Để trả lời cho câu hỏi nêu trên, trước hết chúng ta phải nghiên cứu quy định của pháp luật trong việc xác định các trường hợp thừa kế có yếu tố nước ngoài, cụ thể như sau:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 464 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì những tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài là những tranh chấp dân sự phát sinh từ các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Những tranh chấp này thường liên quan đến một bên chủ thể là người nước ngoài, hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hoặc tài sản ở nước ngoài. Như vậy, trong các tranh chấp thừa kế tài sản, các trường hợp thừa kế có yếu tố nước ngoài bao gồm: Người để lại tài sản là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài; người thừa kế tài sản là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài; căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ thừa kế là theo pháp luật nước ngoài và tài sản thừa kế ở nước ngoài.
Tại khoản 1, khoản 2 Điều 680 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền thừa kế đối với bất động sản phải tuân theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết hoặc nơi có bất động sản.
Theo quy định nêu trên, trường hợp bạn hỏi là người để lại tài sản là người Việt Nam, tài sản thừa kế cũng ở tại Việt Nam nên sẽ áp dụng pháp luật của Việt Nam để giải quyết. Hàng thừa kế thứ nhất của ông nội bạn có cha bạn và cô bạn, nhưng cả 02 người đều đã mất, do vậy, bạn và 02 người con của cô bạn (trong đó có 01 người đang ở nước ngoài) là người thừa kế thế vị được hưởng phần di sản thừa kế của ông nội bạn để lại cho bố và cô bạn. Trường hợp này, có 01 người con của cô bạn là người được hưởng thừa kế thế vị, do vậy, đây là vụ án tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì yếu tố nước ngoài chỉ áp dụng để tính thời hiệu thừa kế trong trường hợp người được hưởng thừa kế (giao dịch do người Việt Nam ở nước ngoài tham gia từ trước ngày 01/7/1991) theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao tại Công văn số 91/TANDTC-KHXX ngày 28/6/2011 của Tòa án nhân dân tối cao về việc áp dụng Nghị quyết số 1037/2006/NQ-BTVQH11 ngày 27/7/2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia. Trường hợp bạn hỏi không thuộc trường hợp áp dụng để tính thời hiệu thừa kế theo quy định nêu trên mà chỉ áp dụng để xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp tài sản thừa kế có yếu tố nước ngoài.
Về thời hiệu khởi kiện về thừa kế tài sản là bất động sản: Tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế như sau: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể thừa thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người quản lý di sản đó”.
Như vậy, ông nội bạn mất năm 1980, thuộc trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990, thời hiệu khởi kiện di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể: “Thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/9/1990”.
Đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, trong trường này, thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với di sản của ông nội bạn (chết năm 1980) sẽ được tính từ ngày 10/9/1990, đến ngày 10/9/2020 sẽ đủ 30 năm. Sau ngày 10/9/2020, người thừa kế không còn quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.