Th lại đi…”. Trong suốt quá trình Tòa án giải quyết vụ án từ khi thụ lý đến khi xét xử, anh Th đều không có mặt tại địa chỉ cư trú do chị Ng cung cấp cho Tòa án và Tòa án đã niêm yết công khai các văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 154 BLTTDS. Với nội dung vụ án như trên, Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện C đã quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Ng, cho chị Ng được ly hôn với anh Th và giao con chung cho chị Ng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.
Vấn đề cần rút kinh nghiệm trong vụ án này là:
Tại thời điểm nguyên đơn làm đơn khởi kiện thì bị đơn không có mặt tại địa chỉ cư trú mà nguyên đơn cung cấp cho Tòa án. Đây thuộc trường hợp phải trả lại đơn khởi kiện vì chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 168 BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 8 Nghị quyết số 05 ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, do đó việc Tòa án thụ lý đơn khởi kiện của chị Ng là vi phạm những quy định nêu trên. Hơn nữa, vì bị đơn không có mặt tại địa chỉ cư trú tại thời điểm nguyên đơn khởi kiện, nên bị đơn không thể biết và không buộc phải biết việc khởi kiện của nguyên đơn, cũng như bị đơn không nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án, nên không có căn cứ để cho rằng bị đơn cố tình giấu địa chỉ, do đó Tòa án tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung là không đúng theo hướng dẫn tại Điều 9 của Nghị quyết số 05.
Mặt khác, việc Tòa án nhân dân huyện C chỉ tiến hành niêm yết công khai các văn bản tố tụng mà không thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng là không đảm bảo tính hợp lệ của việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 150, 155 BLTTDS. Tại khoản 1 Điều 155 BLTTDS quy định: “ Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt hoặc thông báo”. Rõ ràng, trong trường hợp của vụ án này, vì bị đơn không có mặt tại địa chỉ cư trú trong suốt quá trình giải quyết vụ án và không biết hiện đang ở đâu, do đó có căn cứ để cho rằng, nếu chỉ thực hiện thủ tục niêm yết mà không thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng thì bị đơn không thể nhận được thông tin về các văn bản tố tụng. Vì vậy, việc Tòa án nhân dân huyện C tiến hành giải quyết vụ án khi không đảm bảo tính hợp lệ của việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng là vi phạm quy định tại các Điều 150, 155 của BLTTDS.
Vụ án thứ hai:
Anh Ngô Văn V và chị Nguyễn Thị L tổ chức lễ cưới theo phong tục, tập quán và chung sống với nhau từ năm 1996, nhưng không có đăng ký kết hôn. Đến năm 2012, chị L bỏ nhà đi không có tin tức gì và không biết đang cư trú ở đâu. Anh V đã có đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự về việc tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú đối với chị L, ngày 30/12/2014, Tòa án nhân dân huyện L đã ra Quyết định giải quyết việc dân sự với nội dung chấp nhận yêu cầu của anh V về việc thông báo tìm kiếm chị L Sau khi ra Quyết định giải quyết việc dân sự nêu trên, Tòa án nhân dân huyện L đã thực hiện đúng quy định tại Điều 328 Bộ luật tố tụng dân sự về Công bố thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, nhưng chị L vẫn không trở về nhà và cũng không có tin tức gì. Ngày 05/8/2015, anh V có đơn khởi kiện xin ly hôn với chị L và cùng ngày Tòa án nhân dân huyện L thụ lý vụ án. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã thực hiện các thủ tục niêm yết công khai các văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 154 Bộ luật tố tụng dân sự. Ngày 21/9/2015, Tòa án tiến hành xét xử đối với vụ án và tuyên anh V và chị L không phải là vợ chồng. Toàn bộ quá trình giải quyết vụ án từ khi khởi kiện đến khi xét xử, không có tin tức gì của chị L và không biết được chị L đang cư trú ở đâu.
Những nội dung cần rút kinh nghiệm trong vụ án này là:
Tại thời điểm nguyên đơn làm đơn khởi kiện thì bị đơn không có mặt tại địa chỉ cư trú mà nguyên đơn cung cấp cho Tòa án; địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp cho Tòa án là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của bị đơn, còn địa chỉ hiện đang cư trú của bị đơn thì nguyên đơn không cung cấp được. Đây thuộc trường hợp phải trả lại đơn khởi kiện vì chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định tại Điều 164; điểm d khoản 1 Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Điều 5; khoản 2 Điều 8; Điều 9 Nghị quyết số 05 ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, do đó việc Tòa án thụ lý đơn khởi kiện của anh V là vi phạm những quy định nêu trên.
Hơn nữa, vì bị đơn không có mặt tại địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp, nên bị đơn không nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án; mặc dù Tòa án cấp sơ thẩm đã niêm yết công khai và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, nhưng bị đơn vẫn không biết về việc khởi kiện của nguyên đơn và việc thụ lý giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm. Do đó, không có căn cứ để cho rằng bị đơn cố tình giấu địa chỉ, nên Tòa án tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung là không đúng theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều 9 của Nghị quyết số 05. Mặt khác, do không thu thập được lời khai của chị L về quan hệ hôn nhân với anh V. có đăng ký kết hôn hay không, nên Tòa án giải quyết vụ án chỉ căn cứ vào lời khai của anh V. là không đảm bảo căn cứ vững chắc.
Thêm nữa, theo quy định tại các Điều 74, 75, 76, 77 của Bộ luật dân sự, về Thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, thì chỉ quy định về việc quản lý tài sản, thanh toán nợ, thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của người vắng mặt tại nơi cư trú, mà không quy định về việc Tòa án giải quyết cho ly hôn trong trường hợp vợ hoặc chồng xin ly hôn. Việc giải quyết cho ly hôn chỉ có thể được Tòa án giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Bộ luật dân sự, về tuyên bố một người mất tích. Tại khoản 2 Điều 78 Bộ luật dân sự quy định: “Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.”. Luật hôn nhân và gia đình cũng không có quy định nào về giải quyết cho ly hôn đối với người vắng mặt tại nơi cư trú và tại khoản 2 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình cũng quy định: Tòa án giải quyết cho ly hôn đối với người bị Tòa án tuyên bố mất tích nếu như vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích có yêu cầu ly hôn. Như vậy, đối với vụ án này Tòa án giải quyết quan hệ hôn nhân giữa anh V và chị L là không có căn cứ pháp luật, mà cần hướng dẫn anh V thực hiện thủ tục giải quyết việc dân sự về tuyên bố chị L mất tích, sau đó mới có thể giải quyết về quan hệ hôn nhân.
Tuấn Anh
Tìm kiếm