Tại Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác (tình trạng bệnh tật ở đây là do bệnh lý tự phát sinh từ cơ thể của người đó) làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều 13 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Khi xác định được tình trạng rối loạn tâm thần dẫn đến mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi do trực tiếp sử dụng chất ma túy gây ra kích thích (ảo giác) của người phạm tội không được coi là bệnh tâm thần, người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 13 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Do vậy, mọi trường hợp người có hành vi phạm tội trong tình trạng rối loạn tâm thần gây ảnh hưởng (mất hoặc hạn chế) khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi mà xác định được nguyên nhân trực tiếp tại thời điểm phạm tội là do sử dung chất ma túy gây kích thích “ảo giác” (tức là khi người thực hiện hành vi phạm tội không thuộc trường hợp mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi do bệnh lý tự phát sinh từ cơ thể của họ) thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).