Tội cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 104 BLHS năm 1999, Điều 134 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Để xem xét hành vi dùng vũ khí đập vào đầu người khác gây thương tích có phải là dùng hung khí nguy hiểm được quy định tại tội cố ý gây thương tích hay không, cần phải xem xét hành vi đó có đủ các yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích hay không.
Thứ nhất, mặt khách quan
- Hành vi khách quan: Hành vi khách quan trong trường hợp này là hành vi dùng vũ khí đập vào đầu người khác.
- Công cụ, phương tiện sử dụng: Công cụ, phương tiện trong câu hỏi chỉ nêu là vũ khí chứ chưa xác định rõ đó là loại nào.
+ Đối với hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 01/1/2018, áp dụng BLHS năm 1999. Điểm a khoản 1 Điều 104 BLHS năm 1999 chỉ quy định: “Dùng hung khí nguy hiểm”. Theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, hung khí nguy hiểm là vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm có khả năng gây ra thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.
+ Đối với hành vi phạm tội xảy ra từ ngày 01/1/2018, áp dụng BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm”. Vũ khí và hung khí nguy hiểm được quy định tách riêng. Tuy nhiên, chưa có văn bản nào hướng dẫn về “hung khí nguy hiểm” theo quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Nếu người phạm tội sử dụng các công cụ, phương tiện có tính nguy hiểm cao thì phần nào có thể xác định người phạm tội mong muốn cho nạn nhân chết. Ngược lại, nếu người phạm tội chỉ lựa chọn loại công cụ, phương tiện ít nguy hiểm đến tính mạng thì phần nào không mong muốn nạn nhân chết. Vì vậy, dựa vào việc người phạm tội sử dụng công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội, có thể xác định được là người phạm tội mong muốn giết người hay chỉ gây thương tích.
- Vị trí trên cơ thể bị thương tích: Vùng đầu bị tấn công được xem là bộ phận xung yếu trên cơ thể.
- Mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công: Để xác định một hành vi phạm tội cố ý gây thương tích hay giết người, còn dựa vào mức độ tấn công với cường độ mạnh hay yếu cùng với vị trí tấn công trên cơ thể xem hành vi đó có dồn dập và cường độ tấn công mạnh không?
- Hậu quả: Câu hỏi chưa nêu rõ hậu quả của hành vi dùng vũ khí đập vào đầu người khác. Nếu là hành vi cố ý gây thương tích thì tỷ lệ thương tật từ 11 % trở lên hoặc dưới 11% nhưng dùng hung khí nguy hiểm, trong đó có vũ khí (Điểm a khoản 1 Điều 104 BLHS năm 1999); dưới 11% nhưng dùng vũ khí, hung khí nguy hiểm (Điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Thứ hai, chủ thể: Câu hỏi chưa nêu rõ người thực hiện hành vi dùng vũ khí đập vào đầu người khác là ai. Chủ thể của tội cố ý gây thương tích là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định.
Thứ ba, khách thể: Là quan hệ nhân thân mà nội dung là quyền được tôn trọng và bảo vệ về sức khỏe của con người.
Thứ tư, mặt chủ quan: Câu hỏi chưa nêu rõ các tình tiết của sự việc nên chưa thể xác định được ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi dùng vũ khí đập vào đầu người khác như thế nào. Đối với tội cố ý gây thương tích, phải có lỗi cố ý trực tiếp (Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là gây nguy hại cho xã hội, thấy được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hành vi đó sẽ xảy ra) hoặc lỗi cố ý gián tiếp (Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiềm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó, tuy không mong muốn những vẫn có ý thức để mặc nó xảy ra).
Như vậy, để xác định hành vi dùng vũ khí đập vào đầu người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích dùng hung khí nguy hiểm hay không cần xem xét nhiều yếu tố cụ thể như đã phân tích ở trên. Nếu không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi trên có thể bị xử phạt hành chính theo điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình về xâm hại đến sức khỏe của người khác với mức phạt tiền từ 2 000 000 đồng đến 3 000 000 đồng.
Ban Biên tập