CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN QUAN TÂM CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC KHÁNG NGHỊ CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ

18/06/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Kháng nghị vừa là quyền năng pháp lý quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, là điều kiện đảm bảo để bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án nếu có sai phạm thì được sửa chữa, khắc phục kịp thời đồng thời là nhiệm vụ của Viện kiểm sát góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm...
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN QUAN TÂM
CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC KHÁNG NGHỊ CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ
 
Kháng nghị vừa là quyền năng pháp lý quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, là điều kiện đảm bảo để bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án nếu có sai phạm thì được sửa chữa, khắc phục kịp thời đồng thời là nhiệm vụ của Viện kiểm sát góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Nhận thức tầm quan trọng của công tác kháng nghị phúc thẩm trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát họat động tư pháp, ngay từ đầu năm Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Viện kiểm sát hai cấp tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm theo Chỉ thị số 03/2008/CT-VKSTC-VPTI ngày 19/6/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thường xuyên quan tâm, chỉ đạo công tác kháng nghị phúc thẩm, xem đây là một trong những công việc thường xuyên của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm với chủ trương đổi mới và hướng về cơ sở, ngay từ đầu năm Phòng 3 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã đề ra các nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể để thực hiện tốt kế hoạch công tác đã đề ra, tổ chức theo dõi, tổng kết, rút kinh nghiệm việc tổ chức các phiên tòa nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố cho Kiểm sát viên; chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, thành phố thực hiện: mở sổ theo dõi việc gửi bản án, quyết định của Tòa án đúng quy định, phấn đấu mỗi Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, thành phố kháng nghị từ 1- 2 vụ. Đồng thời, yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, thành phố gửi bản án sơ thẩm kèm theo phiếu kiểm sát; phân công kiểm sát viên theo dõi địa bàn, thực hiện kiểm sát 100% bản án, quyết định của cấp sơ thẩm nhằm phát hiện vi phạm để kịp thời kháng nghị.
Qua kiểm sát 210 bản án sơ thẩm cấp huyện, thành phố,  Phòng 3 phát hiện một số bản án có sai phạm như: không áp dụng Nghị quyết 33/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự trong việc tính tiền án dẫn đến truy cứu trách nhiệm hình sự sai; bỏ lọt người phạm tội; áp dụng hình phạt quá nhẹ không tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo, cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật; không cụ thể hóa trách nhiệm bồi thường dân sự cho các bị cáo phải liên đới bồi thường; không tổng hợp hình phạt của nhiều bản án. Đã ban hành 7 văn bản kháng nghị theo trình tự phúc thẩm, 02 kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm. Các kháng nghị của Viện kiểm sát đều có căn cứ, bảo đảm được yêu cầu về nội dung và hình thức theo hướng dẫn của Ngành, đã nêu được những sai phạm của bản án,và quan điểm giải quyết vụ án. Chất lượng kháng nghị đạt tỉ lệ cao (tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm dạt 80%, giám đốc thẩm đạt 100%). Các Kiểm sát viên làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại phiên toà luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt vai trò, vị trí, trách nhiệm đại diện Viện kiểm sát, bảo đảm việc xét xử của Toà án đúng người, đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời.
Qua công tác kiểm sát bản án của Tòa án sơ thẩm cấp huyện và trực tiếp kháng nghị bản án sơ thẩm của cấp huyện, nhận thấy: Một số Viện kiểm sát cấp huyện, chưa quan tâm đúng mức đến công tác kháng nghị, một số Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát bản án, quyết định của Toà án chưa phát hiện kịp thời vi phạm để báo cáo lãnh đạo Viện xem xét, quyết định. Mặt khác, việc gửi bản án của một số Toà án cấp huyện không đúng quy định của  Bộ luật Tố tụng hình sự làm ảnh hưởng đến công tác kháng nghị.
Từ những kết quả đã đạt được trong công tác kháng nghị 6 tháng đầu năm 2012 và một số hạn chế nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn tiếp tục chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân hai cấptiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/2008/CT-VKSTC-VPT1 ngày 19-6-2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc hình sự, không ngừng nâng cao trách nhiệm của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, đảm bảo việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội; tăng cường công tác kiểm sát bản án, quyết định chưa có hiệu lực của Tòa án sơ thẩm, kịp thời kháng nghị những bản có vi  phạm, thực hiện chỉ tiêu công tác đã đề ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương./.
Kim Thoa 
Tìm kiếm