CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 08/6/2012 đến 14/6/2012

15/06/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Báo Phụ nữ Việt Nam số 69 ngày 08/6/2012 có bài: “Cơ quan điều tra vi phạm tố tụng” của tác giả Thanh Nam- An Bình. Nội dung: khoảng 20 giờ ngày 23/01/2012, (ngày mùng 2 Tết năm Nhâm Thìn) cháu Bùi Thị T sinh ngày 25/6/1995, trú tại xã Đỗng Xuân, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, được người anh họ là Bùi Hữu Trọng rủ đi chơi và có uống rượu tại nhà bạn của Trọng. Thấy người có biểu hiện ngấm rượu nên cháu T bảo Trọng chở về nhà. Trọng không chở T về nhà mà đi đến thị trấn huyện Thạch Thất thuê nhà nghỉ, T không đồng ý vào nhà nghỉ và cãi nhau với Trọng nên chủ nhà nghỉ không cho thuê phòng...
Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 08/6/2012 đến 14/6/2012
 
Báo Phụ nữ Việt Nam số 69 ngày 08/6/2012 có bài: “Cơ quan điều tra vi phạm tố tụng” của tác giả Thanh Nam- An Bình. Nội dung: khoảng 20 giờ ngày 23/01/2012, (ngày mùng 2 Tết năm Nhâm Thìn) cháu Bùi Thị T sinh ngày 25/6/1995, trú tại xã Đỗng Xuân, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, được người anh họ là Bùi Hữu Trọng rủ đi chơi và có uống rượu tại nhà bạn của Trọng. Thấy người có biểu hiện ngấm rượu nên cháu T bảo Trọng chở về nhà. Trọng không chở T về nhà mà đi đến thị trấn huyện Thạch Thất thuê nhà nghỉ, T không đồng ý vào nhà nghỉ và cãi nhau với Trọng nên chủ nhà nghỉ không cho thuê phòng. Trọng đã chở cháu T ra bờ đê xã Tiến Xuân và cưỡng hiếp, mặc cho em T khóc lóc van xin, sau khi hiếp Trọng không chở cháu T về nhà mà quay lại Hòa Lạc để thuê nhà nghỉ, rồi bắt cháu T lên nhà nghỉ và hiếp T lần nữa. Đến khoảng 09 giờ sáng hôm sau Trọng chở cháu T về đầu làng trả lại điện thoại đã lấy của T từ tối hôm trước. Do quá mệt mỏi không thể tự đi về nhà được nên cháu T phải gọi điện cho mẹ ra đón và vào phòng khóa cửa rồi cắt mạch máu ở cổ tay tự tử nhưng được chị gái phát hiện phá cửa vào nhà băng bó vết thương nên T thoát chết. Sau khi nghe con gái kể lại chuyện bị Trọng hiếp, bố mẹ cháu T đã đưa cháu T đến Công an huyện Thạch Thất tố cáo hành vi hiếp dâm của Trọng, Công an đã đưa cháu T đi giám định và xác định có quan hệ tình dục. Tuy vậy, đến nay nhiều tháng trôi qua, Trọng vẫn chưa bị khởi tố, Cháu T lại tự tử lần 2 nhưng không thành. Trả lời phóng viên, ông Tô Ngọc Chuẩn, Viện trưởng VKSND huyện Thạch Thất thừa nhận trong vụ việc này Cơ quan điều tra đã vi phạm Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự. 
