CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 07/9/2012 đến 13/9/2012

15/09/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Báo Công lý số 72 ngày 07/9/2012, có bài: “Có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự” của nhóm phóng viên pháp luật, nội dung: Anh Lò Văn Tưởng và Vi Văn Hưng là người dân tộc Thái ở xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, đến lò mổ trâu, bò của ông Nguyễn Văn Huy ở thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên để bán trâu, bò thịt. Ngày 18/6/2012, theo thỏa thuận anh Tưởng và Hưng đã thuê xe ô tô chở 12 con trâu, bò đến bán cho ông Huy...
Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 07/9/2012 đến 13/9/2012
Báo Công lý số 72 ngày 07/9/2012, có bài: “Có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự” của nhóm phóng viên pháp luật, nội dung: Anh Lò Văn Tưởng và Vi Văn Hưng là người dân tộc Thái ở xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, đến lò mổ trâu, bò của ông Nguyễn Văn Huy ở thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên để bán trâu, bò thịt. Ngày 18/6/2012, theo thỏa thuận anh Tưởng và Hưng đã thuê xe ô tô chở 12 con trâu, bò đến bán cho ông Huy. Mặc dù hai bên chưa thỏa thuận xong giá mua, nhưng ngay ngày 19/6/2012, ông Huy đã giết một con bò của anh Tưởng và Hưng. Bị phản đối nên vợ chồng ông Huy mới thống nhất giá 12 con trâu, bò là 220 triệu đồng nhưng không trả tiền và tiếp tục giết các con trâu, bò còn lại. Bị anh Hưng, anh Tưởng phản đối quyết liệt nên đến ngày 22/6/2012, ông Huy mới trả 30 triệu đồng và hẹn đến ngày 25/6/2012 sẽ trả hết tiền. Tuy nhiên, sau đó ông Huy không thực hiện mà còn tuyên bố sẽ gọi “đầu gấu” đến đánh nên hai anh phải nhờ Cơ quan Công an huyện Yên Mỹ can thiệp. Khi Công an điều tra, ông Huy mới trả thêm 20 triệu đồng và tuyên bố phải hơn một năm nữa hoặc vô thời hạn mới xem xét trả tiếp số tiền 170 triệu đồng còn lại. Theo một số Luật sư thì hành vi của ông Huy có dấu hiệu phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, không phải là quan hệ dân sự như Thông báo số 111 ngày 23/7/2012, của Công an huyện Yên Mỹ.
 Ngoài ra báo Phụ nữ Việt Nam số 110 ngày 12/9/2012 có bài “Có dấu hiệu Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của tác giả Nam Thanh, Báo Pháp luật Việt Nam số 256 ngày 12/9/2012, có bài “Công an nói dân sự, Luật sư bảo hình sự” của tác giả Trung Thứ, cũng đã phân tích phân tích thêm về vụ việc này và đề nghị các Cơ quan pháp luật phải kiểm tra lại vụ việc để bảo về quyền lợi hợp pháp cho người dân tộc thiểu số ít hiểu biết pháp luật. 
Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Thanh Niên số 254 ngày10/9/2012, có bài: “Khuất tất trong một vụ án lạ” của tác giả H.N, nội dung: Ngày 01/02/2008, bà Nguyễn Thị Hoài Anh là Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, Thương mại, dịch vụ C&A, trụ sở tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, ký hợp đồng bán 17.129 m2 đất và nhà xưởng, máy móc cho bà Phạm Thị Ngọc Lành (là Việt kiều Úc) với giá 12,8 tỷ đồng, bà Lành mới trả cho bà Anh được 1,3 tỷ đồng nhưng đã dùng khối tài sản này của bà Anh sang tên của mình rồi đem thế chấp vào Ngân hàng để vay 6.675.478.380 đồng khi bà Anh chưa cho phép. Nhận thấy bà Lành có dấu hiệu Lừa đảo nên bà Anh đã làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan pháp luật ở Tiền Giang. Tuy nhiên, đơn của bà Anh không được các cơ quan pháp luật giải quyết , ngược lại ngày 30/11/2009, bà còn bị khởi tố và bắt tạm giam về “Tội trốn thuế” với số tiền 143,8 triệu đồng trong vụ mua bán này. Vụ án đã 2 lần đưa ra xét xử nhưng đều phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Các luật sư cho rằng việc kết tội “Trốn thuế” đối với bà Anh là sai, vì việc mua bán giữa bà Anh với bà Lành chưa thực hiện xong, bà Lành chưa trả hết tiền cho bà Anh, bà Anh chưa xuất hóa đơn chứng từ bán hàng cho bà Lành, nên chưa có căn cứ để tính thuế. Vì vậy, các cơ quan tố tụng thành phố Mỹ Tho và tỉnh Tiền Giang phải xem xét lại vụ án này.
Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Thanh tra số 109 ngày 11/9/2012 có bài: “UBND tỉnh đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm” của tác giả Nguyễn Ngọc Phố, nội dung: Ngày 18/4/2009, Công ty TNHH Trường Xuân, tỉnh Quảng Ngãi khởi kiện UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc ban hành Quyết định hành chính của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc truy thu 3,6 tỷ đồng và phạt 289 triệu đồng, phạt chậm nộp thuế 220 triệu đồng tiền thuế thu nhập vì Công ty không thuộc diện được miễn giảm tiền thuế thu nhập. Ngày 29/7/2011, TAND tỉnh Quảng Ngãi xử sơ thẩm đã tuyên bác yêu cầu của Công ty về việc nộp khoản tiền thuế 3,6 tỷ đồng, chỉ chấp nhận hủy bỏ hai khoản tiền phạt. Vụ án được UBND tỉnh và Công ty cùng kháng cáo nên ngày 03/5/2012, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đã xét xử phúc thẩm vụ án. Đại diện VKSND tối cao thực hành quyền công tố tại Tòa đề nghị Tòa tuyên thu 3,6 tỷ đồng và tiền phạt 289 triệu đồng, hủy phần thu phạt chậm nộp thuế. Tuy nhiên, ông Phạm Bá Sơn, Thẩm phán, Chủ tọa phiên Tòa lại tuyên chấp nhận đơn kiện của Công ty TNHH Trường Xuân về Quyết định của UBND tỉnh, yêu cầu trả lại 4,1 tỷ đồng mà Công ty TNHH Trường Xuân đã tạm nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh. UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng Tòa án đã áp dụng sai luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính nên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao và các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đề nghị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm Bản án số 05/2012/HC-PT của Tòa phúc thẩm, TAND tối cao tại thành phố Đà Nẵng.   
Yêu cầu Vụ 12 kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Đại biểu Nhân dân số 255 ngày 11/9/2012 có bài: “VKSND Hà Nội né trách nhiệm?” của tác giả Gia Khánh, nội dung: Ngày 30/7/2012, VKSND thành phố Hà Nội có Công văn số 236 trả lời đơn đề nghị của bà Phan Thị Thanh tố cáo và đề nghị điều tra, xử lý ông Trần Đức Minh, Giám đốc Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô là chủ đầu tư tòa nhà số 93 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội có dấu hiệu phạm tội hình sự về Tội chiếm giữ trái phép, Công nhiên chiếm đoạt tài sản. Văn bản này của VKSND thành phố Hà Nội kết luận vụ việc mua bán nhà của bà Thanh với ông Trần Đức Minh “là vụ, việc tranh chấp về dân sự, không có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự”, bà Thanh cho rằng văn bản này có một số nội dung không có căn cứ, sai sự thật nhằm bao che cho hành vi phạm tội của ông Minh, không đúng với nhận định khách quan của VKSND tối cao, chưa thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của Ban Dân nguyện của Quốc hội và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an trong việc giải quyết vụ, việc này.
Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục thông tin đến bạn đọc sự chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát trong thời gian tới./. 
Tìm kiếm