CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 01/6/2012 đến 07/6/2012

08/06/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Báo Lao động xã hội số 66 ngày 31/5/2012 có bài: “Từ nạn nhân trở thành con nợ” của nhóm phóng viên pháp luật. Nội dung: Tháng 7 năm 2008, Tòa án nhân dân Tp. Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm và năm 2009, TAND tối cao xử phúc thẩm vụ án Đoàn Đức Việt, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Tân Thịnh, Tp. Hồ Chí Minh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tuyên phạt mức án tù chung thân đối với bị cáo. Về dân sự buộc bị cáo Việt phải bồi thường 213.000 USD và 190 triệu đồng cho các bị hại...
Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 01/6/2012 đến 07/6/2012
 
Báo Lao động xã hội số 66 ngày 31/5/2012 có bài: “Từ nạn nhân trở thành con nợ” của nhóm phóng viên pháp luật. Nội dung: Tháng 7 năm 2008, Tòa án nhân dân Tp. Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm và năm 2009, TAND tối cao xử phúc thẩm vụ án Đoàn Đức Việt, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Tân Thịnh, Tp. Hồ Chí Minh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tuyên phạt mức án tù chung thân đối với bị cáo. Về dân sự buộc bị cáo Việt phải bồi thường 213.000 USD và 190 triệu đồng cho các bị hại. Buộc ông Bùi Văn Lân ở xã Tam Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai phải hoàn trả 38.000 USD cho 13 lao động khác trong khi đó chính ông Lân là người bị hại trong vụ án, là người được 13 lao động ủy quyền đi đòi nợ thay vì 13 người này là người đã trực tiếp nộp tiền cho Công ty Cổ phần Tân Thịnh. Nhưng khi xét xử vụ án, ông không được triệu tập đến Tòa. Vì vậy, ông đã nhiều lần khiếu nại đến các cơ quan pháp luật đề nghị xem xét lại vụ án. Ngày 18/9/2011, VKSND tối cao có Công văn số 2566/VKSTC-V3 cũng nhận định trong vụ án này ông Bùi Văn Lân là bị hại (về 2000 USD ông nộp cho ông Việt để cho con trai đi xuất khẩu lao động) và là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án về khoản 38.000 USD được ủy quyền đi đòi nợ. Tuy nhiên, vụ án không được xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm, ông Việt không trả cho ông Lân 40.000 USD nên ông Lân không có tiền để trả cho 13 người lao động và vẫn bị Cơ quan Thi hành án tổ chức kê biên tài sản. Vụ án này cần được các cơ quan pháp luật xem xét lại.
Yêu cầu Vụ 3 VKSND tối cao kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Phụ nữ Việt Nam số 67 ngày 04/6/2012, có bài: “Uẩn khúc trong vụ án cưỡng đoạt tài sản” của tác giả Khoa Lâm. Nội dung: Vừa qua TAND thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đưa vụ án Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Toàn trú tại thành phố Hải Phòng và Lê Thị Thanh Xuân trú tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang ra xét xử về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và tuyên phạt Tuấn 4 năm 6 tháng tù, Toàn và Xuân mỗi người 2 năm 6 tháng tù. Tuy nhiên, trong vụ án này chứng cứ kết tội không đầy đủ. Bị cáo Tuấn và Toàn cho rằng mình không có hành vi nào đe dọa gia đình chị Tuyên là người còn vay nợ chị Xuân 1,6 tỷ đồng. Khi điều tra bổ sung Viện kiểm sát thành phố Tuyên Quang thừa nhận Xuân và Tuấn không thống nhất phương thức đòi nợ cụ thể. Chị Xuân không có hành vi nào chỉ đạo Tuấn và Toàn dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực khi đi đòi nợ cho mình nên không thể là đồng phạm, việc khởi tố, xét xử Xuân là oan sai. Tuấn có nói với Toàn về việc đi đòi nợ hộ Xuân để lấy “1 củ” để tiêu không có nghĩa là đòi lấy 100 triệu đồng của nhà chị Tuyên. Như vậy, vụ án này có dấu hiệu oan sai cần được cấp phúc thẩm xem xét lại.
Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Pháp luật Việt nam số 158 ngày 06/6/2012, có bài: “Hung thủ chính bỏ trốn, đồng bọn được lọt tội” của tác giả Khoa Lâm. Nội dung: Ngày 29/5/2012, vừa qua Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã xử phúc thẩm và tuyên phạt 18 tháng tù đối với Dương Thế Bình trú tại quận Kiến An, thành phố Hải Phòng về tội gây rối trật tự công cộng xảy ra tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Hậu quả của vụ gây rối này đã làm cho anh Trương Phi Hoàn bị chết và Trương Phi Hoài (là em trai) bị thương tích 40%.