Yêu cầu VKSND thành phố Hà Nội kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo An ninh thủ đô số 3535 ngày 12/6/2012, có bài: “Kỳ án hiếp dâm” của tác giả Quang Trường. Nội dung: Vừa qua TAND huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa vụ án Nguyễn Văn Bộ, sinh năm 1988 trú tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc ra xét xử về tội hiếp dâm và cướp tài sản của chị Lê Thị Q, sinh năm 1978 trú tại thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên. Tuy nhiên, chứng cứ để truy tố bị can Bộ rất yếu, lời khai của bị hại, nhân chứng mâu thuẫn nhau. Bị hại khai ngày 07/8/2011, sau khi bị Bộ hiếp dâm và cướp điện thoại của chị Q, ngay ngày hôm đó chị Q không đến Trạm y tế thị trấn Hương Canh để khám nhưng hồ sơ vụ án lại có “Giấy điều trị” của chị Q do trạm y tế thị trấn Hương Canh lập, có chữ ký của y sỹ và Trạm trưởng Trạm y tế xác nhận trên ngực phải của chị Q có 3 vết bầm tím, ngực trái có 1 vết bầm tím. Ngược lại, bản giám định pháp y về thương tích ngày 09/8/2011, của Sở y tế Vĩnh Phúc lại xác nhận “cơ thể nạn nhân không có thương tích gì, ngực bình thường”. Khi tranh luận với Luật sư tại phiên Tòa, Kiểm sát viên không giải thích được cùng một lúc Bộ có thể vừa cầm điện thoại của chị Q, vừa giữ 2 tay và vừa thực hiện được việc cởi áo của chị Q trong khi chị Q chống cự quyết liệt?, sau 1 ngày thương tích trên ngực nạn nhân biến đi đâu mất?. Vì vậy, Hội đồng xét xử chưa thể tuyên án được và phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Cũng về vụ án này báo Pháp luật Việt Nam số 161 ngày 09/6/2012 có bài: “Nhiều chứng cứ “từ trên trời rơi xuống” và số 163 ngày 11/6/2012, có bài “ Bị cáo, bị hại đi mây về gió” của tác giả Khoa Lâm cũng phân tích về những vi phạm, thiếu sót trong quá trình điều tra, truy tố bị can Nguyễn Văn Bộ trong vụ án này.
Yêu cầu VKSND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Lao động số 133 ngày11/6/2012, có bài: “Tiếp tục vi phạm tố tụng” của tác giả Dương Minh Đức. Nội dung vụ án Lao động: anh Phạm Thế Hùng, kỹ sư vô tuyến điện đang công tác tại Công ty BP Exploration Operating Co.LTD (Công ty BP) bị Công ty sa thải trái pháp luật đã kiện Công ty ra Tòa án để giải quyết và đã được TAND quận 2, Tp. Chí Minh xét xử sơ thẩm và TAND Tp. Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm tuyên buộc Công ty BP phải nhận kỹ sư Hùng trở lại công tác và bồi thường cho anh Hùng 260 triệu đồng. Tuy nhiên, do bản án có vi phạm tố tụng nên TAND tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại. Anh Hùng đã đề nghị TAND quận 2 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trả lương cho anh Hùng trong 4 năm không được làm việc vì bị sa thải trái pháp luật nhưng không được Tòa án chấp nhận vì lý do yêu cầu của anh Hùng chưa có căn cứ và chưa cần thiết. Việc làm trên của TAND quận 2 lại tiếp tục vi phạm Khoản 1 Điều 99 và Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự. Việc TAND quận 2 tự đi thu thập chứng cứ để chứng minh trong thời gian bị buộc thôi việc anh Hùng vẫn có thu nhập để bác yêu cầu của anh Hùng cũng không đúng với quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Yêu cầu VKSND Tp. Hồ Chí Minh kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 12, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Lao Động số 136 ngày 14/6/2012, có bài “Cơ quan điều tra “non tay” hay nhầm lẫn” của tác giả Cao Nguyễn Đông Anh. Nội dung: Trong vụ việc UBND phường 8 quận 6 ( nay là UBND phường 14) ký xác nhận và đóng dấu lên hàng loạt đơn xin mua nhà, văn tự, ủy quyền… của ông Nguyễn Văn Tư bất chấp các văn bản này có nội dung không rõ ràng, bị tẩy xóa,… giúp cho ông Nguyễn Văn Tư độc chiếm căn nhà 70, Tân Hòa Đông, phường 14 thuộc sở hữu của bà mẹ ông Tư là Nguyễn Thị Ngọc. Tháng 7/2010, ông Nguyễn Vĩnh Ngân, Phó Chủ tịch UBND phường 14, ký tên xác nhận vào giấy chứng tử của bà Ngọc trong khi bà Ngọc vẫn còn sống, cách đây hơn 2 tháng bà đã có đơn tố giác hành vi làm giả Giấy chứng tử của con trai đến các Cơ quan pháp luật. Cơ quan điều tra đã xác minh và UBND phường 14 trả lời “UBND phường 14 không cấp giấy chứng tử nào về trường hợp bà Nguyễn Thị Ngọc”. Hành vi của ông Tư làm giả tài liệu giấy tờ nhằm chiếm đoạt tài sản của bà Ngọc khá rõ ràng nhưng không hiểu vì lý do gì Cơ quan CSĐT Công an quận 6 không điều tra xác minh kết luận để khởi tố và kết luận đây chỉ là quan hệ dân sự .
Yêu cầu VKSND Tp. Hồ Chí Minh kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục thông tin đến bạn đọc sự chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát trong thời gian tới. 
Tìm kiếm