Quyền kiến nghị của Viện kiểm sát với Tòa án có thể được thực hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói.
1. Đối với các kiến nghị của Viện kiểm sát bằng văn bản, pháp luật quy định trách nhiệm trả lời của Tòa án như sau:
- Kiến nghị quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án có thẩm quyền; các kiến nghị quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc việc không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; các kiến nghị văn bản trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, quyết định giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; kiến nghị quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn; kiến nghị quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;... Bộ luật tố tụng dân sự đã quy định Tòa án có trách nhiệm giải quyết trong một thời hạn cụ thể và phải gửi quyết định giải quyết kiến nghị cho Viện kiểm sát.
- Đối với kiến nghị Tòa án cùng cấp và cấp dưới khắc phục vi phạm pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC đã quy định: Tòa án có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát. Trường hợp vụ việc phức tạp, cần có thêm thời gian thì Toà án có văn bản thông báo lý do cho Viện kiểm sát biết và trả lời cho Viện kiểm sát trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị (khoản 3 Điều 35).
- Đối với kiến nghị tổng hợp Tòa án khắc phục vi phạm, quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc, Tòa án có trách nhiệm trả lời theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Tại văn bản kiến nghị, Viện kiểm sát có thể nêu rõ thời hạn trả lời, nếu hết thời hạn mà Tòa án không trả lời thì báo cáo Viện kiểm sát cấp trên để kiến nghị.
2. Việc kiến nghị bằng lời nói được thực hiện tại phiên tòa. Điểm a khoản 1 Điều 28 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC quy định: “Trường hợp Kiểm sát viên yêu cầu Hội đồng xét xử khắc phục vi phạm về thủ tục tố tụng thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu; trường hợp không chấp nhận thì nêu rõ lý do. Quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận của Hội đồng xét xử được thảo luận và thông qua tại phòng xử án và được ghi vào biên bản phiên tòa”.