Trong vụ án này, Trần Quang Huy, Phạm Thành Công và một đối tượng tên Sơn là những người đã gây ra cái chết cho anh Hoài và thương tích cho anh Hoàn đã bỏ trốn nhưng còn tên Vũ Đăng Tú là đồng phạm với bị can Dương Thế Bình cùng tham gia tích cực vào vụ gây rối trên lại không bị xử lý. Ngoài ra, Bình và Tú còn có hành vi đập vỡ kính xe ô tô làm xe ô tô bị méo và trầy xước phải sửa chữa hết 3,6 triệu đồng nhưng cũng không bị xử lý về tội hủy hoại tài sản là bỏ lọt tội phạm.
Yêu cầu Vụ 3 kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách , đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Lao động số 130 ngày 7/6/2012, có bài: “5 lần bị trả hồ sơ vẫn chưa tìm ra chủ mưu” của tác giả Đặng Trung Kiên. Nội dung: Ngày 05/3/2009, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghiệp rừng Tây Nguyên và 8 bị can nguyên là cán bộ Công ty. Sau khi kết thúc điều tra vụ án được trả đi trả lại để điều tra bổ sung nhiều lần. Cáo trạng cũng thay đổi. Bản cáo trạng gần đây nhất của VKSND tối cao được ban hành ngày 25/11/2011, nhưng vụ án đến nay vẫn chưa xét xử được vì thiệt hại vật chất của vụ án chưa được kết luận chính xác. Số tiền 12,53 tỷ đồng chênh lệch giữa giá mua và bán gỗ được coi là thiệt hại, được dùng vào chi phí sản xuất, bán hàng, phí quản lý, nộp thuế và hạch toán kế toán đầy đủ không có bị can nào được hưởng lợi bất chính, các bị can chỉ là những “mắt xích” nhỏ, còn kẻ chủ mưu có quyền quyết định việc làm sai trái vẫn chưa thấy ở đâu?
Yêu cầu Vụ 1B kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Thanh Niên số 159 ngày 7/6/2012, có bài: “Điều khó hiểu trong phiên tòa vụ cưỡng đoạt tiền tỷ” của tác giả Vũ Phương Thảo. Nội dung: Sau 3 lần hoãn xử, ngày 06/6/2012, TAND thành phố Đà Nẵng đã xét xử vụ án Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Ngọc Huyền phạm tội Cưỡng đoạt tài sản, tuyên phạt Thành 12 năm tù, Huyền 04 năm tù vì đã có hành vi nhiều lần đòi ông Trần Minh Sơn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng công trình Đà Nẵng phải đưa số tiền 1,34 tỷ đồng nếu không sẽ tố cáo ông Sơn có quan hệ tình dục với Huyền khi Huyền chưa đủ 16 tuổi. Điều đáng quan tâm của dư luận là khi xét xử vụ án này, sự vắng mặt tại Tòa của ông Sơn và lý do tại sao ông Sơn lại phải chuyển cho Huyền số tiền lớn như vậy nếu không có lý do chính đáng đều không được làm rõ. Tòa cho rằng việc chuyển tiền của ông Sơn cho Huyền “không nằm trong phạm vi vụ án là chưa thỏa đáng”.
Cùng vụ việc trên báo Tiền Phong số 159 ngày 7/6/2012, có bài “Giám đốc chi 1,3 tỷ đồng mua sự yên ổn?” cũng đặt vấn đề nghi vấn về sự thật của vụ án này.
Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Các báo Tiền Phong, Tuổi trẻ, Công an nhân dân,... đều có loạt bài về việc Công an Tp. Hồ Chí Minh đã phát hiện, điều tra một số người mẫu, diễn viên, người đẹp, như Võ Thị Mỹ Xuân người đẹp Nam Mê Kông năm 2009,... tham gia đường dây bán dâm, môi giới mại dâm, với giá từ 500- 2.500 USD. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án về tội môi giới mại dâm và tạm giữ hình sự một số đối tượng.
Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân Tp. Hồ Chí Minh kiểm tra vụ việc, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục thông tin đến bạn đọc sự chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát trong thời gian tới./.
Tìm kiếm