Điều 178 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Khi tiến hành hoạt động điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này...”; khoản 3 Điều 201 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Khi khám nghiệm hiện trường phải tiến hành chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình; xem xét tại chỗ và thu lượm dấu vết của tội phạm, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án; ghi rõ kết quả khám nghiệm vào biên bản...”. Khoản 3 Điều 30 Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao) quy định: “Trong quá trình khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ các hoạt động khám nghiệm. Yêu cầu Điều tra viên, cán bộ điều tra, người có chuyên môn thực hiện đúng trình tự, thủ tục khám nghiệm; vẽ sơ đồ, chụp ảnh, đo đạc và mô tả thực trạng hiện trường và thực hiện các hoạt động khác theo quy định của pháp luật. Yêu cầu biên bản khám nghiệm hiện trường phải được lập, sơ đồ hiện trường phải được vẽ ngay tại nơi khám nghiệm”. Quy định như nêu trên là nhằm bảo đảm cho hiện trường vụ việc, vụ án cũng như quá trình tiến hành khám nghiệm của cơ quan, người có thẩm quyền được phản ánh một cách khách quan, trung thực và kịp thời. Do vậy, các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần bảo đảm lập biên bản khám nghiệm hiện trường ngay tại nơi khám nghiệm.