Khoản 1 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định cấu thành cơ bản của tội Đánh bạc: “ 1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá...thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Như vậy, trường hợp người chơi đề mua số đề với chủ đề qua gọi điện hoặc nhắn tin, mỗi lần đều trên 05 triệu đồng nhưng chưa thanh toán tiền thì bị bắt giữ, hoặc sau khi có kết quả mở thưởng thì các bên cấn trừ thắng thua với nhau nhưng cũng chưa giao nhận tiền thì bị phát hiện. Hoặc trường hợp trực tiếp đến ghi đề với chủ đề nhưng ghi nợ chưa trả tiền (hai bên chấp nhận và thỏa thuận sẽ trả tiền sau), sau khi có kết quả mở thưởng thì người chơi đề đến tính toán thắng thua với chủ đề, cũng chưa giao nhận tiền thì bị phát hiện (đánh đề trên 05 triệu đồng) là các đối tượng đã giao dịch, thỏa thuận và thực hiện đầy đủ hành vi khách quan của cấu thành cơ bản của tội “Đánh bạc”dưới hình thức chơi số đề,được thua bằng tiền trên 05 triệu đồng, nên đã thỏa mãn hoàn toàn cấu thành cơ bản của tội phạm “Đánh bạc” theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự. Việc người chơi đề và chủ đề chưa thanh toán giao,nhận tiền với nhau không ảnh hưởng đến thời điểm hoàn thành của tội phạm. Do đó, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập được đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi giao dịch, thỏa thuận chơi số đề như đã nêu trên của các đối tượng, thì có đầy đủ căn cứ xem xét xử lý đối với các đối tượng về tội “Đánh bạc” theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự.
Nghị quyết số 01/2010/NQ- HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn “Tiền, hiện vật dùng đánh bạc” bao gồm:
a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ trực tiếp tại chiếu bạc;
b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;
c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
Với tinh thần của Nghị quyết hướng dẫn như trên thì đối với số tiền hoặc hiện vật không thu giữ được trực tiếp nhưng nếu có đủ căn cứ xác định là đã được dùng hoặc sẽ được dùng để đánh bạc thì vẫn được quy kết là số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc để xem xét định lượng cấu thành tội phạm hoặc định khung hình phạt tăng nặng tương ứng.
Vụ 2 VKSND tối cao